, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 30/09/2021, 14:27

Lính chiến, lính thợ xứ An Nam: Những lá thư khi hồi hương

NGUYÊN PHONG
(nongnghiep.vn)
Trong thời gian đóng quân ở Pháp, bát phẩm Nguyễn Văn Ba được điền chủ Ribaud dạy cho nhiều cách canh tác, nên rất phục.
Binh lính xứ Đông Dương được Pháp tuyển mộ, ảnh chụp tại Pháp năm 1917. Ảnh: TL.

Nguyễn Văn Ba, bát phẩm Đội trưởng, lính mộ sang Pháp năm 1917, trở về An Nam năm 1919 đã viết thư gửi những người đã gặp gỡ bên Pháp vừa để tỏ lòng, vừa để kể những công việc đã làm khi về quê hương.

Trong bức thư thư cho ông Ribaud điền chủ ở làng X… tỉnh Clemont Ferrand - Puy De Dôme (France) đề nơi gửi, ngày gửi là “Ngọc Kiệu xã, ngày 12 tháng 7 năm 1919”, Nguyễn Văn Ba thuật lại cho điền chủ Ribaud nhiều công việc đã làm sau khi về quê.

Bởi vì, theo như Nguyễn Văn Ba nói, ông Ribaud là “tôi viết cho ông vài dòng không những là để nói cho ông biết rằng tôi cũng được như thường mà lại để cám ơn ông đã có lòng tử tế với tôi. Trong khi tôi ở gần với ông, ông thật là tử vế với tôi quá, ông đưa tôi đi xem cả ruộng nương của ông và bảo cho tôi biết cả cách cầy cấy bên Tây”.

Trong thời gian đóng quân ở Pháp, bát phẩm Nguyễn Văn Ba được điền chủ Ribaud dạy cho nhiều cách canh tác, nên rất phục: “Tôi là một người làm ruộng, rất yêu mến ruộng nương và tất cả những người sinh nhai về việc làm ruộng, lấy làm phục những điều ông bảo tôi lắm. Tôi học được vô khối thứ trong một năm tôi vừa ở bên Tây hơn là bốn mươi năm tôi ở nhà”.

Công việc đầu tiên bát phẩm Nguyễn Văn Ba kể với điền chủ Ribaud đó là việc kể lại cho bà con hàng xóm những điều anh học được. “Cho nên từ khi tôi về đến làng, tôi cố sức nói cho bà con quen biết những sự kiến văn (nghe và thấy) mới của tôi. Bởi thế cho nên tôi đã nói với Hội đồng kì mục làm cho rộng con đường đi qua những xóm trong làng Ngọc Kiệu để chúng tôi có thể mang ra tỉnh các thứ hoa lợi của chúng tôi bằng xe chứ không phải vác nữa. Tôi cũng cố sức nói cho mọi người được hiểu biết rằng, lúc có bệnh truyền nhiễm, phải để quan thầy thuốc ở tỉnh tiêm, đừng nên uống nước đục, phải giặt quần áo bằng xà phòng, chớ nên chùi mắt bằng khăn bẩn, vân vân…”.

Tiếp nữa, bát phẩm Nguyễn Văn Ba thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng quê hương là “làm một tờ bẩm lên quan phủ Hoài Đức. Trong tờ bẩm ấy tôi sẽ nói các điều mà tôi thiết nghĩ nên sửa sang lại ở trong hàng tổng chúng tôi”.

Với công việc cá nhân cụ thể, người “cựu lính thợ” đã biết áp dụng những điều học được từ điền chủ Ribaud ngay trên quê hương mình: “Còn như tôi, tôi đã lấy tiền thưởng bãi binh mà mua được hai còn bò cái. Rồi tôi vắt sữa mà cho các cháu ngày nào cũng uống cho chúng nó được khỏe. Vả lại những con bò đó dùng để cấy cày nữa vì con trâu của tôi đã già yếu rồi. Tôi đã gửi mua các hột giống ở bên Tây theo như quyển ca ta lô mà ông đã gửi cho tôi và mong rằng sẽ có các thứ rau ngon để đem bán ở chợ”.

Trong khi rất chân thành kể “mùa màng cũng được tốt”, nhưng Nguyễn Văn Ba vẫn dặn điền chủ Ribaud bên Pháp: “Nhưng ông chớ nói cho ai biết nhé”. Đây là nếp nghĩ, cách nói của đa số người An Nam thời đó, là bởi nếu khai báo mùa màng tốt tươi sẽ bị tăng thuế.

Bức thư của Nguyễn Văn Ba gửi cho cô Xavière de Gomain làm phúc ở buồng số 6 nhà thương số... tỉnh Clermont Ferrand, đề ngày mười một tháng bẩy năm 1919 lại thể hiện thái độ trân trọng, cảm ơn đối với người nữ khán hộ đã chữa bệnh, chăm nom anh tại nhà thương bên Pháp.

“Thưa cô! Tôi ở tận nơi thật xa mà viết thư cho cô: Tôi ở tận bên xứ Bắc Kì. Và chắc rằng cô cũng không ngờ mà nhận được một cái thư ở xứ này và nhất là một cái thư của người An Nam. Tôi đây là một người lính bị thương nằm ở buồng số 6. Trong hai tháng giời, cô săn sóc trông nom tôi như thể là con cô và tôi muốn cám ơn cô, càng biết rằng cô là người coi sóc làm phúc tôi lại càng cám ơn cô lắm”.

Cũng như đối với điền chủ Rebaud, bát phẩm Nguyễn Văn Ba cũng “thường nói chuyện với nhà tôi cùng với các cháu, biết rằng cô thật là người tử tế nhu mì”. “Không những cô buộc những vết bị thương cho tất cả những người (đến hơn năm mươi người) nằm ở buồng cô coi, cô lại còn cho chúng tôi nhiều thứ”.

Những hình ảnh về một nữ khán hộ khiến cho người thanh niên An Nam nhớ mãi: “Tôi hãy còn nhớ đến những cảnh ban tối ở nhà thương. Khi cô đi vòng quanh một lượt ở xung quanh các giường để phát thuốc xong thì cô lại chúc cho chúng tôi được ngon giấc. Rồi thì chúng tôi cũng đồng thanh mà “chúc cô đi ngủ được yên lành”. Và tôi lại nhớ rằng nằm bên cạnh tôi có một người Tây đen ở xứ Sénégal, không biết tiếng Tây, chào cô theo lối của họ lấy tay phải để lên trán, lên mồm và lên quả tim. Tôi nói chuyện cả như thế cho con cháu tôi biết và cố sức dậy bảo chúng nó những gương đó”.

Bát phẩm Nguyễn Văn Ba người “làng Ngọc Kiệu, thông Chung, tổng Tây Tựu, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông, xứ Bắc Kì” là một trong những lính mộ may mắn được trở về quê hương bản quán sau khi chiến tranh thế giới kết thúc. Qua nội dung những bức thư của anh gửi tới điền chủ Rebaud và nữ khán hộ Xavière de Gomain cho thấy nhiều tâm tư, nhận thức cũng như tình cảm của người An Nam ta lúc đó. Dù trong hoàn cảnh nào, dù đi đến đâu, họ vẫn là người An Nam, có nếp nghĩ và lối sống rất An Nam.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất