, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 19/11/2022, 06:30

Lời "tiên tri" giữa đại ngàn

NGUYỄN ĐỨC
LTS: Những nông dân miền Tây nổi nênh con nước, trí thức nửa đêm sực tỉnh bởi ưu tư lẽ đời, doanh nghiệp suýt chết bởi ba đào của sợi dây thể chế, cả những cánh tay rừng Trường Sơn lẽ ra không tật nguyền… Họ nhớ, và gọi ông, anh Sáu Dân, ông Sáu Dân, ông Võ Văn Kiệt. Một đời dấn thân, ông không cúi xuống mà lặn lội cùng dân, đọc trong ruột máu quặn thắt của họ những kêu đòi của cuộc sống. Rồi ông mở đường. Ở vùng tứ giác Long Xuyên, người ta đặt tên con kênh Võ Văn Kiệt để tưởng nhớ người đã khai mở giấc mơ cơm áo cho họ, như người duy nhất tiếp sau Thoại Ngọc Hầu làm kênh Vĩnh Tế. Đâu đó, thoảng sau Nụ cười Võ Văn Kiệt, là cái nhìn ưu tư mùa sa mưa, con nước nổi, phận lục bình quẫy đạp… Người nông dân chân chính Võ Văn Kiệt, đi ra từ đất rồi quay về, nằm trọn trong trái tim của đất, của người.

Năm 2003, tôi được đi cùng cố Thủ tướng Võ văn Kiệt - ông Sáu Dân - trong Đoàn “Cán bộ cách mạng lão thành” tham quan đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa, đang hoàn thành cơ bản giai đoạn 1 – từ Kon Tum đến Phố Châu – Hà Tĩnh. Lúc ấy, Ông vừa thôi chức Cố vấn BCH TW Đảng, nên chỉ có ông là “lão thành cách mạng”. Còn lại, những thành viên khác đều là bạn bè, cộng sự, cận vệ, phục vụ ông khi đương chức và một số người thân trong gia đình. Không có nhân vật nào là thành viên Chính phủ hay trợ lý, thư ký.

19 năm kể từ ngày ấy, tôi đã trở lại Trường Sơn rất nhiều lần để thực hiện chương trình Nghĩa tình Trường Sơn ở báo Sài Gòn Giải phóng, rồi Chương trình Nghĩa tình Biên giới của Tạp chí Nông thôn Việt. Mỗi lần trở lại với rừng núi, với tuyến đường, tôi không thể không nhớ những lời như tiên tri của ông về đường Trường Sơn…

Mục đích của chuyến đi, như ông nói: “Để xem tuyến đường thi công ra sao, nhân tiện thăm lại chiến trường Trường Sơn… trước khi nghỉ hưu”. Với ông, Trường Sơn không chỉ là “chiến trường” trong chiến tranh mà cả trong hòa bình xây dựng. Sau giải phóng, nhất là khi làm Phó Thủ tướng thường trực rồi Thủ tướng Chính phủ, ông đã nhiều lần đi Trường Sơn để kiểm tra vị trí, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế và phương án thi công trên các công trình xây dựng thủy điện và đường dây 500kw. 

Tiếng là “mục đích cá nhân”, nhưng suốt chuyến đi, đến địa phương nào, ông cũng đều dành thời gian tiếp xúc với lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền, thăm các công trình xây dựng quan trọng trên địa bàn và không quên thắp nén nhang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở địa phương trong chiến tranh cũng như trên các công trình xây dựng thời bình.

Chuyến đi còn có ý nghĩa như một đợt khảo sát thực tế. Ban ngày đi, nhìn, nghe và nghĩ. Chiều tối đến thăm và trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền sở tại, ông đã đặt ra, gợi ý nhiều vấn đề có tầm nhìn xa trông rộng. Đi từ Kon Tum đến Quảng Nam, ông đã vài lần dừng lại, trèo lên thành taluy trồng cỏ ventiver (giống cỏ nhập từ nước ngoài, rễ bám sâu có khả năng chống xói mòn, giữ đất), tự tay nhổ cỏ, xem xét rồi trao đổi với ông trưởng ban quản lý công trình đường Hồ Chí Minh. 

Ông nhấn mạnh đến yêu cầu chống xói mòn, sạt lở, bảo vệ tuyến đường thông suốt ngay cả trong mùa mưa bão. Theo ông, ngoài trồng cỏ ventiver, cần có thêm nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến khác. Phải làm ngay từ bây giờ, không nên chờ đến khi sạt lở rồi mới lo sửa chữa… 

Ông cũng lưu ý sớm có đề án quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ lưu thông như trạm xăng, trạm dừng chân, biển bảng báo hiệu… hợp lý trên đường. Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và tư nhân đầu tư từ bây giờ để có thể hoạt động ngay khi đường Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng.

Ở những chặng đường tiếp theo, khi đứng ngắm nhìn những khu rừng nguyên sinh, có nhiều cây cổ thụ cỡ 2 người ôm, nằm sát mép đường chạy vào sâu tít tắp, tôi thấy ở ông sự ưu tư hiện ra trên nét mặt. Tiếp xúc với lãnh đạo các địa phương có tuyến đường đi qua, ông luôn đặt nặng vấn đề bảo vệ rừng và bảo vệ hành lang tuyến đường Hồ Chí Minh. Ông gợi ý về các giải pháp tổ chức các điểm cư trú và phát triển kinh tế dân cư trong khu vực. Mỗi tỉnh, mỗi huyện nên khảo sát, chọn các địa điểm lập làng kinh tế, mở đường vào mỗi làng cách xa đường Hồ Chí Minh tối thiểu 500 mét; nghiên cứu cây trồng vật nuôi thích hợp đề phát triển sản xuất hàng hóa; tiến hành giao đất giao rừng cho dân quản lý; quy hoạch cắm mốc lộ giới và chỉ giới hành lang bảo vệ tuyến đường, giao chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý nghiêm ngặt, không được để cư dân tự phát xây dựng nhà cửa biến đường Hồ Chí Minh thành hương lộ… Ông nói nhỏ nhẹ, như những lời khuyên nhủ dặn dò thân tình của một người anh cả, đi trước, có tầm nhìn xa rộng mà sâu sát, gần gũi… 

Sau chuyến đi, ông còn viết những bài viết, lời ít mà ý sâu, góp ý trực tiếp với Chính phủ và các tỉnh có đường Trường Sơn đi qua, về những vấn đề ông cho là cấp bách, để vận hành và bảo vệ tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng các tỉnh dọc Trường Sơn, Tây Nguyên và cả nước…

Đường Trường Sơn công nghiệp hóa kéo dài đến Hòa Bình khánh thành và đưa vào sử dụng đã được mười mấy năm. Gần một năm sau ngày ông - nhà “cách mạng lão thành” Võ văn Kiệt – đi vào cõi vĩnh hằng (13/6/2008), tôi mới có dịp trở lại tuyến đường ấy. Trường Sơn, sau 6 - 7 năm kể từ chuyến đi ấy, đã “đất trống đồi trọc” nhiều hơn. Dọc hai bên đường, từ Kon Tum đến Hà Tĩnh, không còn thấy bóng dáng cây to hai người ôm, ngay đến cả gốc cây cũng không còn nữa. Trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, nhiều cánh rừng nguyên sinh đã thành nương rẫy. Một số cây rừng bị đốn hạ, bị đốt cháy nham nhở nằm phơi ra như tố khổ… Sườn, vách núi hai bên đường còn để lại nhiều dấu tích xói mòn sạt lở mới được khắc phục tạm. Rất hiếm trạm xăng. Trạm nghỉ chân là khái niệm xa lạ. Các bảng, biển báo hiệu thì… nơi cần không có, nơi có không cần. Đặc biệt, nhà dân tràn ra hai bên đường nhiều hơn, nhiều nơi nhà mọc sát đường như ở phố…

Sau chuyến đi ấy, tôi trở thành người có duyên nợ không dứt với đường Hồ Chí Minh, từ chương trình từ thiện mang tên Nghĩa tình Trường Sơn của báo Sài Gòn Giải phóng đến Chương trình Nghĩa tình Biên giới do Tạp chí Nông thôn Việt phát động. Những chuyến khảo sát, khởi công, khánh thành… các công trình hỗ trợ người nghèo, bản làng nghèo trên Trường Sơn cứ liên tục. 

Mỗi lần đi lại trên con đường mang tên Hồ Chí Minh, nhìn cảnh vật hai bên đường thay đổi theo chiều hướng… khai hoang phố hóa, tôi không thể không nhớ đến ông – cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Với những lời góp ý, cảnh báo như tiên tri về đường hướng phát triển kinh tế xã hội của tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chi Minh công nghiệp hóa. Những gợi ý của ông, qua một chuyến đi, tưởng chừng như “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng đã chỉ ra những giải pháp bảo vệ, gìn giữ và phát triển con đường Trường Sơn cũng như gìn giữ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên Trường Sơn hùng vĩ hai bên đường; những giải pháp lập làng mới, ổn định dân cư, phát triển kinh tế các bản làng dọc đường… 

Giá mà được các địa phương học tập và làm theo, thì đường Trường Sơn công nghiệp hóa đã có một bộ mặt hoàn toàn khác. Những “tư vấn” của ông từ 19 năm trước đã không được thực hiện. Trong khi những cảnh báo hồi ấy lại trở thành hiện thực – một hiện thực tàn khốc. 

Những cán bộ lãnh đạo các địa phương thời ấy, chắc chắn đã nghỉ hưu hết, không ít người cũng theo ông về “thế giới người hiền”, nên coi như họ… vô can. Nhưng ngẫm ra, cơ chế nào để những ý tưởng sát đúng như vậy không thể trở thành chủ trương xuyên suốt? Năng lực, quyền hạn hay tư duy nhiệm kỳ? Dẫu gì thì bây giờ, mỗi lần đi lại trên đường Trường Sơn, nhìn thấy tình trạng phố hóa - nhà dân xây dựng ra sát hai bên đường - ngày một nhiều hơn, rừng nguyên sinh ngày một ít hơn, và mỗi khi có bão lũ, lại có thông báo đường Trường Sơn bị tắc do sạt sở... lại chỉ biết… Tiếc thay...!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất