, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 31/03/2022, 19:00

Long An: Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, mở rộng cửa cho tiêu thụ hàng hóa

GIA HÂN
(baolongan.vn)
Trong năm 2022, Sở Công Thương Long An đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, giao dịch cho hàng hóa.
Sở Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh.

Thông tin từ Sở Công Thương, trong năm 2022, Sở sẽ đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa thông qua nhiều hoạt động. Sở chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT của tỉnh. Theo đó, cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) được tập huấn, tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TMĐT; mô hình hoạt động TMĐT; tác động của TMĐT tới thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; TMĐT giữa DN và người tiêu dùng; TMĐT giữa DN và DN; chính phủ điện tử; các mô hình kinh doanh TMĐT; thảo luận về vấn đề ứng dụng TMĐT.

Qua các khóa tập huấn, cán bộ quản lý nhà nước, DN, HTX nâng cao nhận thức, hiểu và nắm rõ về lợi ích của TMĐT; tiếp cận các mô hình và hệ thống pháp luật TMĐT Việt Nam và trên thế giới. Từ đó, có thể lập các kế hoạch triển khai TMĐT, xây dựng và ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến, các kỹ năng khai thác, quản lý và cập nhật thông tin thương mại trực tuyến, ứng dụng marketing trực tuyến, sàn giao dịch TMĐT và xây dựng thương hiệu trên Internet,...

Công tác hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh xây dựng bộ thương hiệu theo xu hướng quốc tế cho các sản phẩm tiêu biểu cũng được chú trọng. Dự kiến, năm 2022, Sở Công Thương sẽ hỗ trợ 12 DN, HTX, hộ kinh doanh có sản phẩm đạt OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Long An 12 website, hệ thống email, 12 fanpage,... nhằm tiếp cận hình thức kinh doanh trên môi trường trực tuyến theo yêu cầu của đơn vị thụ hưởng. Qua đó, giúp các DN sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của Long An xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến theo chuẩn quốc tế trên môi trường mạng, bao gồm: Việc thiết lập các website TMĐT, email thương hiệu, landing pages và fanpage, cài đặt thử nghiệm và bàn giao cho các đơn vị thụ hưởng.

Tại Long An, sàn TMĐT của tỉnh được thành lập và chính thức hoạt động từ năm 2010 và nâng cấp năm 2017. Theo nhận định, sau thời gian dài hoạt động, đến nay, hạ tầng kỹ thuật đã lỗi thời, thiết kế giao diện không bắt mắt. Tính năng các module đến thời điểm hiện tại không còn phù hợp. Năm 2022, Long An được Bộ Công Thương phê duyệt đề án TMĐT quốc gia năm 2022, trong đó có Đề án Xây dựng Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Long An. Đề án được thực hiện nhằm hỗ trợ DN xúc tiến bán buôn, bán lẻ hàng hóa; xây dựng quy chế quản lý và vận hành sàn giao dịch TMĐT; đăng ký sàn giao dịch TMĐT với Bộ Công Thương. Đồng thời, sàn cũng kết nối với Trục TMĐT quốc gia; tư vấn, hỗ trợ DN đưa thông tin lên sàn giao dịch TMĐT; khởi tạo fanpage quảng bá sàn; đăng ký với công cụ tìm kiếm Google.

Theo đó, khi đề án này được xây dựng sẽ hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng; hỗ trợ các DN nhanh chóng làm quen và tham gia vào môi trường kinh doanh trực tuyến, trực tiếp giới thiệu những thông tin, hình ảnh, sản phẩm của DN tới đông đảo khách hàng trong tỉnh, trong nước và trên toàn cầu.

Bên cạnh các đề án trên, Sở Công Thương cũng xây dựng, triển khai kế hoạch điều tra, thống kê TMĐT nhằm đánh giá tổng thể tình hình phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phục vụ công tác quản lý, xây dựng kế hoạch và giải pháp phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại nói chung và giao dịch TMĐT nói riêng. Hoạt động duy trì, phục hồi dữ liệu sàn giao dịch TMĐT; phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của tỉnh cũng được thực hiện, vận hành xuyên suốt, bảo mật theo quy định thông qua nội dung thuê tên miền, cung cấp dịch vụ đường truyền, bảo trì, sao lưu dữ liệu.

Để có thể thành công cho việc đẩy mạnh các hoạt động TMĐT, Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện. Đồng thời, Sở tiếp tục phối hợp các DN bưu chính, trong đó phối hợp Sàn TMĐT Vỏ Sò của Tập đoàn Viettel và Postmart của Bưu điện Việt Nam hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.

Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất