, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 11/07/2023, 20:00

Lựa chọn khôn ngoan

TRẦN THANH TÂM

Muốn no thì phải chăm làm

Một hạt thóc vàng, chín hạt mồ hôi

Được mùa lúa, úa mùa cau

Được mùa cau, đau mùa lúa

Là người Việt, chắc chúng ta không lạ gì với hai câu ca dao trên. Cả hai đều nói về những nỗi khổ của cuộc đời nông dân – mỗi câu một góc độ. Câu ca dao thứ nhất mô tả sự cơ cực trong lao động nông nghiệp. Dù thời thế đã thay đổi, vật đổi sao dời, nhà nông còn đó; và công việc của nông dân ngày nay – tuy vẫn “một nắng hai sương” trong một chừng mực nào đó, đã bớt nhọc nhằn hơn, ít phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như thế hệ cha ông.

Rủi ro trong nông nghiệp

Nhưng cho đến tận những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ thứ 21, nhà nông Việt vẫn phải chịu một nỗi khổ gần như ít thay đổi dù trên đồng ruộng của họ, nhiều loại máy móc đã thay cho sức trâu, sức người. Nỗi khổ này được thể hiện qua câu ca dao thứ hai. Ngoài chuyện phải bỏ ra nhiều sức lao động hơn các ngành nghề khác, người nông dân – đặc biệt là hộ nông dân Việt Nam – còn phải chịu rất nhiều rủi ro cho công việc đồng áng của mình. Những rủi ro này có thể được nói gọn bằng cụm từ “mất mùa, mất giá”.

Dĩ nhiên, ngành nghề nào mà không có rủi ro. Song, các nguy cơ trong nghề nông lại hiện hữu thường trực và có tần suất trở thành hiện thực cao hơn hẳn so với nhiều khu vực khác. Có vô số nguyên nhân gây mất mùa. Một tài liệu từ Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) kể ra các “nhóm nguyên nhân” như sau(1). Thuộc nhóm thứ nhất là thời tiết thất thường (hạn hán hay lũ lụt), khí hậu quá nóng hay quá lạnh. Đó là chưa kể, nhóm này còn ngày càng trở nên “hung hãn” hơn xưa rất nhiều bởi có sự tham gia của một nguyên nhân thời thượng: hiệu ứng nhà kính.

Tuy xảy ra với tần suất thấp hơn so với nhóm thời tiết, nhóm nguyên nhân sinh học đôi khi tàn phá cả một vụ mùa qua sự tấn công của côn trùng, vi khuẩn, nấm… Nhóm thứ ba liên quan đến thổ nhưỡng và chất lượng nguồn nước – ví dụ như đất bạc màu do khai thác quá mức hay nước bị nhiễm độc.

Ngoài ra, tài liệu của ADB còn đề cập đến các nguyên nhân rủi ro mà nhiều nông dân Việt ngày nay nghe lạ tai nhưng lại rất thực tế, gồm nhóm nguyên nhân liên quan đến thể chế (institutional), như nguồn cung cấp tín dụng, lãi suất; nhóm nguyên nhân liên quan đến lao động và sức khỏe (bệnh tật, thương tật, nguồn lao động nông thôn…); và nhóm liên quan đến chính trị (như chính sách về nông nghiệp, thuế và trợ cấp). 

Không chỉ có mất mùa mới khiến người nông dân bất hạnh, chuyện nông sản mất giá cũng vậy. Bên cạnh mất giá, lên giá cũng chưa hẳn là hay, vì nó làm đảo lộn các kế hoạch, tính toán thông thường, đặt người nông dân vào thế bị động, nhất là khi giá các loại hàng hóa đầu vào trong nông nghiệp – như hạt giống, phân bón và thuốc trừ sâu – tăng vọt. 

Bảo hiểm nông nghiệp trên toàn cầu

Thực ra, nhà nông không phải là không có cách ứng phó rủi ro. Từ ngàn xưa, nông dân Việt đã biết cách chống lại các yếu tố bất lợi về thời tiết, dịch bệnh bằng cách áp dụng đa canh thay vì độc canh; hay luân canh, xen vụ. Tuy nhiên, những kiểu đối phó truyền thống này chỉ đạt được tác dụng hạn chế. Ngày nay, một phương thức mới hơn đã được áp dụng có thể giúp người nông dân giảm thiểu tác hại của các rủi ro tốt hơn so với cách thức truyền thống. Đó là bảo hiểm nông nghiệp (BHNN).

Theo tài liệu ADB đã dẫn ở trên, nhiều quốc gia đã đưa ra các phương án bảo hiểm, cả nhà nước lẫn tư nhân, cho các sản phẩm nông nghiệp. Ước tính, phí BHNN toàn cầu đã tăng gần gấp ba chỉ sau sáu năm, từ 8 tỷ đô-la Mỹ năm 2005 lên 23,5 tỷ năm 2011. Tại các thị trường mới nổi, phí BHNN đạt mức 5,2 tỷ đô-la Mỹ năm 2011, và thị phần trong chiếc bánh toàn cầu của các quốc gia đó đã tăng từ 13,4% năm 2005 lên 22% năm 2011. Ấn Độ và Trung Quốc là các nước dẫn đầu thị trường, chiếm khoảng 62% tổng số phí BHNN tại các thị trường mới nổi.

Nhiều sản phẩm BHNN hiện đang là thời thượng. Bảo hiểm các loại rủi ro cho mùa vụ (multi-peril crop insurance) là loại bảo hiểm toàn diện có khả năng bồi thường hoàn toàn hay gần như hoàn toàn cho các thiệt hại. Đây là hình thức được ưa chuộng ở nhiều nước thu nhập trung bình. Tuy nhiên, điểm bất lợi là phí bảo hiểm rất cao do phải bao trùm rất nhiều rủi ro.

Bảo hiểm rủi ro đặc biệt cho mùa vụ (named-peril crop insurance) có phí bảo hiểm thấp hơn nhiều so với loại hình trên vì chỉ bảo hiểm cho một loại rủi ro nào đó. Nhưng do phạm vi hẹp, loại hình này cũng kém hấp dẫn với nông dân.

Vì thế, nhiều nước đã chuyển sang các hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp dựa trên chỉ mục (index-based insurance) nhằm khắc phục các điểm yếu của hai loại hình trên. Dù tương đối mới trên thị trường BHNN, hình thức bảo hiểm này được cho là sẽ phổ biến trong tương lai.

Trường hợp Thái Lan: bảo hiểm có trọng điểm - gạo và “Trái cây vua”

Cách đây hơn 11 năm, tháng giêng năm 2021, tờ Bangkok Post, một trong những nhật báo tiếng Anh của Thái Lan, kể câu chuyện của bà Nalad Kawesikhao, một nông dân chuyên trồng lúa ở tỉnh Kalasin thuộc đông bắc Thái Lan(2). Bài báo viết trước đó một năm, bà Nalad mua một hợp đồng bảo hiểm mùa vụ cho cánh đồng lúa rộng hơn 38 Rai (có thể xem như “sào Thái”, đơn vị đo diện tích của Thái, tương đương 1.600 mét vuông) của mình. Sở dĩ bà Nalad quyết định ký hợp đồng bảo hiểm vì bà e rằng cánh đồng lúa ở vùng trũng bà đang sở hữu có nguy cơ ngập úng, trong khi dự báo thời tiết cho biết khả năng mưa sẽ nhiều hơn trong năm đó.

Phí bảo hiểm cho mỗi “sào Thái” là 129,47 bạt (baht, đơn vị tiền tệ Thái Lan), trong đó Nalad phải trả 60 bạt (phần còn lại do chính phủ Thái đài thọ) cho Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp (Bank of Agriculture and Agricultural Cooperatives, viết tắt BAAC). 

Bà Nalad sẽ không bao giờ hối hận vì khoản tiền bảo hiểm phải trả. Tháng 10 năm đó, lũ lụt ập đến ruộng lúa trong vùng, khiến “tôi không gặt nổi một ký lúa nào hết”, bà nói với tờ Bangkok Post.

Nhờ hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, bà Nalad được bồi thường 1.400 bạt cho mỗi “sào Thái”. Đồng thời chính phủ Thái cũng hứa sẽ đền bù 2.222 bạt mỗi Rai cho nông dân bị thiệt hại vì lũ lụt.

Tuy nhiên, chỉ có năm hộ nông dân trong khoảng 500 hộ trồng lúa trong vùng may mắn như bà Nalad vì đã mua bảo hiểm và được đền bù – phần lớn trong số họ đã không tìm hiểu về chương trình. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi không tham gia bảo hiểm mùa lúa. Họ nói năm sau sẽ chắc chắn không bỏ lỡ.

Cũng theo tờ Bangkok Post, ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, cơ quan chức năng của Thái Lan đã có những nghiên cứu đầu tiên về chương trình bảo hiểm nông nghiệp. Khoảng 1978 - 1981, chương trình thí điểm dành cho nông dân Thái trồng bông ở tỉnh Nakhon Ratchasima được giới thiệu.

Năm 1988, bảo hiểm được mở rộng đến các sản phẩm bắp, đậu nành và cao lương. Nhưng chỉ ba năm sau, cố gắng đó xem như thất bại bởi bất đồng giữa nông dân và các công ty bảo hiểm về phương thức đền bù, cũng như chi phí quản lý quá cao.

Năm 1996, chính phủ Thái chọn ngân hàng BAAC làm đối tác trong chương trình bảo hiểm nông sản, theo đó chính phủ sẽ tài trợ nông dân 50% phí bảo hiểm. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn nằm trên giấy vì không đủ ngân sách.

Đến năm 2005, Ngân hàng Thế giới khởi động một chương trình thí điểm bảo hiểm thời tiết cho nông sản với BAAC là đối tác. Năm 2011, lần đầu tiên tại Thái Lan, nông dân toàn quốc đều có thể tham gia bảo hiểm lúa nếu muốn.

Một bài báo khác của Bangkok Post đưa tin, năm 2020, BAAC đã chi trả hơn 370 triệu bạt (khoảng 12 triệu đô-la Mỹ) bồi thường cho các hợp đồng liên quan đến bảo hiểm mùa lúa đã ký với hơn 32.000 nông dân Thái trên 310.000 Rai ruộng lúa của họ. Tổng cộng trong năm đó, BAAC đã bảo hiểm 45,7 triệu Rai. Các hợp đồng bảo hiểm này bao phủ tám loại thiên tai; gồm lụt/mưa lớn, hạn, bão, thời tiết lạnh, mưa đá, hỏa hoạn, voi rừng và côn trùng/dịch bệnh.

Cũng theo báo này, năm 2022, Hội đồng về chính sách lúa gạo quốc gia (National Rice Policy Committee) của Thái Lan đã đồng ý ngân sách lên đến 1,92 tỷ bạt (khoảng 62 triệu đô-la Mỹ) cho chương trình bảo hiểm vụ lúa như là vụ chính trong năm(3). Cuối tháng ba năm nay có tin Văn phòng Kinh tế nông nghiệp (Office of Agricultural Economy) đang tập trung vào bảo hiểm có hệ thống dành cho sầu riêng và một số loại trái cây trọng điểm khác vì khả năng tăng trưởng của các loại quả này trong năm. 

Có thể thấy con đường của bảo hiểm nông nghiệp ở đất nước láng giềng Thái Lan rất dài và không hề bằng phẳng. Tuy nhiên, qua nhiều nỗ lực không ngừng, con đường đó đang gặt hái kết quả. Và đây cũng có thể là bài học cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Kinh nghiệm của người Thái cho thấy các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của quốc gia có lẽ là lựa chọn đúng nhất. 

(1)https://www.adb.org/sites/default/files/publication/239181/adb-brief-agriculture-insurance-rt-4th_0.pdf

(2)https://www.bangkokpost.com/business/2301478/panel-okays-b1-92bn-rice-insurance-plan

(3)https://www.bangkokpost.com/business/2301478/panel-okays-b1-92bn-rice-insurance-plan

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất