, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 31/03/2022, 09:50

Lễ thanh minh với nghệ thuật hát bội ở Bình Định

LÊ CÔNG PHƯƠNG
Từ bao đời nay, trong nghi lễ Thanh minh của người dân Bình Định, hát Tuồng (hay còn gọi là hát Bội) là một phần không thể thiếu. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân nơi đây vào mỗi dịp xuân về.
Ảnh minh họa (nguồn: Báo Bình Định)

Vài nét về lễ thanh minh

Lễ Thanh minh là một truyền thống văn hóa tốt đẹp và lâu đời của dân tộc ta. Nhắc đến nét đẹp này đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều: 

                                      “Thanh minh trong tiết tháng ba

                                       Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.

Tục cúng Thanh minh ở Bình Định cũng có nhiều nét riêng so với đồng bằng Bắc Bộ. Nếu như ở miền Bắc, cúng Thanh minh được tổ chức tại đình làng và thường vào tháng ba âm lịch – đúng với tiết Thanh minh theo cách tính của lịch phương Đông (sau thời điểm lập Xuân khoảng sáu mươi ngày), thì ở Bình Định lễ cúng này lại được tổ chức rải rác từ khoảng rằm tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch tùy theo từng địa phương. Ví như các làng, xã thuộc thị xã An Nhơn (huyện An Nhơn, Bình Định) thường cúng vào ngày 16 tháng giêng hàng năm; Tây Bình thuộc huyện Tây Sơn là 29 tháng giêng; phường Trần Hưng Đạo thành phố Quy Nhơn chọn ngày 18 tháng hai…

Lễ cúng Thanh minh ở nhiều địa phương thường được gộp với lễ cúng cầu an đầu năm, hay có khi là lễ cầu ngư. Địa điểm tổ chức đa phần diễn ra tại miếu Thanh minh của làng. Thiết chế văn hóa này cũng là điểm độc đáo khác biệt so với miền Bắc, nó mang đậm dấu ấn tiến trình lịch sử phát triển của người Việt nói chung và miền đất võ nói riêng. Người Việt có tín ngưỡng thờ cúng thần linh, ông bà tổ tiên và những người đã khuất. Vậy nên, khi mở rộng địa bàn sinh sống về phương Nam đến vùng đất này khai phá, lập làng, an cư lạc nghiệp, bên cạnh việc dựng đình làng thờ cúng những vị thần cai quản bản xứ, các vị tiền hiền có công với làng, người dân còn xây dựng các miếu thanh minh để thờ cúng thần linh, vong linh những người đã khuất không rõ nhân thân (cô hồn – các bác) từng sinh sống và đã mất tại mảnh đất này. Hàng năm tổ chức lễ cúng thanh minh với mong muốn tri ân tiền hiền, an ủi người đã khuất, mong ước được thần linh và người đã khuất phù hộ độ trì cho làng làm ăn sinh sống yên ổn.

…Và truyền thống của nhà hát tuồng

Tục lệ hát tuồng trong lễ Thanh minh có từ bao giờ? Đến nay tôi chưa thấy công trình nghiên cứu chuyên sâu về đề tài này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hát Bội trong lễ Thanh minh được hình thành từ chính nơi sản sinh ra loại hình nghệ thuật độc đáo này. Đó là chốn cung đình và sau đó lan truyền ra dân gian. Theo Hý trường tùy bút của Đào Tấn, có đoạn chép về nghệ thuật Tuồng trong cung cấm như sau: Văn Minh mệnh dĩ tiên, triều sỹ yến tập, vô bất diễn Sơn Hậu giả. Hậu tiệm thượng Ngũ hổ bình Tây. Ký âm hảo thính, phấn diễn diệc giai. (Dịch nghĩa: Nghe nói từ đời Minh Mệnh trở về trước, các bậc sĩ trong triều tụ nhau lại yến tiệc, không đâu là không diễn tuồng Sơn Hậu. Và sau có tuồng Ngũ Hổ Bình Tây. Âm điệu dễ nghe, biểu diễn cũng hay)

Đến thời vua Tự Đức, Tuồng chính thức được đưa vào hát lễ, Đào Tấn chép rằng: Tự Đức sơ, mệnh Trương Quốc Dụng chế chu diễn truyện dĩ bị nhạc phủ diễn tập. Phàm các việc giai hữu tấu diễn. (Dịch nghĩa: Đầu thời Tự Đức, vua sai Trương Quốc Dụng soạn tuồng cho nhạc phủ - cơ quan cai quản về nhạc, hát để diễn tập. Phàm các ngày lễ đều có biểu diễn). Đến thời vua Đồng Khánh, hát tuồng trong các dịp cúng lễ nói chung đã trở nên thịnh hành ngoài dân chúng, Đào Tấn ghi lại: Đồng Khánh chi hậu, hải nội án an, sỹ thân yến hội phi âm bất tôn, nhi quận ấp thành hương tuế thời tế trại diệc vô bất hữu kịch. (Dịch nghĩa: Từ thời Đồng Khánh trở về sau, trong nước tạm yên, cuộc tiệc tùng của nhà quyền quý nếu không có nhạc thì không long trọng, còn các quận ấp, thành thị, hương thôn hằng năm cúng tế không đâu là không có hát tuồng).

 Như vậy, nghi lễ hát tuồng trong lễ Thanh minh vốn là một phần trong hát lễ nói chung và có nguồn gốc từ cung đình. Đó là nét đẹp văn hóa trong cung đình được nhân dân ta dân gian hóa, quần chúng hóa và được người dân Bình Định giữ gìn cho đến ngày nay.

Đến thực tế một buổi diễn lễ

Theo quan niệm của người xưa, Thanh minh được xếp vào một trong những ngày lễ lớn. Nói đến quan niệm về thế giới tâm linh, cha ông ta có câu Thờ thì dễ, lễ thì khó. Thế nên cúng lễ Thanh minh hằng năm đối với nhân dân là một việc rất quan trọng. Đây là công việc chung của cả làng, vì thế nhân dân trong làng luôn đồng lòng chung tay góp sức cả về vật chất lẫn tinh thần để thực hiện. Quá trình tổ chức lễ diễn ra bài bản. Từ bố trí địa điểm, chuẩn bị đồ cúng đến tiến hành nghi lễ đều được các vị cao niên phân công thực hiện chu đáo. Ngày giờ được xem cẩn thận và ấn định cụ thể. Đối với vị trí Chánh tế, Phó Chánh tế, những người được giao trọng trách thực hiện nghi lễ cũng phải được lựa chọn kĩ càng, người có tuổi tác, uy tín phù hợp mới được đảm nhiệm.

Trong khâu chuẩn bị, dựng rạp là vất vả nhất. Xưa, mỗi khi dựng rạp, địa phương huy động nhiều thanh niên trai tráng trong làng làm từ một đến hai ngày mới hoàn tất. Ngày nay công việc này đơn giản hơn nhờ thuê dịch vụ. Địa điểm hát lễ thường được chia làm hai khu vực. Khu thứ nhất là án thờ, được dựng ngay trước miếu, hướng quay ra ngoài, bày biện, trang trí nghiêm cẩn với đầy đủ đồ thờ, lễ vật… Khu thứ hai là rạp hát được dựng trước án thờ. Giữa án thờ và sân khấu là một khoảng trống. Đây là sân làm nghi lễ cúng tế và cũng là nơi khán giả ngồi xem hát tuồng. Gần về phía sân khấu được bố trí hai trống chầu hai bên tả hữu, mặt trống được bịt sẵn bằng một tấm vải hoặc một giấy đỏ, trên đó để cặp dùi. Phía sau sân khấu là nơi hóa trang của các diễn viên. Ở đây lập một bàn thờ nhỏ bày các lễ vật gồm ba con gà, hoa quả, nhang đăng kính dâng ông Tổ nghệ thuật tuồng để mỗi khi ra vai, người diễn viên thực hiện nghi lễ bái Tổ, cầu nguyện Tổ nghiệp phù hộ cho mình ra vai được thành công như ý.

Khác với biểu diễn phục vụ nhân dân hàng ngày, khi hát phục vụ tế lễ, các đoàn hát thường tựu án (đến điểm biểu diễn phục vụ lễ) sớm hơn. Và sớm nhất bao giờ cũng là đội mè đèn, hậu đài (ngày nay do có sự hỗ trợ của hệ thống đèn điện, loa phóng thanh nên gọi là nhân viên kĩ thuật, ánh sáng, âm thanh và hậu đài), sau đó mới đến ông bầu, diễn viên và nhạc công. Đội mè đèn và hậu đài là những người chuyên làm công việc chuẩn bị trang trí sân khấu, ánh sáng và phục vụ biểu diễn. Tuy đây là công việc phụ phục vụ cho biểu diễn nhưng lại rất quan trọng, đặc biệt là công việc mè đèn (đốt đèn lấy ánh sáng). Bởi lẽ khi biểu diễn buổi tối, nếu không có sự chuẩn bị về ánh sáng thì đêm diễn không thể thực hiện được. Ngày xưa, đèn thông thường có dạng cái đĩa sâu, có bấc ở giữa, được đổ đầy chất đốt như: dầu dừa, dầu đậu phộng hay mỡ lợn nên công việc mè đèn rất vất vả. Việc trông coi để đèn không tắt trước gió quả thực không hề đơn giản. Sau này, cùng với sự phát triển của xã hội, công việc chuẩn bị ánh sáng phục vụ biểu diễn dần đỡ vất vả do sự xuất hiện của các loại đèn: đèn măng xông, đèn dầu và đặc biệt là đèn điện.

Trước khi cúng tế, nhiều địa phương tổ chức tảo mộ vô chủ và làm lễ rước thần. Lễ này được tiến hành theo đặc điểm riêng của từng làng. Có nơi, mặc dù đã có miếu Thanh minh được xây dựng từ đời trước, nhưng trong quá trình sinh sống, vì tín ngưỡng tâm linh hay vì một lí do bắt buộc nào đó phải xây dựng, di dời miếu đến địa điểm mới nhưng vẫn không phá miếu cũ. Vậy nên khi cúng tế ở miếu mới, nhân dân trong làng làm nghi lễ rước thần từ miếu cũ về. Khi cúng xong lại rước thần trở lại miếu cũ. Cũng có nơi kết hợp cúng Thanh minh với lễ cầu ngư. Nghi lễ đón rước và đưa tiễn thần từ bãi biển về miếu cũng được tiến hành tương tự.

Trước giờ tế lễ khoảng 30 phút, để tránh sơ suất, ban tổ chức thực hiện công tác kiểm tra lần cuối các lễ vật (heo quay, gà, hoa quả…) và nhân sự (chánh tế, học trò gia lễ, hầu lễ, ban nhạc lễ…) Về phần mình, đoàn tuồng thường cử hai người mặc lễ phục đứng hai bên án thờ để phối hợp với các Chánh tế, Phó Chánh tế và học trò gia lễ thực hiện tế. Khi giờ lành đến, nhạc tấu lên, buổi cúng tế Thanh minh bắt đầu. Phần lễ được cử hành trang nghiêm, long trọng theo đúng nghi thức lễ truyền thống. Từ khâu sửa soạn đồ lễ (hương đăng, trà nước, phù tửu…), đến dâng tiến và bái lạy đều thực hiện theo lời hô xướng và giai điệu diễn tấu của nhạc.

Phần lễ kết thúc cũng là lúc diễn viên gánh hát chuẩn bị xong và bắt đầu biểu diễn. Vị Chánh tế tiến lại làm nghi thức mở trống chầu, rồi hô to: Ca công tựu án tiền khởi võ. Bên trong khu vực hóa trang, diễn viên đồng thanh đáp vang: Dạ! Chánh tế khởi chầu và trống quân tiếp ứng. Trưởng đoàn (ông bầu) ra giữa sân khấu đọc lời chúc phúc. Lời chúc vừa dứt thì tiếng trống chầu khai trường vang lên, buổi hát lễ bắt đầu. Lễ Thanh minh được tổ chức vào mùa Xuân nên tiếng chầu khai trường thường được đánh ba tiếng. Số lượng tiếng trống này được ứng với câu Tam dương khai thái, một điển tích cổ tượng trưng cho tâm nguyện mong muốn một năm tươi tốt, may mắn, an lành và thịnh vượng sẽ đến với dân làng.

Vở diễn phục vụ hát lễ thường là những vở tuồng cổ có tính chất kinh điển như: Cổ Thành, Sơn hậu hay Huê dung lộ. Tiếng trống chầu điểm xong, dàn nhạc tuồng nổi lên tạo khí thế mở đầu cho màn diễn thứ nhất. Ngày trước, khi chưa có quy định cấm đốt pháo, lúc nhân vật đầu tiên bước ra sân khấu thường được khán giả trào mừng bằng một tràng pháo nổ. Những âm thanh náo nhiệt của tiếng pháo kết thúc, khán giả ổn định chỗ ngồi và nhân vật bắt đầu cất tiếng hát. Buổi diễn cứ thế chảy đều theo nhịp dẫn dắt của tiếng trống chầu, cùng với sự tán thưởng của nhân dân. 

Thông thường, một buổi diễn kéo dài khoảng hơn hai giờ, tùy độ dài ngắn của vở diễn. Khác với biểu diễn thông thường, buổi biểu diễn tế lễ không kết thúc ở màn cuối cùng của vở tuồng mà được khép lại bởi một màn riêng biệt, gọi là Tôn vương. Cảnh Tôn vương diễn ra trong không khí trang trọng, vui tươi với vua sáng, tôi hiền, thiên hạ thái bình thịnh trị, nhân dân ấm no hành phúc. Vua ban chiếu chỉ sắc phong trung thần, ân xá thiên hạ. Chiếu chỉ ban xong, các nhân vật văn võ bá quan liền đồng thanh hát câu kết, thể hiện tâm nguyện cầu quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, đời sống của nhân cả nước nói chung, trong làng nói riêng được ấm no, hạnh phúc:

                                      Ngũ sắc tường vân khi Bắc khuyết

                                      Nhứt bôi thọ tửu chúc Nam san

Hoặc: 

                                      Rày mừng hải yến hà thanh

                                      Nhân dân an lạc thái bình âu ca

Kết màn, tiếng trống chầu điểm lên một hồi giòn giã, bên trong tiếng trống lệnh đáp ba tiếng báo hiệu phần hát lễ đã chấm dứt. Các buổi biểu diễn tiếp sau đó để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Mỗi phong tục tập quán của một vùng, miền hay địa phương chính là sự thể hiện gián tiếp về hình ảnh con người xứ đó. Hát Bội trong lễ Thanh minh là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống tiêu biểu của người dân Bình Định, thể hiện tâm hồn trong sáng của người dân nơi đây, những con người hiền lành, chất phác, sống nhân nghĩa, giàu tính nhân văn và đặc biệt là có tình yêu tha thiết với nghệ thuật tuồng.

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất