, //, :: GTM+7

Linh hoạt giải pháp để đạt tăng trưởng 3% trong năm 2021

THÙY DUNG
Sau một thời gian dài ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quý 4 là giai đoạn ngành nông nghiệp khôi phục sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu nhằm phấn đấu đưa tăng trưởng cả năm đạt 3%.

Bệ đỡ an toàn của nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2000 đến nay, do mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, đặc biệt là ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4 đến các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Trong bối cảnh đó, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện được vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế với mức tăng trưởng 1,04% trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, khu vực dịch vụ giảm sâu nhất 9,28%. Quý 3 giảm sâu khiến GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, riêng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản duy trì đà tăng trưởng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%. 

Xét riêng trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, nông nghiệp tăng 3,32%; lâm nghiệp tăng 3,3%; thủy sản tăng 0,66%. Để có được kết quả này, một phần là do hoạt động sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá, phần khác, đó chính là kết quả của toàn ngành nông nghiệp khi nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp ứng phó, khắc phục sự đứt gãy của chuỗi cung ứng trong thời gian giãn cách xã hội nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như cung ứng xuất khẩu.

Có còn cơ hội tăng trưởng trong quý 4?

Bước sang quý 4, ngành nông nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải đối mặt. Trong những tháng cuối năm, theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), trồng trọt không còn nhiều dư địa tăng trưởng nên chủ yếu phải dựa vào lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, trong khi hai ngành này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, giá thành phẩm bán ra thấp nhưng giá thức ăn chăn nuôi, giá thức ăn thủy sản lại tăng cao. Muốn hoàn thành kế hoạch chung thì “chăn nuôi và thủy sản phải có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong quý 4”, ông Việt nhấn mạnh.

Giải pháp cho ngành chăn nuôi, theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cần khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tái đàn, trước mắt để đảm bảo cung ứng cho dịp cuối năm. Song song đó, phải tăng cường sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước để giảm áp lực của giá thức ăn chăn nuôi, chú trọng liên kết trong chuỗi để vừa tiết kiệm đầu vào vừa giảm giá thành sản phẩm.

Lạc quan hơn, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng việc đạt mục tiêu trong nuôi trồng thủy sản là không khó vì theo ông, khi các doanh nghiệp chế biến hoạt động trở lại được thì việc sản xuất sẽ khôi phục nhanh chóng. “Chúng tôi sẽ tổ chức lại việc khai thác và đa dạng loài nuôi nhằm đạt mục tiêu về sản lượng cung ứng cho sản xuất và xuất khẩu của năm nay”, ông Hùng cho biết. 

Đánh giá về tiềm năng của thị trường xuất khẩu thủy hải sản, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho rằng còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong quý 4. Theo ông, các cường quốc xuất khẩu tôm như Ấn Độ, Indonesia thời gian qua cũng bị dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến nguồn cung tôm trên thị trường thế giới sụt giảm, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ tôm dễ dàng hơn. 

Mặt khác, nguyên liệu dự trữ cho quý 4 của một số công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản lớn ở nước ta vẫn còn khá dồi dào, đủ thời gian cho các doanh nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản nuôi tiếp mùa nghịch để chờ giá tôm tăng lên trong những tháng sắp tới. “Chỉ cần một mùa nghịch thắng lợi, ngành thủy sản sẽ đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8,8 tỷ USD trong năm 2021”, ông Lực nhận định.

Linh hoạt trong hành động

Nhận định khó khăn chung từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động theo các nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới. Theo đó, sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, tìm mọi cách tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 

Cũng theo ông Tiến, ngành Nông nghiệp nông thôn sẽ tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông như Viettel Post, VNPT Post, các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp và các HTX, các hộ nông nghiệp chuyển đổi số để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trên nền tảng công nghệ. Ngoài ra, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thủ tục thông quan, hạ tầng logistic... nhằm hạn chế tình trạng ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu sang Trung Quốc, tại nơi sản xuất, nhà máy và các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Song song đó, tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho kinh tế, sản xuất, đời sống người dân.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Thứ trưởng đề nghị, đối với một số lĩnh vực, cần có sự quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Từng ngành hàng phải điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất