, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 28/03/2022, 07:10

Lò rèn thủ công đỏ lửa suốt 100 năm ở thành phố công nghiệp

BÌNH NGUYÊN
Lò rèn 12 ngụ tại phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) có tuổi đời gần 100 năm, từng nức tiếng xa gần khắp vùng Biên Hòa xưa. Ngoài thương hiệu lâu đời, đây cũng là lò rèn duy nhất ở thành phố công nghiệp này hoạt động theo chuỗi với nhiều chi nhánh đều do anh em trong cùng dòng họ làm chủ.
Anh Phạm Hoàng Lâm đang làm sản phẩm cho khách. Ảnh: B.Nguyên

Thương hiệu lò rèn số 12 do chính người dân nơi đây tự đặt tên, xuất phát từ việc ông chủ lò rèn có 12 ngón tay. Đến nay, đây là thế hệ thứ 4 trong gia đình họ gắn bó với nghề truyền thống này.

4 thế hệ giữ lửa lò rèn

Thời xưa, vùng Cù lao Phố của đất Biên Hòa từng là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định, tức Nam bộ ngày nay. Từ sự phát đạt của thương nghiệp đã lôi kéo những ngành nghề thủ công khác phát triển như: dệt chiếu, lò rèn, gốm, đúc đồng, nấu đường, làm đồ gỗ gia dụng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền… Theo đó, từ xưa, nghề lò rèn từng rất thịnh hành ở đất Biên Hòa, trong đó có khu vực giáp với Cù Lao Phố mà ngày nay thuộc phường Bửu Hòa. Hiện nay, nghề truyền thống này đang dần mai một, người theo nghề cũng thưa thớt hơn nhiều so với thời thịnh vượng của nghề này. Nhưng những lò rèn số 12 vẫn luôn đỏ lửa suốt bao thập kỷ qua. Chỉ tính riêng 1 đoạn ngắn ở đường Nguyễn Tri Phương thuộc phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa đã có 3 lò rèn truyền thống cùng một thương hiệu số 12 luôn đỏ lửa.

Anh Phạm Hoàng Lâm, cháu nội của ông Mười Hai hiện đang là một trong những người chủ của lò rèn số 12 tại phường Bửu Hòa chia sẻ: “Đến anh em tôi là đời thứ 4 trong gia đình theo nghề thợ rèn. Hiện trên tuyến đường Nguyễn Tri Phương, P.Bửu Hòa có 3 lò; một số lò khác thì mở ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai), ở huyện Tân Ba (Bình Dương)… đều là do anh em trong dòng họ mở và đều lấy chung thương hiệu số “12”. Những lò rèn này vẫn làm đủ các công cụ lao động đến dụng cụ bếp núc như: dao, kéo, rựa, cuốc, xẻng…

Theo ông Lâm, lò rèn 12 chỉ truyền nghề cho con trai chứ không truyền cho con gái và người ngoài. Ông Mười Hai, ông nội của anh Lâm truyền nghề cho 7 người con trai, rồi 7 người con này tiếp tục truyền lại cho những người con trai của mình. Nhờ vậy, thương hiệu lò rèn 12 vẫn không bị mai một vì luôn có lớp con, cháu kế nghiệp.

Ông Lâm chia sẻ, nghề rèn là một trong những nghề nặng nhọc, vất vả, công phu và để trở thành người thợ lành nghề họ phải học qua nhiều công đoạn từ chọn lựa nguyên vật liệu, chuẩn bị nhiên liệu, thổi bể khí, cặp sắt tôi, quai búa đập. Khi sản phẩm hình thành phải làm chuôi, vô khâu, tra cán, mài, gọt, giũa…

Nghề thợ rèn không phải là nghề làm giàu, chỉ đủ thu nhập nuôi sống gia đình. Công việc cũng rất vất vả, cả ngày phải chịu đựng sức nóng hừng hực của lò lửa; phải có sức khỏe để quai búa, lớn tuổi dễ bị bệnh về đường hô hấp vì bụi than… Vất vả là thế nhưng những lớp con, cháu trong gia đình ông Lâm ai cũng tự nguyện theo nghề, giữ cái nghề ông cha truyền lại. Từ khi còn nhỏ, anh em của ông Lâm đã biết phụ cha quay (quạt) lò. Lớn thêm vài tuổi thì được cha dạy cho cách mài, gọt, cắt chấu, tra cán... Rồi khi có đủ sức khỏe, họ tập quai búa đập. Từ nhỏ đến khi trưởng thành, anh em ông Lâm được cha tỉ mỉ truyền dạy kinh nghiệm, bí quyết rèn, lấy độ lửa từng loại sắt thép, kỹ năng giao dịch với khách hàng… Mất đôi ba chục năm, lớp con cháu đời thứ 4 của gia đình ông Lâm mới thay thế lớp cha chú làm chủ lò rèn nhưng họ vẫn tiếp tục vừa làm nghề, vừa trao dồi kinh nghiệm.

Các lò rèn 12 đều do anh em trong dòng họ Phạm làm chủ nên tuy mỗi lò mỗi chủ nhưng họ đều giữ nguyên cách làm thủ công truyền thống, xem trọng chất lượng sản phẩm. Tuy hoạt động riêng lẻ nhưng khi có những đơn hàng số lượng lớn, các lò rèn này sẵn sàng liên kết để có thể đáp ứng nhanh nhất, tốt nhất nhu cầu đặt hàng của khách.

Giữ tiếng thơm về chất lượng

Theo ông Phạm Hoàng Hùng, anh của ông Lâm, để làm được 1 sản phẩm, người thợ thường mất từ
2 - 3 tiếng đồng hồ vì sản phẩm có bền, sử dụng có tốt hay không phụ thuộc vào từng thao tác tỉ mỉ, chính xác của người thợ.

Bà Lâm Thị Ký, mẹ của anh em ông Lâm, ông Hùng chia sẻ, thời cha chồng và chồng bà làm chủ lò rèn, nghề này thịnh vượng hơn bây giờ. Năm 1980, khi công trình đường dây 500kV Bắc Nam thực hiện ở địa bàn Đồng Nai và vùng lân cận, những người làm ở công trình đến lò rèn 12 đặt làm rất nhiều rựa để cung cấp cho nhóm thợ phát dọn cây. Mỗi tháng, chuỗi lò rèn 12 cung cấp cho công trình vài trăm chiếc rựa và sản phẩm nào cũng được đánh ký hiệu 12 để xác định nguồn gốc sản phẩm.

Bà Lâm Thị Ký giới thiệu những sản phẩm của lò rèn gia đình. Ảnh: B.Nguyên

Không chỉ người dân Đồng Nai mà nhiều tỉnh thành lân cận như Sài Gòn, Bình Dương, Vũng Tàu đều biết tiếng tìm đến các lò rèn số 12 để đặt nông cụ, dụng cụ bếp núc; nhiều khách đặt mua sỉ để bán lẻ lại cho dân những vùng khác. Nhiều khách hàng của lò gắn bó từ xưa đến giờ. Khách hàng ưa chuộng sản phẩm của hệ thống lò rèn 12 vì ở đây có nhiều thợ giỏi là con trai ông Mười Hai như: ông Phạm Văn Thời, Phạm Hoàng Chiến, Phạm Văn Sơn, Phạm Hoàng Sang… Những lò rèn này luôn sẵn lòng tạo ra bất kỳ công cụ lao động, làm bếp nào theo yêu cầu của khách. Những sản phẩm có nguồn gốc từ lò rèn sử dụng nhiều năm bị cùn, bị mòn, người mua có thể đem đến lò rèn nhờ mài dũa, bảo hành để tiếp tục sử dụng.

Bà Hứa Thị Diễm, một khách hàng đến đặt làm dao tại lò rèn 12 nhận xét: “Tôi sẵn sàng mất hàng tuần đợi đặt dụng cụ tại lò rèn. Như cái dao làm bếp tôi đặt ở đây, 1 con dao nhỏ giá hơn 100 ngàn, cao hơn hẳn so với hàng chợ nhưng dao sử dụng ngọt, êm tay hơn. Dao đặt tôi sử dụng 7 - 8 năm vẫn chưa bỏ; khi cùn đem đến lò mài lại là vẫn sử dụng tốt nên bộ dao, kéo làm bếp trong gia đình tôi đều đặt ở lò rèn này”.

Ông Lâm chia sẻ, khi các sản phẩm cơ khí công nghiệp sản xuất đại trà, giá rẻ, các lò rèn truyền thống gặp vất vả trong cạnh tranh. Nhiều lò rèn thủ công ở vùng này ngừng hoạt động khi thế hệ thợ già mất đi, lớp con cháu người thì bỏ nghề hoặc chuyển đổi sang nghề khác. Nhưng các lò rèn 12 vẫn giữ lửa mỗi ngày, vẫn hoàn toàn làm theo lối thủ công tỉ mỉ như thời của cha ông. Theo ông Lâm: “Mấy anh em chúng tôi đều tự động theo nghề vì vẫn sống khỏe với nghề. Tuy thị trường đã thu hẹp hơn xưa nhưng vẫn có nhiều khách hàng chuộng dòng sản phẩm thủ công, chất lượng tốt. Nhiều khách hàng biết tiếng, tin tưởng vào sản phẩm của lò rèn 12 nên chúng tôi luôn nỗ lực giữ chất lượng sản phẩm làm ra”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất