, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 13/03/2021, 23:35

Lễ tạ ơn trâu của người Thái

KHAU DENG
 

Síp xí (tiếng Thái nghĩa là “mười bốn”) là một trong những tết lớn nhất của người Thái. Nguồn gốc tết có từ rất lâu đời, theo lịch Thái cổ thì tết síp xí là ngày 14 tháng Giêng. Qua thời gian, người Thái giao lưu tiếp biến văn hóa với người Việt nên ăn Tết Nguyên đán, tết síp xí lùi xuống thứ hai.

Trước đây người Thái mỗi năm làm một vụ lúa nước nên tết síp xí được tổ chức vào ngày 14 tháng Bảy âm lịch, là lúc đã cấy lúa xong, người và vật đều được nghỉ ngơi sau một mùa làm lụng vất vả, cũng là thời điểm mùa mưa, mùa vạn vật sinh sôi nảy nở. Dần dà, họ làm hai vụ lúa nước nên tùy theo nông lịch của địa bàn cư trú mà có nơi người Thái ăn tết síp xí vào ngày 14 tháng Năm âm lịch.

Trong tết síp xí, người Thái tổ chức hai lễ cúng. Đầu tiên là lễ cúng ruộng (tám tế na) để cầu xin thần linh, tổ tiên về phù hộ cho cây lúa tươi tốt, không bị sâu bệnh, cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu. Lễ cúng ruộng (tám tế na) có thể coi là nghi lễ trung tâm, lễ chính thức của tết síp xí của người Thái. Lễ cúng diễn ra khoảng ba mươi phút ngay tại đầu thửa ruộng tốt nhất của gia đình, quay về hướng đông. Lễ thứ hai là lễ cúng vía trâu (tám khuôn quai), một trong những nghi lễ đặc trưng về nông nghiệp của người Thái. Ông Tòng Văn Ón, thầy mo ở bản Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, cho biết: Trước đây, do phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên người Thái chỉ làm một vụ mùa, thường cấy vào tháng Năm âm lịch, thu hoạch vào tháng Mười âm lịch để tránh giá rét và một số chân ruộng phải chờ nước mưa. Vì vậy, lễ cúng vía trâu thường được tổ chức vào tháng Năm âm lịch, sau khi cấy xong. Hiện nay, ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La vẫn tổ chức lễ cúng vào ngày 14 tháng Năm âm lịch, còn các vùng cấy lúa hai vụ thì tổ chức sau khi cấy xong vụ mùa, vào ngày 14 tháng Bảy âm lịch.

Mỗi khi kết thúc việc cấy lúa, cả bản sẽ họp bàn để thống nhất việc tổ chức lễ. Lễ cúng thường diễn ra trong một ngày rưỡi. Trước đây, khi dân bản còn nhiều trâu, họ lên rừng tìm một khoảng đất rộng có nhiều cỏ để làm nơi chăn thả trâu, gọi là púng. Púng thường có hai cửa, một cửa vào và một cửa ra. Ngày nay số lượng trâu không còn nhiều nên các gia đình thả trâu tại nhà, ngày làm lễ người dân thường làm tại nơi thả trâu của gia đình.

Sáng sớm trẻ em dắt trâu ra suối tắm sạch sẽ, gia đình chuẩn bị mâm lễ vật rồi mời thầy mo đến cúng. Đặt mâm lễ trước bàn thờ tổ tiên, thầy mo thứ nhất khấn mời ông bà tổ tiên về thụ lễ của gia đình và xin phép được làm lễ cúng vía cho trâu, phù hộ cho trâu không bị bệnh tật, không bị thú dữ ăn thịt...

Cúng xong mâm lễ thứ nhất, gia đình chuẩn bị mâm lễ thứ hai đặt tại chuồng trâu. Thầy mo thứ hai khấn xin thổ địa về thụ lễ; báo cáo mùa vụ đã làm xong, lúa cấy đã bắt đầu bén rễ, lên xanh, xin phép được cúng vía cho trâu, để trâu được khỏe mạnh, không bị hổ ăn thịt, thấy vực đừng đi, thấy hang đừng vào, không bị con vắt chui vào mũi, lúc đi lành lặn, lúc về lành lặn… Sau đó, thầy mo treo lên sừng mỗi con trâu một cái giỏ đựng lông gà và khấn cúng vía cho trâu.

Đầu tiên thầy khấn kể lai lịch: Trời làm nên con trâu/ Trâu cái đen đến trước/ Trâu cái trắng đến sau/ Trâu mộng, trâu đực đen/ Trâu quế, trâu cái trắng.

Lời khấn chân thành mộc mạc nhưng mang một ý nghĩa sâu xa: Kiếp trâu vất vả là do trời sinh, mong trâu có sự thông cảm với người. Người cũng dành tình cảm đặc biệt với trâu cái, bởi ngoài vất vả như trâu đực thì trâu cái còn có thiên chức sinh sản, nuôi con để có đàn trâu đông đúc giúp người.

Tiếp theo lời khấn kể về nỗi vất vả của trâu: Mưa rơi mày xuống cày ruộng mạ/ Sấm sét mày xuống bừa ruộng sâu. Người luôn yêu thương trâu. Song có lúc do sức ép của mùa vụ, của cuộc sống, người đối xử với trâu không được như ý. Bản chất con người vốn lương thiện, cảm thông cho nỗi vất vả của trâu đã bầu bạn, cùng người một nắng hai sương, nên khi biết “làm trái ý trâu nhiều lắm” đã rất hối hận: Bởi vậy mới mang con gà to đến mổ/ Đem con gà lớn đến để đền ơn/ Sai ý trâu có gà to đến hầu/ Trái ý trâu có gà lớn đến báo đáp.

Không chỉ vậy, người chân thành mời trâu hưởng những thành quả lao động trâu đã giúp người làm nên: Mời vía của trâu/ Mời trâu ăn nhé/ Rượu cái ăn rất ngọt/ Rượu nấu uống rất ngon/ Ăn cơm ruộng thơm dẻo trắng nõn/ Ăn cơm gạo sạch sẽ trắng ngần.

Pảnh síp xí, món ăn không thể thiếu trong tết síp xí của người Thái, bánh được gói mô phỏng hình dạng bộ phận sinh dục của con trâu cái. Ảnh: Thu Thùy
Pảnh síp xí, món ăn không thể thiếu trong tết síp xí của người Thái, bánh được gói mô phỏng hình dạng bộ phận sinh dục của con trâu cái. Ảnh: Thu Thùy

...

Bài cúng tường tận:

Hôm nay lúa cấy xong/ Mới tìm được lợn to về giết/ Tìm được gà béo về mổ/ Mang mâm cúng xuống tận dưới sàn/ Mời đến chủ ma rừng khéo trông/ Chủ ma núi khéo nuôi, khéo giữ/ Mời đến ma gầm sàn khéo buộc/ Ma bàn thờ khéo canh, khéo giữ/ Mời đến hồn trâu đực sừng dài/ Hồn trâu nái sừng nhọn/ Rủ nhau về ăn mâm gà to như chim công/ Về ăn mâm lợn to bằng cái máng/ Miếng cơm ruộng ngon dẻo/ Gạo giã cối trắng trong/ Rượu thơm ngon chủ nhà vừa nấu

Ăn vào cổ cho no/ Ăn xong mới lên núi ăn cỏ/ Ở púng rộng cùng với hươu, nai/ Nhai cỏ lau lá dày/ Nhai cỏ gianh lá non/ Đừng cho con vắt chui vào mũi/ Thấy vực sâu đừng nhảy/ Thấy khe rộng đừng bước qua/ Thấy con mặt hoa thì lẩn/ Thấy con mặt vằn thì tránh/ Chân sau đừng mắc rễ cây si chết hoang/ Chân trước đừng mắc rễ cây đa chết phí/ Có chửa đừng xảy thai/ Đẻ con đừng chết yểu/ Tạo liệng hãy đi trông/ Ma nhà hãy đi canh đi giữ/ Cho nó béo nó tốt/ Cho nó khỏe về nhà/ Về buộc đầy trong chuồng/ Về buộc chật dưới sân/ Có ba mươi con cái sừng dài/ Có năm mươi con đực sừng nhọn/ Sừng nhọn như cựa gà/ Có nhiều con kéo cày năm tới/ Có nhiều con làm ruộng năm sau/ Cho vụ mùa xanh tốt/ Cho lúa trổ bông vàng.

Khấn xong, thầy mo đổ rượu, xoa muối vào mồm trâu, rồi bón cơm, thịt gà, cỏ non cho trâu cái trước rồi mới bón cho các con trâu khác. Lúc này, mỗi người đều bón cho trâu cỏ, cơm, thịt gà, vỗ về trâu, trẻ em trèo lên lưng trâu vuốt ve âu yếm.

Cúng xong tất cả mọi người cùng nhau tổ chức ăn uống, rồi thả trâu lên bãi thả chung (púng). Đến khi chuẩn bị mùa vụ, gia đình lại đón trâu về, chăm sóc để chuẩn bị vào mùa vụ tiếp theo.

Ngày tết này cũng là dịp để người lớn tỏ lòng biết ơn những em bé chăn trâu. Gia đình nào cũng dành cho mỗi em một nửa con gà, hai quả bánh síp xí và nửa coóng khẩu xôi ngũ sắc. Các em sẽ mang tất cả thức ăn lên đồi, nơi hằng ngày vẫn tụ tập chăn trâu, vui đùa. Tất cả thức ăn sẽ được góp chung lại, bọn trẻ cùng nhau ăn uống, cùng vui đùa thỏa thích với những trò chơi dân gian như nu nu - tẩu tẩu, kéo co, đánh quay, đánh khăng…

Hiện nay, nhiều nơi đã không còn tổ chức lễ cúng vía trâu nữa do nhiều nguyên nhân: mùa vụ đã có sự thay đổi, các gia đình nuôi trâu ít hơn, trâu không được thả vào rừng púng nữa mà chủ yếu nuôi nhốt. Ông Lò Văn Xưng ở bản Lướt, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, cho biết: Tuy hiện nay trâu đã được nuôi nhốt trong chuồng ở nhà nhưng người Thái ở đây vẫn tổ chức lễ cúng vía trâu hàng năm, sau lễ cúng các gia đình rửa cày bừa, gác lên để vụ sau làm tiếp.

Lễ cúng vía trâu của người Thái mang đậm dấu ấn văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước, đậm đà bản sắc dân tộc, và rất nhân văn. 

Người Thái là cư dân ruộng nước nên rất cần đến sức trâu. Vì thế, trong tâm thức tộc người, con trâu có vai trò rất quan trọng. Trong lễ xên bản xên mường (cúng bản cúng mường), thịt trâu là lễ vật không thể thiếu để dâng lên thần linh, tổ tiên. Trong đám ma đưa tiễn hồn người quá cố về mường trời, trâu là lễ vật không chỉ mang ý nghĩa vật chất đơn thuần, mà còn là tư liệu sản xuất cho hồn người có điều kiện sống tiếp ở thế giới khác. Ngày nay, dưới chân dòng thác Nậm tốc tát (thác nước rơi) ở xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vẫn còn bãi đá thiêng gọi là Đông quái hà (rừng trâu chết). Tương truyền, đó là phần hồn của những con trâu dùng làm vật tế lễ trong các đám ma của người Thái đen hóa thành. Hằng năm đến mùa vụ, linh hồn người chết từ trên trời lại xuống đây dắt trâu về mường trời cày bừa. Trên nóc nhà người Thái đen có biểu tượng khau cút là hình hai thanh gỗ đóng chéo nhau hình chữ X mà một trong những ý nghĩa là cặp 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất