, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 10/03/2022, 12:36

Lợi ích kép của tháp rau hữu cơ từ rác thải

BẢO THẮNG - HOÀNG ANH
(nongnghiep.vn)
Phát huy hiệu quả tính cộng sinh và tái chế, quá trình xây dựng hệ nông nghiệp sinh thái có thể mang lại sinh kế, cũng như thu nhập cho nhiều người.
Một mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến ở Hà Nội.
Một mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến ở Hà Nội.

Cộng sinh các thành tố

Nếu tính đa dạng là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, quan hệ cộng sinh giúp tăng cường các chức năng chính của hệ thống lương thực thực phẩm. Thông qua việc tối ưu hóa quan hệ cộng sinh, thực hành nông nghiệp sinh thái giúp tăng cường các chức năng sinh thái, và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và khả năng chống chịu.

Quan hệ cộng sinh trong nông nghiệp sinh thái vốn được con người sử dụng từ ngàn đời này thông qua hình thức cố định ni tơ sinh học bằng cây họ đậu trong các hệ thống xen canh hoặc luân canh. Theo FAO, cách làm này giúp tiết kiệm khoảng 10 triệu USD tiền phân đạm mỗi năm, trong khi vẫn góp phần đảm bảo sức khỏe đất. Một cách làm nữa, là khoảng 15% phân đạm dùng cho cây trồng có nguồn gốc từ phân gia súc. Đây cũng là quan hệ cộng sinh trong nông nghiệp sinh thái, dựa trên kết hợp cây trồng - vật nuôi. Tại Việt Nam, quan hệ cộng sinh phổ biến hiện nay là mô hình trồng lúa - nuôi tôm, đang thịnh hành tại nhiều vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ quan hệ cộng sinh, các thành tố trong hệ nông nghiệp sinh thái sẽ xử lý hiệu quả hơn chất thải, cũng có nghĩa tái chế nhiều hơn. Bằng cách bắt chước hệ sinh thái tự nhiên, thực hành nông nghiệp sinh thái thúc đẩy tái chế chất dinh dưỡng, sinh khối và nước trong hệ thống sản xuất, qua đó tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Tái chế nhiều hơn đồng nghĩa với sản xuất nông nghiệp với chi phí kinh tế và môi trường thấp hơn. Nó có thể diễn ra ở quy mô trang trại và trong toàn bộ cảnh quan, thông qua đa dạng hóa và xây dựng quan hệ cộng sinh giữa các thành phần. Một ví dụ được Nhóm khởi nghiệp Tháp rau hữu cơ Eco Việt Nam ứng dụng là tháp rau hữu cơ, nhằm tận dụng các thùng phuy nhựa.

Tháp rau hữu cơ Eco cao gần ngang ngực người lớn.
Tháp rau hữu cơ Eco cao gần ngang ngực người lớn.

Ông Trần Đình Khâm, thành viên nhóm cho biết, tháp mặc định có 6 tầng, thiết kế theo phương thẳng đứng, khi trồng chiếm diện tích mỗi tháp khoảng 1m2 nhưng sản lượng rau thu hoạch tương đương với 4 - 5m2 mặt phẳng.

Sự đặc biệt của tháp rau hữu cơ Eco chính là lõi vi sinh và các bộ phận đi kèm như khay chắn rác và khay đựng dịch trà trùn (một loại nước tưới giàu dinh dưỡng). Lõi vi sinh có đường kính 15cm, cao xấp xỉ 1m, mỗi tháng xử lý được khoảng 30kg rác hữu cơ tươi nhờ nguyên lý ủ compost và sự hoạt động tích cực từ trùn (giun) và hệ vi sinh tự nhiên trong đất.

Lõi vi sinh này đóng vai trò như cơ quan tiêu hóa của tháp rau, khi rác phân hủy là thức ăn nuôi trùn. Nước rác phân hủy, nước dịch trùn và nước tưới dư chảy xuống dưới được thu lại bởi khay đựng dịch trà trùn, và được người trồng dùng để tưới lại trực tiếp cho rau.

Trùn ăn rác hữu cơ hoai mục ra đất sống, vừa đào xới giúp đất tơi xốp, vừa thải phân trùn khắp nơi làm tăng độ màu mỡ của đất. Sau khoảng 3 tháng, rác hữu cơ trong lõi tháp được xử lý thành phân hữu cơ, và có thể sử dụng để bón lại cho tháp.

Nhờ nguyên lý tuần hoàn tự nhiên này, người trồng tháp rau hữu cơ Eco không cần bón phân, thay đất. Càng trồng đất lại càng tốt và màu mỡ. Đặc biệt, lõi tháp còn đóng vai trò tạo ra dòng không khí luân chuyển trong đất, cộng thêm đất tơi xốp nhờ trùn di chuyển nên đất luôn rất giàu oxi, giúp cho rễ cây dễ dàng hấp thụ oxi và khoáng chất. Cây phát triển nhanh hơn.

Chu trình dinh dưỡng chiếm khoảng 51% giá trị kinh tế của tất cả các dịch vụ gián tiếp từ hệ sinh thái, và việc tái chế giúp mang lại nhiều lợi ích cho các chu trình dinh dưỡng, giúp giảm phụ thuộc vào tài nguyên bên ngoài.

Mô hình tháp rau hữu cơ trên nóc một tòa nhà chung cư.
Mô hình tháp rau hữu cơ trên nóc một tòa nhà chung cư.

Nguồn thu kinh tế

Quan điểm nông nghiệp sinh thái không chỉ hữu ích tại nông thôn, hoặc những nơi có diện tích rộng, mà còn có thể xây dựng ngay tại đô thị. Ở Việt Nam, nhiều nóc nhà rộng hàng trăm m2 được lợp mái tôn. Theo quan điểm nông nghiệp sinh thái, những nóc nhà có thể được sử dụng để xử lý một lượng lớn rác hữu cơ, bởi theo thống kê, 65 - 70% lượng rác thải sinh hoạt là rác hữu cơ có thể xử lý tại nhà an toàn.

Với chi phí cho tiền rau trung bình hàng tháng của mỗi hộ gia đình tại Hà Nội, TP.HCM khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng (theo tiêu chuẩn rau hữu cơ sạch), những người trồng tháp rau hữu cơ không những giải quyết được vấn đề môi trường, mà hoàn toàn có thể tạo ra thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, sau khi trừ đi chi phí.

Một lợi thế nữa của người dân khi ứng dụng mô hình này là không tốn chi phí bán hàng, nhưng lại bán được với giá bán lẻ. Khi ứng dụng nông nghiệp sinh thái vào đô thị, người dân có thể đạt được lợi ích kép: vừa bảo vệ môi trường, vừa có thêm một khoản thu nhập.

Từ 1/1/2022, Luật Môi trường mới chính thức có hiệu lực. Người dân đổ rác bị tính phí theo khối lượng (dự kiến vào đầu năm 2024 sẽ áp dụng triệt để). Tháp rau hữu cơ Eco lúc này không chỉ mang lại nguồn rau hữu cơ chuẩn mà còn là một nhà máy xử lý rác thu nhỏ, hàng tháng tiết kiệm cả trăm nghìn đồng.

Đó cũng là những thành tố cuối cùng mà nông nghiệp sinh thái mang lại - giá trị nhân văn và xã hội. Thông qua những mô hình canh tác thông minh, tiên tiến, giải quyết được vấn đề tại chỗ, nông nghiệp sinh thái tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho phụ nữ, đảm bảo chế độ ăn uống đa dạng và sức khỏe, trao nhiều quyền hơn cho mọi người và cộng đồng để vượt qua đói nghèo.

Ở nhiều nơi trên thế giới, thanh niên nông thôn thiếu việc làm. Nông nghiệp sinh thái dựa vào một cách thức sản xuất nông nghiệp khác, chẳng hạn canh tác rau hữu cơ bằng thùng phuy nhựa như tháp rau Eco, giúp thanh thiếu niên phát huy tính sáng tạo, cũng như giải quyết được các khó khăn về nguồn vốn đầu tư ban đầu.

Ở Ethiopia, trung bình một gia đình cần khoảng 4kg củi mỗi ngày để chế biến thức ăn, dựa trên thực tế là khoảng 80% thực phẩm con người sử dụng cần được nấu chín. Trong các cuộc khủng hoảng, khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng để nấu ăn và sưởi ấm thường bị hạn chế nghiêm trọng.

Việc thu gom củi đốt quá mức xung quanh khu vực các trại tị nạn có thể làm giảm độ che phủ rừng và suy thoái môi trường. Từ đó dẫn đến tăng khả năng phải hứng chịu các hiểm họa tự nhiên và biến đổi khí hậu, gây thêm áp lực cho các cộng đồng tiếp nhận người tị nạn vốn dễ bị tổn thương.

Trước tình thế ấy, FAO đã đề ra chính sách và đang hỗ trợ trực tiếp hơn 50.000 hộ gia đình tị nạn ở Ethiopia thông qua các can thiệp về thu gom nhiên liệu và sử dụng năng lượng để nấu nướng, sưởi ấm và sử dụng cho mục đích sản xuất.

Bốn hành động chính được FAO áp dụng. Một, đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định bằng quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, và sản xuất năng lượng sinh học thay thế. Hai, tăng cường cung cấp nhiên liệu gỗ bằng cách lồng ghép các chương trình trồng cây đa mục đích. Ba, thúc đẩy áp dụng các công nghệ đun nấu, sưởi ấm tiết kiệm năng lượng ở cấp hộ gia đình, có thể sản xuất và bán trong nước. Bốn, giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ bằng cách giảm khoảng cách họ phải đi kiếm củi hàng ngày.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất