, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 19/01/2023, 06:00

Lê la làng trong vun vút còi xe

ĐẬU DUNG
Cuối năm, tôi nổi hứng rủ bạn lê la làng của nhà văn Tô Hoài. Bạn kêu, làng của “ông Dế Mèn” còn đâu nữa mà về. Đi mất công. Mà cả cái Hà Nội này, còn làng đâu nữa mà về.
Dân làng Trung Nha muốn sang cổng làng, phải băng qua “hàng rào” xe cộ tấp nập.

Thăm làng chú Dế Mèn

Sinh thời, nhà văn kể: “Nghĩa Đô lúc đó Hồ Tây, sông Tô Lịch, những cánh đồng lúa làng Bái Ân, làng Nghĩa Đô, làng Hồ, làng An Thái… còn là thiên đường của trẻ con. Toàn bộ không gian của Dế Mèn phiêu lưu kí chính là ở vùng ngoại ô ấy”. Làng Nghĩa Đô xưa thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Từ làng lên phố, phát triển tới mức, tôi đồ rằng, sau bao năm phiêu lưu chán chê trở về thăm quê, Dế Mèn và anh bạn Dế Trũi chắc cũng “lạc đường” vì còn đâu một vùng bờ nước khi xưa.

Từ Láng, men theo sông Tô Lịch, đi Cầu Giấy, Nghĩa Tân. Về qua làng cổ Bái Ân nổi danh với nghề dệt lĩnh và làm giấy thời xa vắng. Chỉ còn đình làng là ở đó. Vàng vọt trong ánh chiều yếu ớt. Vòng qua làng An Phú “dẻo kẹo mạch nha/ lợn hồng da mượt như là trong tranh”, lòng thầm hỏi, những người nấu kẹo nha, những người nuôi lợn giỏi của làng An Phú, những người muôn năm cũ về đâu hết thảy? Phố xá đông đúc, nhà cao tầng sin sít cũng không ngăn nổi gió mùa đông thổi ràn rạt, thông thốc. Tôi quảy xe ngược về Bưởi. Trên đường gặp phố, trên phố có đường. Hình như lâu rồi, không nghe ai nói hai chữ “Kẻ Bưởi” nữa. “Kẻ” là từ chỉ khu vực tương đương với đơn vị hành chính làng. Nơi nào có chữ “Kẻ” đi kèm, đa phần là vùng đất cổ.

Đang tần ngần ở đoạn giao đường Bưởi đi các ngả thì đập ngay trước mắt đường Võ Chí Công thênh thang với bốn làn rộng tắp. Lạ cái, giữa “con lươn” trồng cây phân cách các làn đường, “mọc” đâu ra một chiếc cổng làng còn cả nóc mái. Sát đó là cây đa trăm tuổi cao vút, rễ như những con rắn “lão” kết lại rồi cắm sâu vào đất hình thành nên một thế đứng vững chãi. Xanh um, bóng tỏa và vẫy vào vô tận. Cơ hồ như chẳng ăn nhập gì với cái bối cảnh phố phường xung quanh.

Muốn sang được chỗ con lươn kia, phải băng qua dải phân cách mà xe cộ lao vun vút. Ở dưới gốc đa to xù xì, có một miếu thờ được lập ra, ai đó vừa thắp nhang nên mùi thơm vẫn còn lởn vởn trong không khí, ấm sực. Áp lòng bàn tay vào mái vòm của cổng làng, ngước lên cây đa, nhìn dòng xe cộ xuôi ngược. Chỉnh thể đó cứ như hai đời sống đối ngẫu trong cùng một không gian của đô thị. Tréo ngoe mà đau đớn. Bởi lẽ, ở đây ắt hẳn phải là một nơi chốn thiêng liêng cỡ nào, nên dù có một con đường lớn được quy hoạch chạy cắt ngang xuyên thủng, thì người ta vẫn ráng giữ cái cổng làng, cây đa. Đó là những gì còn sót lại của một công cuộc phát triển.

“Cổng làng Trung Nha đó”, một bà cụ bán nước chè ngồi co cụm trong chiếc áo bông cũ nói khi tôi vừa về lại bên này đường. Hay còn gọi là làng Nghè phải không cụ? Ừ, nó đó. Làng Nghè trong câu ca dao: “Con gái Kẻ Cót thì đi buôn xề/ Con trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa”.

Năm 2015, theo quy hoạch dự án vành đai 2 Hà Nội, đoạn nối với cầu Nhật Tân, thì cổng làng Trung Nha nằm trong diện di dời, hoặc đập đi xây lại. Dân làng phản đối dữ dội và bày tỏ phải giữ được cổng làng. Cuối cùng, để “vẹn” cả hai, dân làng đành để đơn vị xây dựng “đục” bớt một phần ở hai bên cánh cổng lại cho gọn, để con đường mới vẫn đảm bảo đúng tiến độ. Không biết có đúng không, trước khi mất, nhà văn Tô Hoài dặn rằng, hãy đưa ông đi qua cổng làng, cây đa và bãi đất ngày xưa đã “thai nghén” nên tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký. Chắc là đúng. “Cu Bòi Cẩu” (tên gọi ở làng của nhà văn Tô Hoài) yêu làng của ông đến vậy mà.

 
Cây đa trăm tuổi của làng Trung Nha nay ở giữa đường Võ Chí Công với 4 làn đường.
 

Làng trong phố hay phố trong làng?

Với không ít người, có thể, hai vế của câu hỏi này là một; thì với dân làng Ngũ Xã (quận Tây Hồ, Hà Nội), phải nói “phố trong làng” thì họ mới chịu. Họ cố chấp và lắm chuyện ra phết. Cái nào mà chả như nhau. Nhưng ngẫm mà xem, nếu nhìn lại một tiến trình tịnh tiến của lịch sử, sẽ bất giác mà ngộ ra Hà Nội, Sài Gòn – TP.HCM… hay bất cứ đô thị nào ở nước ta, dù đã được “cà” bóng láng và khoác lên bao nhiêu mỹ miều của chiếc vỏ hiện đại, văn minh… thì trong một phần sâu thẳm nhất nào đó, nói cho cùng cũng chỉ là một cái làng, hoặc từ làng mà nên. Làng Hà Nội, làng Sài Gòn – TP.HCM… ở trong một ngôi làng lớn hơn: làng Việt Nam

Văn hóa Việt Nam là văn hóa làng. Chỉ có người đi ra từ làng, “sống trải” cùng làng thì mới hiểu cái lẽ yêu làng của người Ngũ Xã. Họ quán triệt lẽ trước sau, thấu cái gốc gác, cội nguồn. Vì thế, trong các văn bản hành chính bây giờ, người ta gọi nơi đây là phố Ngũ Xã; thì chỉ có người dân nhất mực dạt về một phía, gọi Ngũ Xã của họ là làng.

Ngũ Xã là làng nghề đúc đồng nổi tiếng của đất Thăng Long xưa. Vài ngày trước ngày giỗ tổ nghề làng Ngũ Xã (thiền sư Minh Không), tức ngày 1/11 âm lịch hằng năm, không khí quanh làng chợt trịnh trọng hẳn. Các con phố được căng rạp lên từ vài ngày trước. Sân đình được quét dọn sạch sẽ. Nhà nào có con cháu ở xa thì gọi điện “hỏi xem về được không” để còn biết đàng mà đặt mâm. Mà phần đa là sẽ về. Sau phần lễ và hội ở sân đình, ai không ăn cỗ ở sân đình mà muốn rủ hàng xóm hoặc bạn bè ăn cùng thì có thể đặt mâm mang về. Vào hội, làng sẽ đóng cửa với khách vãng lai, chỉ có người nhà và người làng sum vầy…

Hiếm khi đông đủ, đây là dịp để dân làng hỏi thăm tin tức của nhau, ai còn ai mất, nhà nào có thêm dâu rể, con cháu. Làng đã lên phố nhưng vẫn còn đó tình làng nghĩa xóm, vẫn còn đó cái tục lệ, tôn ti trật tự, vai vế trên dưới trong làng.

“Cứ bảo ta đang ở Hà Nội 36 phố phường, nhưng thực ra vẻ đẹp và sự hấp dẫn của thành phố này chính là cảm giác sống động của sự “ta đang sống ở làng”. Nghe chị Dương Thu Hằng (“chủ xị” của Hanoi Studio Gallery) nói vậy, lại nghĩ đó là lời của một người được sinh ra và lớn lên ở đây. Hóa ra, chị Hằng mới về sống ở Ngũ Xã khoảng bốn tháng nay. Anh Lưu trưởng xóm Xanh kể, có những gia đình bán nhà, chuyển đi chỗ khác để con cháu có một căn nhà khang trang, rộng rãi hơn nhưng cứ đến ngày Ngũ Xã có hội hè gì vẫn kéo nhau về. Bởi họ “thèm” cái không khí làng.

Vì tuổi cao, tai ông Vương Quang Huy (92 tuổi) bị lãng, ông Nguyễn Văn Y (83 tuổi) muốn nói chuyện thì phải ghé sát vào. Và rồi dưới tán đa rợp mát một khoảng yên ả trước sân đình, hai bậc cao niên đứng cạnh nhau, như hai bóng hình vĩnh cửu của thời gian, nụ cười phớ lớ phảng phất ngày qua. Bao chuyện cũ người xưa cứ thế nảy về theo trí nhớ mùa cạn. Họ nói về thời vàng son của Ngũ Xã, về những mảnh đồng thật đẹp, về tiếng đục kim khí rền vang khắp làng.

Chuyện tượng gỗ Đức Thánh Tổ của làng ở trong thành Thăng Long; khi Nhật vào, thành mở cửa tán loạn, ai vào lấy được gì thì lấy, dân làng mới rủ nhau ra rước tượng cụ tổ về chùa làng. Rồi chuyện hai thợ chính Nguyễn Văn Hiếu (cha của ca sĩ Thúy Hà) và Nguyễn Văn Tùy, người thì làm cốt, người thì đúc, phải mất 3 năm mới hoàn thiện xong tượng phật A Di Đà – một trong hai kiệt tác đồ đồng nổi tiếng của làng Ngũ Xã.

Chuyện năm 2000, làng đúc tượng đồng Đức Thánh Tổ (đặt tại đình), những bà phán ngồi trên xe kéo đi đến đình quyên góp vàng để đúc tượng ra sao. Hôm khánh thành tượng cụ tổ, cụ Hiếu lúc bấy giờ yếu quá, phải ngồi xe lăn, vẫn kiên quyết bắt con cháu đẩy ra nhìn một cái rồi mới thỏa… Mới đó mà bao nhiêu năm rồi. Ông Y và ông Huy cứ nói chuyện “các cụ” mà quên mất giờ họ cũng đã kịp lên hàng lão của làng.

Khi nghe chị Dương Thu Hằng nói cái hấp dẫn của Hà Nội chính là cảm giác sống động của sự “ta đang sống ở làng”, tôi biết trong lòng thị dân mới đến làng Ngũ Xã này, làng đã nhen nhóm vào chị một chuyển động sống động và mới mẻ. Hay cách “thèm làng” của người dân Ngũ Xã, dẫu “thoát li” khỏi làng về mặt hành chính thì vẫn còn đó một tâm thức làng neo đậu. Và như thế, làng đâu cũ! Hay chính xác hơn, làng đã bao giờ cũ?

Bây giờ, dân làng Trung Nha không thể đi lại hằng ngày qua cổng làng của họ nữa. Nhưng có những tiếng thở phào thật khẽ, bởi, hồi đó, may mà dân làng kiên quyết giữ cho bằng được. Nếu không, mai này, sẽ lấy gì để kể cho con cháu nghe. Rằng xưa kia, làng Trung Nha còn có tên là làng Nghè, chốn quê hương của lũ dế mèn, đám xiến tóc vàng, châu chấu, bọ ngựa.

Đầu mùa hè, hoa ngọc lan chín trắng muốt, hương ngát ra tận ngõ. Những dì, những cô con gái làng bắc ghế hái hoa lan, gài lên mái tóc, giắt lẫn vào vành khăn.

Nơi đây, vào những năm cuối đời, khi ngồi viết tự truyện, nhà văn Tô Hoài có thể nhớ lẫn lộn Tết này Tết kia nhưng ông luôn “nhớ mùa xuân nào cũng đẹp trời như nhau. Trên quán, hoa muỗm vàng rộm. Bên bờ ao, những cây chút chít non mọng tươi trổ lá xanh rờn”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất