, //, :: GTM+7

Long An: Nhiều giải pháp nâng cao năng lực cung cấp nước sạch

TUẤN ANH
Năm 2020, nhiều khu vực tại tỉnh Long An thiếu nước trầm trọng do nguồn nước ngầm đa phần bị nhiễm mặn…
Một trạm xử lý nước mặt tại Long An.

Lệ thuộc vào nước ngầm

Thời gian qua, các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước. Là các huyện vùng hạ, tiếp giáp đa phần là sông rạch bị nhiễm mặn vào mùa hạn, nên trữ lượng khai thác của các giếng nước ở các địa phương này vào mùa khô rất hạn chế. Dù địa phương và các ngành hữu quan đã nỗ lực giải quyết nhưng đến nay, tình trạng thiếu nước cục bộ ở các huyện vùng hạ và vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là đối với một số xã (như Long Hựu Đông và Long Hựu Tây của huyện Cần Đước) thậm chí còn không có đường ống dẫn nước về.

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, Sở và UBND các huyện, xã quản lý hệ thống cung cấp nước nông thôn với tổng công suất 140.000m3/ngày đêm. Trong đó, chủ yếu là các giếng khoan quy mô nhỏ, phân tán, do nhiều đơn vị quản lý, vận hành khác nhau, công nghệ xử lý truyền thống nên chất lượng nước tại một số khu vực chỉ ở mức đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh, chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế. Nguyên nhân là vì phần lớn nguồn nước hiện nay trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn nước ngầm - nguồn cung không ổn định, đang thiếu hụt và độ ô nhiễm tăng dần theo thời gian.

Long An hiện có 36 nhà máy/trạm xử lý nước sạch, 1.413 trạm cấp nước nông thôn với tổng công suất cấp nước 345.700 m³/ngày đêm.

Hiện nay, việc cấp nước sinh hoạt cho các khu vực đô thị chủ yếu do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Kiến Tường cùng các công ty Công trình đô thị thực hiện. Tuy nhiên, với hệ thống khai thác, xử lý cung cấp nước được đầu tư nhiều năm, thiếu đồng bộ và công suất hạn chế, ngành nước Long An hiện chưa đáp ứng được nhu cầu về nước sạch do quá trình phát triển kinh tế cũng như đô thị hóa diễn ra quá nhanh. Việc phụ thuộc quá lớn vào nước ngầm khiến ngành nước tỉnh Long An gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung nước sạch ổn định phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu.

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, việc đưa nước sạch về các vùng nông thôn thay thế nguồn nước giếng (chỉ đạt mức hợp vệ sinh chứ chưa đạt chuẩn nước sạch) sẽ được tỉnh đầu tư từng bước song song với việc kêu gọi đầu tư trong thời gian tới để phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh là 65%, tỷ lệ sử dụng nước sạch đô thị là 100%.

Xã hội hóa dự án cung cấp nước

Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch, tháng 07/2020, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 2286/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh “Quy hoạch cấp nước Vùng tỉnh Long An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, tiếp tục mở rộng và nâng cấp các nhà máy nước hiện có, đầu tư xây dựng mới các nhà máy khai thác nước mặt theo phương thức xã hội hóa hướng đến thay thế dần việc khai thác nguồn nước ngầm như hiện nay.

Có thể điểm qua một số dự án xã hội hóa, như: Nhà máy nước mặt Nhị Thành của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP - Long An, sử dụng nguồn nước mặt Rạch Chanh, công suất đến 2030 là 120.000m3/ngày đêm (công suất hiện nay: 45.000m3/ngày đêm đang chuẩn bị nâng công suất lên 60.000m3/ngày đêm trong quý III 2021); Nhà máy nước Hòa Khánh Tây của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ Vinh, sử dụng nguồn nước mặt của hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, công suất đến 2030 là 80.000m3/ngày đêm (công suất giai đoạn 1 là 40.000m3/ngày đêm, đang chuẩn bị nâng công suất); Mới đây nhất có Nhà máy nước mặt Vàm Cỏ Đông tại Đức Hòa vừa được khởi công ngày 27/05/2021. Nhà máy do Công ty CP Nước AquaOne đầu tư xây dựng, có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, công suất thiết kế giai đoạn 1 (dự kiến vận hành thương mại vào quý 1/2023) là 200,000m3/ngày đêm; giai đoạn 2 (đến năm 2025) là 300,000 m3/ngày đêm. Sau khi hoàn thành toàn bộ các giai đoạn đầu tư, tổng công suất lắp đặt của Nhà máy đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm. Hiện nay, tỉnh Long An đã tiếp nhận 4 nhà máy nước mặt có quy mô lớn, trong đó 2 nhà máy đã hoạt động và đang chuẩn bị nâng công suất ở các giai đoạn tiếp theo để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong tương lai.

Cần thêm 306.289m³/ngày đêm (đến 2025), 421.757m³/ngày đêm (đến 2030) mới đủ phục vụ cho nhu cầu nước sinh hoạt tối thiểu của người dân Long An.

Ngày 02/03/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã phê duyệt Quyết định điều chỉnh cục bộ “Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, đưa vào quy hoạch bổ sung nguồn nước thô từ dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè vào hệ thống tuyến ống truyền tải liên tỉnh, đáp ứng yêu cầu cấp bách về đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Long An, với nguồn nước này và nguồn nước từ các dự án nước mặt đã và đang được đầu tư xây dựng, nhu cầu nước sạch cho người dân Long An có thể được đảm bảo trong thời gian tới.

Phối cảnh 3D nhà máy nước mặt Hoà Khánh Tây.

Để chủ động nguồn cung cấp nước ngọt phục vụ tưới tiêu cho gần 5.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phòng chống cháy rừng và nước sạch sinh hoạt cho người dân vào mùa khô hạn, Long An đang có phương án xây dựng hồ trữ nước ngọt rộng 140ha tại xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất