, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 28/11/2023, 07:00

Lựa chọn nào cho những vùng cách trở?

TRUNG THANH
Vì sao những khu vực ngoài biển như đảo Phú Quốc, Côn Đảo; các cù lao ở miền Tây hay những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, không thực hiện dự án phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ như điện mặt trời, điện gió mà phải kéo lưới điện đến tận nơi?
Cánh đồng điện gió nơi biên giới Việt - Lào (Hướng Hóa - Quảng Trị). Ảnh: Nguyễn Xuân Tư.

Ông Trần Đình Sinh, Phó Giám đốc GreenID: Nên thực hiện nhiều dự án điện mặt trời tại chỗ

 
Ông Trần Đình Sinh, Phó Giám đốc GreenID.
 

Cũng có những ý kiến trái chiều việc kéo lưới điện ra những vùng cách trở như Côn Đảo, Phú Quốc hay thực hiện dự án năng lượng tái tạo tại chỗ như điện mặt trời. Theo tôi, những vùng cách trở nhưng có địa bàn rộng, đông dân cư, có nhiều hoạt động sản xuất, phát triển du lịch… việc tính toán cân nhắc về bài toán phát triển triển kinh tế - xã hội chung cho địa phương này qua đó lựa chọn phương án kéo điện lưới quốc gia ra là cần thiết. 

Tuy nhiên, đối với những cù lao nhỏ hay những vùng nông thôn cách trở ở miền Tây, dân cư ít, không có nhiều cơ sở sản xuất… việc phát triển năng lượng tái tạo tại chỗ như điện mặt trời là phù hợp, có thể thực hiện ngay. Trong thời gian qua, nhiều khu vực xa xôi phải chờ lưới điện kéo đến nhưng lại không xây dựng các dự án cung cấp điện tại chỗ bằng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời.

Theo tôi, nên khảo sát trên diện rộng để có dữ liệu đầy đủ về nhu cầu sử dụng điện ở các vùng cách trở như đảo, cù lao, vùng nông thôn hẻo lánh ở miền Tây cũng như những nơi khác để lựa chọn phương án cung cấp điện tại chỗ bằng các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp, không phải phụ thuộc quá nhiều vào mạng lưới điện quốc gia.

Trước đây điện mặt trời có giá khá cao nhưng hiện nay đã giảm mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng này. Cứ khoảng 5 năm thì giá thành của thiết bị điện mặt trời lại giảm một nửa. Vì thế, việc thực hiện các dự án điện mặt trời tại chỗ quy mô nhỏ cho những vùng cách trở là hợp ý. Qua đó, cũng góp phần phần hạn chế nguồn năng lượng hóa thạch (nhiệt điện), giảm ô nhiễm môi trường. 

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương): Cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ

 
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương).
 

Với sự phát triển của công nghệ, hiện nay, điện mặt trời đã trở thành nguồn năng lượng sạch và có giá rẻ nhất trong các loại nguồn phát điện nên cần được ưu tiên phát triển.

Theo quy hoạch Điện VIII, nếu có chính sách khuyến khích tốt, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) có khả năng tự cung, tự cấp đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng điện cho các hộ gia đình, các tòa nhà công sở. Một thuận lợi nữa là ĐMTMN tự sản tự tiêu không liên kết với lưới điện quốc gia được phát triển không giới hạn công suất, cho phép bán điện cho tổ chức, cá nhân không thuộc EVN.

Tuy nhiên, đầu tư ĐMTMN cũng đang gặp một số khó khăn như: chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp như truyền tải, lưu trữ nguồn điện, sự bất ổn định và phụ thuộc vào thời tiết khí hậu nên chi phí vận hành, bảo trì cao… Do đó, để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời thì cần có chính sách hỗ trợ ban đầu, như hỗ trợ giá; tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận tín dụng lãi suất thấp cũng như các cơ chế ưu đãi cần thiết…

Tiến sĩ Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM: Phải đảm bảo cấp điện liên tục

 
Tiến sĩ Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM.
 

Việc phát triển các dự án điện tái tạo như điện mặt trời cho những vùng xa xôi cách trở là phù hợp, nhất là đây là loại năng lượng sạch được khuyến khích thực hiện để góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Song, việc xây dựng các dự án điện mặt trời cần được đánh giá thêm về những yếu tố trong bài toán tổng thể rộng lớn. 

Ví dụ như xây một dự án điện mặt trời quy mô lớn ở vùng xa nhưng nơi đó nhu cầu sử dụng điện thấp thì phải đưa lên mạng lưới. Khi đưa lên mạng lưới thì phải đầu tư hệ thống truyền tải điện, chi phí phát sinh rất lớn. Vì thế cần tính toán quy mô dự án thật phù hợp, vùng nông thôn thì đầu tư ra sao, nơi đô thị thì nên phát triển điện mặt trời như thế nào…

Trên thực tế, vùng nông thôn có lợi thế lớn vì nhiều đất trống có thể thực hiện các dự án điện mặt trời nhưng nhu cầu sử dụng tại địa phương lại không nhiều. Trong khi đó, ở các khu đô thị nhu cầu sử dụng điện lớn nhưng lại không có đất để thực hiện dự án điện mặt trời hay điện gió… 

Mặt khác, giống như lĩnh vực cấp nước sạch, cấp điện cũng có tính chất đặc thù là phải bảo đảm liên lục. Trong khi đó, điện mặt trời có hạn chế có điện vào ban ngày; vào ban đêm hoặc khi trời mưa thì không có điện, phải đầu tư pin tích trữ lớn mới đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định. 

Do đó, ngoài việc phát triển điện mặt trời cho những vùng cách trở với quy mô phù hợp cũng nên có những thêm phương án để đảm bảo nguồn cấp điện liên tục. Như ở những vùng nông thôn có thể nghiên cứu thực hiện dự án điện sinh khối, điện gió với quy mô phù hợp...

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn...

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất