, //, :: GTM+7

Long An và cuộc chiến chống hạn mặn

TUẤN ANH

Kéo dài từ cuối năm 2019 cho đến thời điểm giữa tháng 04/2020, hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Long An nói riêng chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Chính quyền tỉnh Long An đã huy động toàn lực hỗ trợ người dân ứng cứu hàng chục ngàn hecta hoa màu để giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn. Tuy nhiên, đó là biện pháp xử lý tình huống cấp bách trước mắt, về lâu về dài cần những giải pháp căn cơ hơn.

 

Các trạm bơm tại Long An hoạt động hết công suất để đẩy lùi hạn mặn. Trong ảnh: Cống Cây Gáo, huyện Thủ Thừa.
Các trạm bơm tại Long An hoạt động hết công suất để đẩy lùi hạn mặn. Trong ảnh: Cống Cây Gáo, huyện Thủ Thừa.

Nắng nóng kéo dài, mặn xâm nhập sâu

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tình hình hạn mặn ở tỉnh này bắt đầu từ giữa tháng 11/2019. Thời điểm đó, hệ thống sông Vàm Cỏ đã bắt đầu xuất hiện mặn, sớm hơn 1 tháng so với cùng kỳ năm trước. Đến đầu tháng 04/2020, do kỳ triều kém nên mặn tiếp tục xâm nhập sâu, độ mặn 1g/l đã tiến sâu 90km trên sông Vàm Cỏ Đông và 125km trên sông Vàm Cỏ Tây.

Số liệu quan trắc đo đạc được cho thấy trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1,0 g/l đã tiến đến chợ Trà Cú huyện Đức Hòa, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 114km (gần hơn 14km so với năm 2016); độ mặn 4,0 g/l đến cầu Rạch Vong, huyện Bến Lức, cách sông Soài Rạp khoảng 72km (gần hơn 30km so với cùng kỳ năm 2016). Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1,0 g/l xâm nhập đến Rạch Bắc Chan, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 170km (xa hơn 60km so cùng kỳ năm 2016); độ mặn 4,0 g/l đến cầu Kênh Xáng, xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa, cách sông Soài Rạp khoảng 117km (xa hơn 25km so với cùng kỳ năm 2016).

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết: “Tình hình hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Long An đến nay vẫn không có dấu hiệu giảm xuống. Tính đến thời điểm này, vì ảnh hưởng của triều cường nên độ mặn trên các sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông vẫn tiếp tục tăng”. Ông Truyền lo ngại vụ mùa thất bát đến gần hơn với người nông dân khi xâm nhập mặn kéo dài, thiếu nước tưới trầm trọng có khả năng khiến hơn 2.000ha lúa bị giảm năng suất, hơn 2.500ha lúa bị thiệt hại trên 70%. Hai địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nhất là huyện Tân Trụ, Thủ Thừa. Qua kiểm tra, rà soát cho thấy có khoảng 1.220ha thanh long (huyện Tân Trụ 975ha, Thủ Thừa 246ha), 6.520ha chanh (huyện Bến Lức 4.649ha, Thủ Thừa 648ha, Đức Hòa 225ha, Đức Huệ 1.000ha) sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại trong đợt hạn mặn này.

Giải pháp nào trước nguy cơ hạn mặn kéo dài?

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo dòng chảy tháng 04/2020 từ thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng có khả năng vẫn ở triều thấp, kéo theo xâm nhập mặn tháng 4 nên hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng vẫn còn ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt ở khu vực cửa sông Cửu Long. Tình hình này có thể được cải thiện trong tháng 5, tuy nhiên những thiệt hại do đợt hạn mặn kéo dài này là không lường hết được. Tình trạng thiếu nước tưới tiêu được đánh giá là trầm trọng, khi lượng nước ngọt trữ trong hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo, Tấn Đức, Cầu Trắng đang dần cạn, các kênh cấp I, II và III đã khô cạn.

UBND tỉnh Long An đã công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn với tình trạng thiên tai thuộc cấp độ 2, đồng thời đã cấp bách triển khai nhiều giải pháp để hạn chế, khắc phục thiệt hại cho ngành nông nghiệp. Theo đó, tỉnh đã tiến hành đắp đập tạm ngăn mặn, xây dựng trạm bơm tăng cường nguồn nước ngọt cho hệ thống thủy lợi Nhật Tảo - Tân Trụ; lắp đặt 16 cửa cống ngăn mặn nằm dọc tuyến Quốc lộ 62 thuộc địa bàn các huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa; phối hợp với BQL Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 10 triển khai thi công cống rạch Bà Hai Màng và cống rạch Ông Nhượng; đắp các đập tạm ngăn mặn trên các kênh, rạch cắt ngang Quốc lộ 62… để ngăn xâm nhập mặn vùng dự án Bắc Đông với diện tích 62.000ha của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang. Tỉnh Long An cũng đã tổ chức kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn; lắp đặt các trạm bơm dã chiến để kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, tỉnh đã nhờ sự chi viện của tỉnh Tiền Giang cho mở các cống Rạch Gốc, Cầu Quán, Quản Thọ để dẫn nước ngọt từ hệ thống Rạch Chanh - Nguyễn Văn Tiếp về vùng Bảo Định, tạo nguồn nước tưới cho trên 10.000ha thanh long của huyện Châu Thành và xả nước thô vào các đầu kênh để người dân bơm nước vào ruộng, góp phần cứu gần 1.000ha lúa của các huyện Tân Trụ và Nam Thủ Thừa…

Nước ngọt mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu tưới tiêu trong mùa hạn. Trong ảnh: Cống Rạch Đào, huyện Thủ Thừa.
Nước ngọt mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu tưới tiêu trong mùa hạn. Trong ảnh: Cống Rạch Đào, huyện Thủ Thừa.

Nước sạch sinh hoạt cho người dân: cần kế hoạch dài hơi

Tình trạng hạn hán cũng khiến các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa thiếu nước sạch sinh hoạt. Đặc biệt tại huyện Cần Giuộc, gần 8.000 hộ dân sống phân tán tại 4 xã Tân Tập, Đông Thạnh, Phước Vĩnh Tây, Phước Vĩnh Đông thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng.

Ông Nguyễn Thành Vững, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An cho biết: “Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích trong sinh hoạt hàng ngày; chính quyền địa phương còn tổ chức cấp nước hỗ trợ cho người dân tại các điểm tập kết nước tập trung”. 1.500 bồn chứa nước dung tích 300 lít/bồn do Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ đã được tỉnh triển khai về Cần Giuộc 500 cái, Cần Đước 500 cái, Tân Trụ 300 cái, Thủ Thừa 200 cái. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An nhận nhiệm vụ hỗ trợ xe bồn chở nước đến các điểm tập kết. Tỉnh Long An cũng chỉ thị các cơ quan chức năng gấp rút lắp đặt 15 máy lọc nước mặn, cung cấp 200 thiết bị lọc nước Nano cỡ nhỏ ở các địa điểm hạn mặn nặng. Ước tính hoạt động này sẽ cung cấp khoảng 8.000m³ nước/huyện đến cuối tháng 05/2020. Ông Vững cho biết thêm: “Đối với trường hợp hộ gia đình khó khăn, neo đơn thì địa phương tổ chức cho dân quân chở nước đến từng nhà với tiêu chí đảm bảo mức sinh hoạt tối thiếu cho người dân”.

UBND tỉnh Long An cũng đã đôn đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng DNP - Long An gấp rút thi công tuyến ống dẫn nước từ Nhà máy xử lý nước Nhị Thành với mục tiêu hoàn thành trước ngày 30/04/2020 để kịp thời cấp nước cho những vùng nước sạch chưa đến được.

Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước mặt sông Vàm Cỏ Đông trên địa bàn huyện Đức Hòa với vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng. Có tổng diện tích sử dụng 71ha, công suất xử lý tối đa 300.000m³/ngày đêm, khi đi vào hoạt động (dự kiến năm 2023), nhà máy này sẽ cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt trong phạm vi phân vùng cấp nước theo quy hoạch của tỉnh Long An.

TUẤN ANH

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất