, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 24/02/2022, 08:12

Logistics offline quyết định thành bại online

TS NGUYỄN QUANG NHƯ QUỲNH
Nhằm đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), Chính phủ đã hướng tới kiến tạo các nền tảng số để hướng dẫn, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, sau khi thực hiện mục tiêu đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT trong năm 2021, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai định hướng này trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Sự kiện livestream giới thiệu sản phẩm OCOP.

Chuỗi cung ứng truyền thống

Chi tiết kế hoạch trên được Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến phổ biến, hướng dẫn triển khai kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn diễn ra hồi tháng 08/2021. Theo ông, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp là khai phá thị trường kết nối hộ sản xuất nông nghiệp trực tiếp với khách hàng trên nền tảng TMĐT. Công nghệ số, ứng dụng công nghệ số sẽ là xương sống định hướng, tác động và thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp truyền thống nhằm thúc đẩy hình thành kinh tế số trong nông nghiệp bằng lộ trình chuyển đổi số toàn diện.

Trong chuỗi cung ứng nông nghiệp truyền thống, vấn đề logistics ảnh hưởng rất nhiều tới hiệu suất hoạt động. Từ vườn, rau được thu hoạch, chuyển về khâu sơ chế và đóng bao bì. Sau đó chuyển tới doanh nghiệp vận tải đưa xuống chợ đầu mối hoặc hệ thống siêu thị. Từ đó, rau mới được phân phối xuống các điểm bán lẻ. Tính ra, để đến được tay khách hàng cần từ 12 - 24 tiếng. Rau và thực phẩm có thời gian sống ngắn nên chuỗi cung ứng nhiều tầng nấc và mất nhiều thời gian như vậy sẽ làm giảm chất lượng, gia tăng hao hụt và khiến chi phí trung gian đẩy lên cao. 

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, tất cả hàng hóa tại các tỉnh như rau, trái cây, thịt cá… đều bị ách tắc do trước đó chỉ có duy nhất chuỗi cung ứng truyền thống vận hành. Một số vấn đề khác của chuỗi cung ứng trong những năm qua, như nông sản được mùa mất giá phải giải cứu, đều có nguyên nhân do chúng ta chỉ có một chuỗi cung ứng truyền thống. 

Bản chất của chuỗi cung ứng truyền thống, đó là các khớp nối quyết định sự thành bại của chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm: Hệ thống thu mua và xử lý nông sản thực phẩm nằm ở phía sản xuất; Chợ đầu mối hay tổng kho phân phối ở phía khách hàng; Hệ thống vận chuyển kết nối giữa hai thành phần này. Trên thực tế, hệ thống 3 thành phần này bị kiểm soát chặt chẽ bởi một số ít công ty có năng lực chi phối thị trường và giá cả. Các công ty này luôn luôn tối ưu hệ thống của họ cho lợi nhuận, thay vì tập trung cho giá trị khách hàng tại hai đầu - nhà sản xuất và khách hàng tiêu dùng.

Hoạt động mua bán tại chợ đầu mối.

Chuỗi cung ứng truyền thống mới

Chuỗi cung ứng truyền thống đã tồn tại rất lâu trên thực tế và rất khó thay đổi. Nhu cầu phải có một chuỗi cung ứng khác để giảm thiểu sự độc quyền trong thời gian tới là có thật, nhưng thay thế hẳn chuỗi cung ứng cũ lại rất khó khăn. Cách tiếp cận khôn ngoan là từ từ phát triển các giải pháp chuỗi cung ứng khác nhằm dần dần hạn chế yếu tố độc quyền.

Thứ nhất, cần quy hoạch hợp lý các vùng trồng. Như đã nói, rau có thời gian sống rất ngắn, vì vậy cần quy hoạch khu vực trồng rau có bán kính khoảng 50km tới các thị trường chính. Với khoảng cách này, hệ thống phân phối trực tiếp có thể triển khai nhằm đảm bảo rau tới các đại lý bán hàng mà không cần thông qua đơn vị thu mua vận chuyển và chợ đầu mối. Dựa vào hệ thống vùng rau gần thị trường, chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm trực tiếp có thể vận hành hiệu quả. 

Thứ hai, đối với những loại sản phẩm như củ quả có thời gian sống lâu và ít bị ảnh hưởng hư hỏng trong quá trình vận chuyển, cần tập trung xây dựng một chuỗi cung ứng mô hình truyền thống mới để cạnh tranh trực tiếp với chuỗi cung ứng hiện có. Cần có các chính sách hỗ trợ giúp các đơn vị thu hoạch, sơ chế và vận chuyển hình thành nên chuỗi cung ứng mới, có thể bán thẳng cho các đại lý và siêu thị hoặc qua sàn TMĐT trực tiếp cho khách hàng, bỏ qua chợ đầu mối. 

Thứ ba, các hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp cần hướng tới sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao hơn, sạch hơn và thân thiện môi trường hơn, từ đó có thể bán được giá cao tới khách hàng. Nếu các nông trại tập trung phát triển thương hiệu và nhận thức giá trị cho khách hàng, họ có thể triển khai bán hàng nông sản trực tiếp với giá cao, có lợi nhuận lớn hơn. Chỉ khi nào sản phẩm nông nghiệp có giá cao thì mô hình phân phối trực tiếp bỏ qua chuỗi cung ứng truyền thống mới thể hiện tính hiệu quả.

Thứ tư, vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong kiến tạo các giải pháp chuỗi cung ứng mới cho các sản phẩm nông nghiệp. Một ví dụ rõ ràng: trong năm 2021, nhà nước và nhân dân đã cùng nhau phối hợp kiến tạo chuỗi cung ứng vải thiều vượt qua đại dịch. Thời gian gần đây, với nền tảng vận tải và các điểm bưu cục, VNPT và Vietel đang triển khai sàn TMĐT trên cả nước giúp tạo ra một chuỗi cung ứng nông sản mới, hạn chế vai trò thống trị của chuỗi cung ứng cũ trên thị trường. Sở hữu mạng lưới bưu cục rộng khắp và hệ thống vận tải trên cả nước, các sàn thương mại này sẽ giúp rất hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp vùng sâu vùng xa tới khách hàng. 

Thứ năm, một dạng nền tảng như Grab có thể là giải pháp hiệu quả giúp các nông trại độc lập phân tán tận dụng nền tảng vận tải chia sẻ. Một nền tảng xe vận tải chia sẻ vận chuyển các dạng sản phẩm như nông sản, thư tín, bưu kiện nhỏ chạy định kỳ 1 - 2 giờ từ các tỉnh về các địa bàn trọng điểm như TP.HCM, và chiều ngược lại cũng chuyên chở hàng hóa lên lại các tỉnh là hiệu quả. Mô hình này còn hiệu quả hơn nếu như được triển khai liên kết giữa các tỉnh. Ví dụ bốn tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu cùng tham gia vào nền tảng vận tải chia sẻ liên tỉnh này hướng chung tới thị trường TP.HCM. Chi phí cho hình thức chia sẻ này sẽ giúp gia tăng sự linh hoạt về thời gian, số lượng vận chuyển cũng như các loại hàng hóa vận chuyển. Chi phí có thể cao hơn so với vận tải truyền thống, nhưng sẽ bù lại được, do khách hàng chấp nhận trả giá cao chủ động để có được nông sản và hàng hóa tươi ngon từ thẳng nông trại tới bàn ăn. 

Chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm truyền thống vẫn sẽ tồn tại và đóng góp phần quan trọng trong việc đảm bảo thực phẩm cho cả nước. Hiện tại và tương lai, để nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng truyền thống này, các giải pháp kiến tạo các chuỗi cung ứng khác cần được thúc đẩy thông qua ba hình thức chủ yếu: Kết nối nông sản thực phẩm trực tiếp tới khách hàng; Các nền tảng TMĐT dựa trên sức mạnh các công ty bưu điện; Nền tảng logistics chia sẻ kết nối các vùng nông sản và thực phẩm. 

Muốn thực hiện được sứ mệnh này, toàn bộ chuỗi cung ứng từ nông trại, vận chuyển, phân phối phải cùng thay đổi tâm thế, tiếp thu tri thức, nâng cấp kỹ năng vận dụng công nghệ chuyển đổi hoàn toàn mô hình chuỗi cung ứng truyền thống hiện tại. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất