, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 05/02/2022, 09:00

Lời thề trăm năm giữ đền Pác Tạ

NGUYỄN VĂN TÙNG
(laodong.vn)
Pác Tạ là một ngôi đền nhỏ khuất sau tán cây rừng giữa muôn trùng non nước của hồ Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) mảnh đất gắn với truyền thuyết “99 ngọn núi, Phượng Hoàng bay về đây làm tổ”. Nhưng có lẽ điều làm nên sự huyền bí "linh thiêng" của ngôi đền này lại đến chính từ một lời thề của dòng họ Ma, một dòng họ của người Tày đã sống ở đây hàng năm trăm.
Đền Pác Tạ nhìn từ lòng hồ Na Hang. Ảnh: Nguyễn Văn Tùng.

Ông Ma Văn Lược, thủ nhang đền Pác Tạ năm nay đã hơn 80 tuổi.

Ông Lược từng làm giáo viên, Bí thư Đảng ủy xã rồi đến cán bộ công đoàn huyện Na Hang... Khi về hưu, ông trông coi đền Pác Tạ như tìm về một chốn yên bình, thanh tịnh nhưng lý do quan trọng nhất để ông Lược gắn bó với công việc thủ nhanh đền Pác Tạ lâu đến vậy bởi ông là người của dòng họ Ma. Nơi đây, dòng họ Ma từng có một lời thề rằng, đời đời kiếp kiếp họ phải có người làm thủ nhang, trông coi đền Pác Tạ.

Dù chưa có tài liệu, sử sách nào minh chứng cho câu chuyện huyền bí này. Có người tin, cũng có người cho rằng đó chỉ là truyền thuyết của đồng bào dân tộc ở nơi đây nhưng chuyện dòng họ Ma thay nhau giữ đền Pác Tạ bao đời nay là câu chuyện vẫn được người dân trong vùng biết đến.

Truyền thuyết kể lại rằng, trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm 1285, vị tướng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật lúc đó trấn thủ vùng đất Tuyên Quang đã đem lòng ái mộ người con gái một viên tù trưởng địa phương. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông, triều đình đứng ra tổ chức hôn lễ cho tướng quân với ái nữ xứ Tuyên.

Trên đường đón vị hôn thê của tướng quân về kinh đô, gặp cơn lốc xoáy dữ khiến thuyền bị lật, cả đoàn người bị chìm dưới lòng sông. Đã mấy ngày trôi qua mà thân xác bà vẫn chưa tìm thấy. Triều đình đã ra lệnh cho toàn dân đôi bờ sông tổ chức tìm vớt thi thể bà và trọng thưởng cho ai tìm thấy. Hàng trăm người dân địa phương ngày đêm tìm kiếm nhưng cuối cùng chỉ có một người trong dòng họ Ma đã vớt được thi thể bà.

Để tưởng nhớ vị hôn thê của tướng quân, người dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại nơi bà quy thác. Dòng họ Ma chọn ra những cây tre to nhất trên rừng để dựng đền, cứ một đời thì cử ra người uy tín nhất làm thủ nhang trông coi, thờ phụng. Họ lập ra một lời thề: “Dòng họ Ma còn thì đền Pác Tạ còn, con cháu họ Ma, bất cứ giá nào cũng phải có người ở lại với đền Pác Tạ, kể cả khi dân bản xứ này có bỏ đi nơi khác hết”.

Ông Ma Văn Lược (81 tuổi) vẫn son sắt với lời thề “người họ Ma phải giữ đền Pác Tạ“. Ảnh: Nguyễn Văn Tùng
Ông Ma Văn Lược (81 tuổi) vẫn son sắt với lời thề “người họ Ma phải giữ đền Pác Tạ“. Ảnh: Nguyễn Văn Tùng

Có lẽ cũng vì thế mà mà năm 2008 thủy điện Tuyên Quang chặn dòng, cả xã Vĩnh Yên nơi gia đình ông Ma Văn Lược sống chìm dưới đáy lòng hồ, cả bản bồng bế nhau đi tái định cư khắp chốn. Vợ con ông Lược cũng về khu tái định cư dưới xã Thanh Tương nhưng chỉ riêng ông vẫn ở lại thủ nhang đền Pác Tạ son sắt với lời thề mà dòng họ Ma đã giữ hàng trăm năm.

Trải qua bao biến cố của vùng đất cổ Na Hang, nhưng đời đời kiếp kiếp người họ Ma chưa một lần vi phạm lời thề với tổ tiên, với ngôi đền Pác Tạ. Rồi con nước dâng lên mang về những dòng điện sáng, đất ruộng cũng vì thế mà ít đi. Đã từ lâu dòng họ Ma vẫn cắt cử người đưa gạo, đồ dùng sinh hoạt lên cho ông Lược. Mọi chi phí đều do dòng họ tự chi trả, tuyệt nhiên không động tới một đồng tiền công đức.

Ngày nay đền Pác Tạ đã được tu sửa khang trang hơn, là nơi du khách thập phương thường đến bái vọng mỗi khi tới thăm lòng hồ thuỷ điện. Một năm đền diễn ra hai lễ lớn, đầu năm lễ cầu, cuối năm lễ tạ cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống ấm no.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất