, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 25/06/2021, 15:02

"Liên hoàn kế" cho ĐBSCL

ThS. NGUYỄN HỮU THIỆN (LÊ HOÀNG VŨ - NGỌC THẮNG ghi)
(nongnghiep.vn)

Nghị quyết 120 là một 'liên hoàn kế' khá toàn diện cho sự phát triển ĐBSCL, trong đó có năm tinh thần chính.

Nghị quyết 120 giúp chuyển hướng nền nông nghiệp từ thuần túy làm nông nghiệp chạy theo sản lượng sang làm kinh tế nông nghiệp có nghĩa là không lấy năng suất làm chỉ tiêu thành công, chú trọng vào tính kinh tế của sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, thông thường khi nghe tới chữ “nghị quyết” người ta ngán tìm hiểu vì e ngại văn bản khô khan. Vì vậy, trong bài này tác giả xin luận bàn tóm tắt những tinh thần cốt lõi của Nghị quyết, theo hiểu biết của mình.

Nghị quyết 120 không phải là một kế hoạch mà là một chiến lược đưa ra những định hướng chiến lược cho sự phát triển. Nếu ví ĐBSCL như một con tàu, thì Nghị quyết 120 giống như la bàn chỉ hướng cho con tàu đi về hướng nào, sau đó việc dịch chuyển con tàu theo hướng đã vạch thì phải có các kế hoạch cụ thể để thực hiện.

Do đó, trong giai đoạn đầu này, việc đặt nền tảng theo định hướng quan trọng hơn là việc con tàu đã dịch chuyển được bao nhiêu. Trong 3 năm vừa qua, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành soạn thảo Quy hoạch tích hợp ĐBSCL. Đây là sự chuẩn bị nền tảng quan trọng nhất.

Nghị quyết 120 là một “liên hoàn kế” khá toàn diện cho sự phát triển ĐBSCL, trong đó có năm tinh thần chính: Thuận thiên. Đây là tinh thần cốt lõi của NQ120 và là một tinh thần rất sáng suốt, bởi vì quy luật tự nhiên thì không gì có thể thay đổi được. Thuận quy luật tự nhiên sẽ đỡ vất vả và được hưởng lợi.

Thuận thiên không có nghĩa là không làm gì, nhưng “làm gì” thì phải “thuận thiên”, phải hiểu quy luật tự nhiên, tránh can thiệp quá thô bạo vào tự nhiên, thay đổi căn bản điều kiện tự nhiên sẽ phát sinh những hệ lụy phải trả giá về sau.

Nghị quyết 120 là một 'liên hoàn kế' khá toàn diện cho sự phát triển ĐBSCL Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo đó, nên áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”, ưu tiên những hành động nào mang tính hối tiếc thấp, tức là ít rủi ro sai lầm. Những hành động chi phí cao, rủi ro sai lầm cao, khó sửa đổi, khó thối lui khi nhận ra sai lầm thì được xếp vào loại “hối tiếc cao” và nên được xếp ưu tiên thấp.

Chuyển hướng nền nông nghiệp từ thuần túy làm nông nghiệp chạy theo sản lượng sang làm kinh tế nông nghiệp, có nghĩa là không lấy năng suất làm chỉ tiêu thành công, chú trọng vào tính kinh tế của sản xuất. Theo đó cần nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị, gia tăng chế biến, cải thiện điều kiện logistics, cải thiện tiếp cận thị trường, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, duy trì sức khỏe cho đất đai, ít sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.

Quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch 2017 là cách tiếp cận quy hoạch tiên tiến, hiện đại, cho phép đối xử với đồng bằng như một cơ thể sống vận hành hài hòa, nhất thể. Nói một cách dễ hiểu, hình dung quy hoạch tích hợp giống như khi chế tạo một chiếc xe đạp thì có bản vẽ thiết kế tổng thể chiếc xe đạp trước, sau đó mới vẽ chi tiết từng bộ phận. Khi lắp ráp lại thì chiếc xe đạp mới vận hành như một hệ thống thống nhất, ăn khớp, hài hòa. Như vậy, quy hoạch tích hợp không phải là phép cộng các quy hoạch ngành, các quy hoạch địa phương.

Xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên. Đây là một tinh thần sáng suốt của Nghị quyết 120 bởi vì nhận ra được tầm quan trọng, cơ hội kinh tế của nước mặn, nước lợ. Việc giảm bớt việc kiểm soát, chống lại quy luật tự nhiên, giảm bớt sự cắt đứt liên lạc sông-biển, giảm ô nhiễm cho sông ngòi, duy trì liên lạc sông biển sẽ duy trì được hệ sinh thái và thủy sản biển.

Đây cũng là một định hướng thông minh, vì thực tế không cần canh tác 3 vụ liên tục trong nhiều năm đến nỗi làm suy kiệt đất đai để có an ninh lương thực. Thủy sản gồm có thủy sản tự nhiên và thủy sản nuôi, gồm thủy sản nước ngọt, mặn, lợ, thủy sản nước tĩnh và nước chảy.

Thực tế cho thấy thủy sản nuôi với diện tích nhỏ hơn mang lại lợi nhuận cao hơn canh tác lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thực tế cho thấy thủy sản nuôi với diện tích nhỏ hơn mang lại lợi nhuận cao hơn canh tác lúa. Khi nói về thủy sản, thì phải nói về chất lượng nước. Do đó, việc này liên hoàn với vấn đề nông nghiệp.

Thực hiện được đúng đắn tinh thần NQ120 sẽ đem lại hàng loạt lợi ích cho ĐBSCL:

Thứ nhất, nhiều vấn đề sẽ tự động không còn là vấn đề nữa. Thứ hai là chung ta sẽ đỡ vất vả, tốn sức để “vật lộn” với thiên nhiên. Thứ ba là nâng cao được hiệu quả kinh tế và bền vững hơn, gìn giữ được những tài sản cốt lõi của ĐBSCL (sức khỏe đất đai, sức khỏe sông ngòi, nét văn hóa). Thứ tư là sự vận hành của hệ thống tự nhiên ĐBSCL sẽ được phục hồi. Thứ năm là tài nguyên thiên nhiên sẽ được phục hồi.

Thách thức đối với việc thực hiện Nghị quyết 120 là: Thứ nhất, cần thấy rằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường không mâu thuẩn nhau mà chính là bổ trợ cho nhau. Thứ hai, là chuyển tầm nhìn để thấy cần đầu tư cho sự chuyển hướng mới sang Nghị quyết 120 hơn là đầu tư để tiếp tục vật lộn với những vấn đề hiện tại để duy trì con đường cũ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất