, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 26/06/2019, 15:35

Long đong chôm chôm Đồng Nai

Với gần 10,7 ngàn hécta, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về diện tích trồng cây chôm chôm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức để loại trái cây đặc sản này khẳng định được vị thế của mình.

Lo đặc sản mai một

Chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai) có kích cỡ trái lớn, mẫu mã đẹp, mùi vị thơm ngon đậm đà nên từng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Hiệp hội Trái cây Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ bình chọn vào tốp 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam.

Tuy là đặc sản nổi tiếng từ lâu nhưng “số phận” của trái chôm chôm Đồng Nai vẫn khá long đong với đầu ra còn bấp bênh. Nhiều hộ gắn bó lâu năm với cây chôm chôm cũng ngao ngán chặt bỏ giống cây đặc sản ngon có tiếng này.

Theo đó, vùng nguyên liệu trái cây ngon bị mai một dần. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến trái chôm chôm Đồng Nai chưa thể đi xa.

Thu hoạch chôm chôm tại xã Xuân Tân (TX Long Khánh)
Thu hoạch chôm chôm tại xã Xuân Tân (TX Long Khánh)

Năm 2014, tín hiệu vui cho trái chôm chôm Long Khánh khi sản phẩm này có mặt trên kệ hàng của siêu thị Aeon Nhật Bản và một số hệ thống siêu thị lớn. Đồng Nai cũng cung cấp hàng cho một số doanh nghiệp miền Tây xuất khẩu loại trái đặc sản này.

Tuy nhiên, do chưa đồng bộ trong việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chưa tự phát triển được thị trường nên khi cung cấp chôm chôm vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn hoặc cho doanh nghiệp xuất khẩu, trái chôm chôm Long Khánh đều phải “mượn” tên của đơn vị trung gian.

Cũng do vậy, chôm chôm Long Khánh nổi tiếng ngon nhưng đến nay vẫn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu riêng được thị trường nhận diện. Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai chỉ ra điểm yếu của trái cây Đồng Nai: “Đồng Nai dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng nhiều mặt hàng trái cây như: chuối, sầu riêng, chôm chôm… nhưng chưa giải được bài toán về thị trường tiêu thụ bền vững. Một trong những nguyên nhân chính là địa phương chưa tiếp cận được thị trường xuất khẩu cho những mặt hàng trái cây chủ lực”.

Được cấp chỉ dẫn địa lý

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh. Hai sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Long Khánh là trái chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (giống chôm chôm Java) được trồng ở các xã: Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (TX Long Khánh); Xuân Định, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ).

Đây là những địa phương có các điều kiện tự nhiên đặc thù, như: địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng là các yếu tố tạo nên chất lượng của chôm chôm Long Khánh với tổng diện tích gần 7 ngàn hécta. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh, đưa loại quả này vào “bảng vàng” đặc sản quốc gia không chỉ góp phần khẳng định, xây dựng thương hiệu mà còn mở ra nhiều cơ hội về thị trường.

Ông Đoàn Quốc Sang, nông dân trồng chôm chôm tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Nông dân chúng tôi kỳ vọng việc trái chôm chôm Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý sẽ tạo cơ hội về thị trường tiêu thụ, để loại trái cây đặc sản này có giá tốt với đầu ra ổn định hơn”.

Không chỉ có giá trị đảm bảo về uy tín chất lượng để mở rộng cơ hội xuất khẩu loại trái cây đặc sản của địa phương, chứng nhận này còn là cơ sở để thu hút doanh nghiệp về đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là bước khởi đầu cho việc xây dựng một thương hiệu mạnh cho trái chôm chôm Long Khánh. Gần 3 năm qua, chôm chôm Long Khánh vẫn chưa thực sự có bước đột phá nào!

Chuyện xây dựng thương hiệu

Gắn với mỗi sản phẩm nông sản Đồng Nai đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là những câu chuyện dài về nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng uy tín, chất lượng. Năm 1991, ông Nguyễn Vĩnh Thủy (tên thường gọi là Bình) là người đầu tiên trồng vườn chôm chôm nhãn tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc).

Mấy mươi năm qua, thương hiệu chôm chôm nhãn ông Bình được nhiều người biết tiếng vì trái ngon, mẫu mã đẹp. Nhiều doanh nghiệp, thương lái cần “hàng tuyển”, hàng đẹp đặt làm quà biếu đều tin tưởng trả giá cao để chọn chôm chôm ông Bình. Ông Bình kể: “Những năm 1980, tôi từng đi buôn chôm chôm. Lúc đó vùng Long Khánh rất ít người trồng được chôm chôm nhãn nên giá bán luôn cao hơn gấp 4 - 5 lần chôm chôm thường. Thấy vậy, tôi đầu tư mở rộng diện tích giống này lên gần 10ha”. Ông để vườn chôm chôm phát triển thuận theo tự nhiên chứ không ép cây ra trái vụ vì “cây, trái đúng mùa thì mới cho mẫu mã đẹp và chất lượng ngon nhất”.

Ông Bình khoe: “Chỉ cần nói chôm chôm ông Bình, người mua luôn tin tưởng không cần khui thùng kiểm tra hàng. Xưa nay đến mua hàng, thương lái luôn là người ra giá, nhưng ở vườn của tôi nông dân mới là người quyết định giá bán. Và tôi luôn bán được với giá cao hơn hẳn mặt bằng chung ngoài thị trường”.

Theo ông Trần Mộng Thành, Phó Chủ tịch UBND TX Long Khánh, hiện toàn thị xã có khoảng 2.800ha chôm chôm. Vùng chuyên canh đã hình thành và đang dần chuẩn hóa về chất lượng giống, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Thị xã đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm sản xuất chôm chôm VietGAP tại xã Bình Lộc và quy trình sản xuất sạch này đang được nông dân ứng dụng rộng rãi.

Qua đó, khẳng định thương hiệu đặc sản chôm chôm Long Khánh có chất lượng ngon, an toàn không chỉ được thị trường nội địa ưa chuộng mà đạt chuẩn xuất khẩu. “Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh việc kết nối, thu hút doanh nghiệp về liên kết với nông dân, đầu tư cánh đồng mẫu lớn cho cây chôm chôm để có đầu ra bền vững” – ông Thành nói,

Lê Quyên

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm


So với thời điểm cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm gần 75 USD/tấn (tương đương gần 1,9 triệu đồng/tấn), gạo 25% tấm giảm tới 84 USD/tấn.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất