, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 28/12/2016, 15:52

Lễ Tống ôn binh vùng đất Hòa Đồng xưa

CAO THỊ HOÀNG

1. Huyện Gò Công Đông thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay là vùng đất Hòa Đồng xưa. Theo lời người cố cựu kể lại, hằng năm lễ Vu Lan rằm tháng bảy, dân sở tại cúng ôn binh. Bậc tiền hiền đến khẩn hoang vùng đất nầy vốn “ra sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma!”, dịch bịnh và gió thiêng nước độc đã cướp đi bao sinh linh oan trái. Chết oan là trái với lẽ công bình.

Lễ Tống ôn binh của người dân miền Tây Nam bộ được duy trì đều đặn hàng năm nhằm tống tiễn âm binh, cầu cho một năm an lành, mưa thuận gió hòa, nhà nhà mạnh khỏe, làm ăn khấm khá. Ảnh: Cửu Long.
Lễ Tống ôn binh của người dân miền Tây Nam bộ được duy trì đều đặn hàng năm nhằm tống tiễn âm binh, cầu cho một năm an lành, mưa thuận gió hòa, nhà nhà mạnh khỏe, làm ăn khấm khá. Ảnh: Cửu Long.

Trong dân gian tin rằng, người có hồn và vía. Chẳng phải tự nhiên người ta gọi “ba hồn, chín vía”. Hỏi bậc “lão lai tài tận” trong làng, mới biết: Nam bảy vía, nữ chín vía. Vía là phách, là xác thân sau khi chết sẽ tan rã mục nát, làm bạn giun dế và trở về cát bụi. Người bình đẳng trong việc sở hữu hồn, ai cũng có ba hồn. Người chết, một hồn quanh quẩn nơi xảy ra sự chết; một hồn vướng víu ở mồ mã và một hồn đi theo phán quan đến địa ngục để đối mặt với những gì đã làm chốn trần gian, trong phiên “xét công luận tội”. Cho nên, người chết bờ bụi, sông suối...chết không nhà, hồn lẻ loi chẳng nơi nương tựa, trở thành cô hồn gần nghĩa với âm binh, với người khuất mặt khuất mày...đói khát, tụ tập gây nhiễu nhương cho người sống. Cụ Tố Như từng viết trong “Văn chiêu hồn: Mỗi người một nghiệp khác nhau/Hồn xiêu phách tán biết đâu bây giờ?”. Muốn yên, người sống tổ chức cúng tống cô hồn, lâu ngày thành tục gọi là, tục tống cô hồn, có nơi gọi tống quái.

Tùy nơi, người ta chọn và định ngày cúng tống cô hồn. Người Hòa Đồng lấy ngày mười sáu, tháng bảy âm lịch làm mốc cúng hằng năm và, cúng tống cô hồn của họ không giống lễ cúng Phóng Diệm Khẩu. Việc cúng là việc chung của mọi người chớ chẳng riêng ai, họ thường cử một người có uy tín trong xóm đứng ra tổ chức.

2. Năm đó, chú Bảy được cô bác trong xóm Long Bình giao việc sắp xếp việc cúng lễ. Cánh đàn ông đốn bốn cây chuối hột lấy thân ràng buộc chắc chắn, những thanh tre kết lại thành khung con tàu. Cánh đàn bà khuấy hồ dán giấy đủ màu sắc lên khung, trông sặc sỡ. Tôi nghĩ trong bụng, chắc là ma quỷ, cô hồn, âm binh phen nầy thích lắm.

Chú Bảy đặt mấy hình nhơn tay cầm dầm chèo nắn bằng đất sét ở trước mũi và sau lái. Rồi, nào vải, nào quần áo, nào nón... đủ thứ cho người dùng được treo khắp lòng tàu. Tôi ngắm nghía con tàu sẵn sàng xuất bến, chở muôn hồn oan khuất về cõi hư vô!

*

Miếng đất nhà chị Năm cặp sát mé sông được chú Bảy chọn làm nơi hành lễ. Mỗi nhà trong xóm tùy điều kiện có thể, hùn nhau mang vật phẩm đến cúng. Người bưng đầu heo, gà luộc, xôi, bánh, trái cây... gạo, muối, nước, nhang đèn, giấy tiền vàng bạc... Nhất là, chú Bảy không quên năm miếng lá bùa trừ tà của thầy Ba Cụm ở núi Két mà tháng trước thiếm Bảy đã khăn gói đi thỉnh.

Chú Bảy khấn vái, mọi người quỳ lạy và thầm nói lời tống tiễn cô hồn thượng lộ bình an, một ra đi không trở lại. Nhang tàn, tất cả các vật cúng được cô bác xếp vào tàu. Chú Bảy cất tiếng hô vang dội như người chiến binh hô xung trận, những chàng trai lực lưỡng trong xóm dang tay khiêng con tàu xuống bến sông. Chú Bảy rót chén rượu rắc đều trước mũi tàu và mọi người đẩy con tàu trôi theo dòng nước giữa những hạt mưa ngâu rớt lâm thâm ướt mặt người!

Mọi người quay trở vô nhà, cảm thấy lòng nhẹ nhõm, nói cười rôm rả như vừa trút gánh âu lo, xui xẻo, bịnh tật...theo con tàu chở khẫm đám cô hồn!

3. Tôi có đôi chút băn khoăn, không biết số thực phẩm trên tàu theo tàu trôi về đâu? Bụng hơi tiên tiếc. Thím Bảy có lẽ hiểu ý, nói:

- Dẫu ba đầu sáu tay, hay bọn cô hồn sống cũng chả đứa nào dám bợ rượu thịt trên tàu. Đám cô hồn chết ở trên tàu nó bẽ lọi tay lìa cẵng.

Vậy, bỏ đồ luôn hả thím?

Chú Bảy cầm chén rượu bước xuống nhà sau.

- Dễ bỏ sao bây!

Chú nói rằng, bà con lo cúng tống ôn binh trên nầy, chớ phía dưới khúc cua sông chòi thằng Đực, tụi giữ trâu ba đời đang đứng chụm nhum đợi tàu.

Tôi không hiểu, hỏi chú: “Tụi nó đợi chi chú?”

- Đợi ngoắc tàu vô lấy rượu thịt, chớ đợi chi!

Thấy tôi bán tín bán nghi, chú cười:

- Tàu tống ôn binh hễ thấy tụi nó kêu là tàu quẹo vô!

Tôi hỏi leo: “Chú thấy bao giờ chưa?”

*

Đời nội, đời tía cho tới đời qua, đều đi bạn giữ trâu nhà hội đồng Trâm bên Đồng Sơn. Hồi đó, nhà giàu nuôi trâu phồn, có phồn mấy trăm con. Qua lùa trâu sang miệt Bãi Hổ, theo người lớn tuổi nói đó là cái bãi để cọp kéo xác người về ăn. Ngủ chờ, đêm nào qua cũng nghe tiếng người khóc, tiếng cọp gầm gừ, tiếng binh khí đánh nhau...hé mí nóp ngó trời đen như mực, gió sột soạt suốt canh thâu... Thỉnh thoảng giật mình vì, rầm rập bước chưn hành quân lên phía rạch Tân Đông. Mãi sau nầy, hương chức làng cùng cô bác trong vùng cúng tống ôn binh thì qua mới biết. Đoạn sông nầy, từng là bãi chiến trường đẫm máu giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh chém giết nhau.

Bọn giữ trâu và qua đón tàu, giựt đồ ăn thức uống của bọn cô hồn. Qua đứng dang chưn trên đầu ngọn bặp dừa, bọn kia đứng dưới mé nước. Tàu trôi ra hướng cửa Tiểu, qua hô lớn: “Dừng lại! Dừng lại!”. Tàu đương xuôi dòng ngon lành, qua có cảm giác hình như nó khựng lại, rồi nó cà dựng, cà dựng... nước đẩy, nó chẳng trôi. Bỗng có tiếng hét của đứa nào đó:

- Quay mũi, chạy vô bờ tau biểu!

Chờ lâu, bù mắt lá cắn ngứa sần mình phát ghét. Bọn qua bơi ra sông, nắm đầu tàu kéo vô mé...

*

Dân mình dù sống cảnh đói cơm hay rách áo, dù no đủ hay giàu sang đều mang tâm thức “lá lành đùm lá rách” hoặc luôn nhớ “Nhiễu điều phủ lấy giá gương...” đối với người sống cũng như người đã khuất. Đùm người cơ nhỡ, bộc vong linh vất vưởng lẻ loi! Cúng tống ôn binh, một biểu hiện rất người trong cõi tạm nầy. Người Nam bộ có thể nói “bỏ qua” chớ không nói “tha thứ”, dẫu kẻ ấy từng là lũ cô hồn hãm hại mình!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm





Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất