, //, :: GTM+7

Lúa cỏ, dịch hại nguy hiểm trên ruộng lúa

NGUYỄN THẾ CƯỜNG (Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học và Nông nghiệp công nghệ cao)
Lúa cỏ đang gây hại trên diện rộng ở Cần Thơ, Hậu Giang và Kiên Giang. Việc tìm ra nguyên nhân và biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại cho cây lúa là việc hết sức cần kíp.

Lúa cỏ (Oryza sativa f. spontanea) là loại cây hàng niên, có cùng họ hàng với lúa trồng và mọc không mong muốn cùng với lúa trồng, do đó, không thể sử dụng hóa chất diệt cỏ để loại bỏ chúng trong ruộng lúa đang sinh trưởng và phát triển. 

Loài cỏ dại nguy hiểm

Lúa cỏ là một trong những loài cỏ dại nguy hiểm, trực tiếp làm giảm năng suất, chất lượng lúa trồng; tăng chi phí sản xuất; tăng chi phí chế biến phân loại cho xuất khẩu. Tương tự như lúa trồng, lúa cỏ rất đa dạng về hình thái và xuất hiện ở tất cả các vùng trồng lúa chính trên thế giới như châu Á, châu Mỹ, châu Phi, châu Âu. Ở Việt Nam, lúa cỏ được ghi nhận lần đầu tiên vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Chúng xuất hiện rải rác ở một số vùng lúa sạ khô của Long An, Bình Thuận với những đặc tính hình thái như có chiều cao cao hơn cây lúa, hạt lúa có râu dài, hạt gạo màu đỏ và rất dễ rụng hạt. 

Những năm gần đây, lúa cỏ xuất hiện phổ biến và gây thiệt hại cho sản xuất lúa ở các vùng trồng lúa chính và trên các hệ thống canh tác lúa khác nhau, kể cả lúa cấy, trong cả nước. Đặc biệt, có những dòng lúa cỏ có những đặc tính hình thái gần giống với lúa trồng, do đó rất khó để phân biệt bằng mắt thường. Một số dòng lúa cỏ có thời gian sinh trưởng ngắn hoặc tương đương với lúa trồng, thấp cây hoặc cao tương đương với lúa trồng, hình dạng bông và hạt tương tự lúa trồng. Hạt của một số dòng lúa cỏ có đuôi hoặc không có đuôi; có khả năng mọc mầm ngay trên bông hoặc tồn lưu trong đất lâu dài, sau đó mọc mầm, phát triển và lây lan.

Nguồn gốc dẫn đến sự xuất hiện của lúa cỏ trên thế giới và ở Việt Nam vẫn là một vấn đề còn đang được làm rõ. 

Theo De-Wet và Harlan (1975), lúa cỏ có khả năng xuất phát từ sự chọn lọc và thích nghi của lúa hoang trong hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp. Ở những nơi không có sự hiện diện của lúa hoang, lúa cỏ có thể phát sinh từ lúa trồng thông qua những đột biến có tính thích nghi và sự tích tụ của các đột biến có lợi cho chúng trong quá trình thoái hóa của lúa trồng trong tự nhiên. Sự lẫn tạp trong hạt giống lúa trồng và lúa hoang cũng được cho là nguồn gốc phát sinh của lúa cỏ ở những nơi không phải là khởi nguyên của cây lúa như Brazil và Ý. 

Một giả thuyết khác cho rằng việc “lai tạo hoặc tạp giao ngẫu nhiên (gene flow)” giữa lúa trồng và lúa hoang hoặc giữa các giống lúa trồng dẫn đến sự phát sinh của lúa cỏ. Trong các nghiên cứu gần đây nhất dựa trên những đặc tính về di truyền, phân tích isozyme, hệ gen học và sinh học phân tử cho thấy nhiều khả năng lúa cỏ phát sinh từ quá trình thoái hóa để thích nghi trong tự nhiên của lúa trồng 
(de-dosmetication), từ lai tạo giữa các giống Japonica, tạp giao ngẫu nhiên hoặc do lai tạo không chủ đích giữa lúa hoang và lúa trồng (Nadir et al., 2017). 

Cho đến nay, trong nước chưa có nghiên cứu về di truyền để xác định chính xác nguồn gốc phát sinh của lúa cỏ ở Việt Nam. Nghiên cứu của Vigueira và ctv. (2019) cho thấy nguồn gốc lúa cỏ ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Indonesia có quan hệ di truyền gần với lúa hoang bản địa và các giống lúa trồng ở địa phương. Theo Chín và ctv. (1999), việc sử dụng hạt giống lẫn tạp hạt lúa cỏ là nguồn gốc xâm nhiễm và lây lan chính của lúa cỏ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kết quả điều tra về hiện trạng lúa cỏ gần đây nhất của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long ở Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang cho thấy lúa cỏ xuất hiện ở các mức độ khác nhau trên đồng ruộng của hầu hết 120 nông dân được phỏng vấn. Lúa cỏ gây hại nhiều trong vụ Xuân Hè và Hè Thu so với vụ Đông Xuân, do nắng nóng và khó khăn trong kiểm soát nước vào đầu thời vụ xuống giống. Tỷ lệ thất thoát trung bình do lúa cỏ gây ra trong cả ba vụ lúa/năm khoảng 7%. Trao đổi giống lúa và sử dụng giống lúa chất lượng kém, gia tăng cơ giới hóa khâu thu hoạch và thâm canh tăng vụ kết hợp làm đất tối thiểu là những yếu tố chính làm lúa cỏ lây lan ở ĐBSCL. 

Người nông dân nên làm gì?

Lúa cỏ đang trở thành dịch hại nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Cho đến nay, chưa có một qui trình cụ thể và thống nhất nào được sử dụng trong việc ngăn ngừa sự lây lan, phát triển và gây hại của lúa cỏ. Một số khuyến cáo sau đây mà bà con nông dân có thể áp dụng để quản lý, hạn chế và ngăn ngừa lúa cỏ trên đồng ruộng của mình:

+ Sử dụng giống lúa chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc kiểm soát sự phát sinh và lây lan của lúa cỏ.

+ Nếu xuất hiện lác đác lúa cỏ, cần nhổ và xử lý triệt để không chỉ trên đồng ruộng mà cả bờ ruộng, tránh để hạt lúa cỏ rơi rụng. Không dùng dao hoặc liềm cắt dưới gốc, ngang thân hoặc ngang bông lúa cỏ vì chúng vẫn có thể mọc, phát triển thành cây và bông hoàn.

+ Vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng, bờ ruộng và cả bờ kênh, không để sót các loại lúa hoang, lúa khác giống xung quanh ruộng. Đối với các ruộng nhiễm lúa cỏ nhiều có thể đốt đồng (chỉ áp dụng khi nhiễm nặng) sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân hoặc vụ Xuân Hè, sau đó đưa nước vào để ngâm hạt lúa cỏ và hạt cỏ dại. Tránh cày đất ngay sau thu hoạch vụ Đông Xuân và Xuân Hè trên các ruộng lúa nhiễm nhiều lúa cỏ vì sẽ vùi hạt lúa cỏ sâu vào đất.

+ Trước khi đưa máy gặt xuống ruộng, cần kiểm tra kỹ và làm thật sạch máy gặt để tránh các hạt lúa/hạt lúa cỏ còn vương vãi trong máy rơi xuống ruộng. Đối với ruộng nhiễm lúa cỏ nên gặt sau cùng sau khi đã gặt các ruộng lúa sạch lúa cỏ và cỏ dại.

+ Đối với các ruộng/vùng bị nhiễm lúa cỏ nặng có thể dùng biện pháp luân canh cây trồng cạn như đậu đỗ và sử dụng các loại thuốc diệt cỏ có hoạt chất diệt trừ các loại cỏ hòa bản và lúa cỏ.

+ Ở những vùng thâm canh 3 vụ lúa trong năm, nên cân nhắc bỏ vụ Xuân Hè (là vụ lúa thường cho lợi nhuận thấp nhất) để nhử hạt cỏ, hạt lúa cỏ nảy mầm và dùng các biện pháp cơ học hoặc hóa học để diệt cỏ và lúa cỏ. 

+ Sạ lúa ở mật độ cao từ 150 kg – 200 kg/ha có thể giúp hạn chế tối đa sự nảy mầm, phát triển của lúa cỏ và cỏ dại ở những cánh đồng bị nhiễm lúa cỏ và cỏ dại nặng, tuy nhiên, đây là giải pháp ít được khuyến cáo. 

+ Sử dụng các thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm trên lúa như Sofit, Michell, Butan theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Đối với ruộng nhiễm lúa cỏ nặng, có thể phun thuốc diệt tiền nảy mầm 2 lần. Lần 1 sau khi san phẳng mặt ruộng trước khi sạ và lần 2 là sau khi sạ 3-5 ngày. Lưu ý quản lý nước thật tốt sau khi phun.

+ Có thể sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma phun lên bề mặt ruộng sau khi thu hoạch, khi gốc rạ và mặt ruộng còn ẩm, sau đó cày hoặc xới để tạo điều kiện cho nấm phát triển và phân hủy rơm rạ, hạt lúa cỏ và hạt cỏ tồn lưu trong đất.

+ Phương pháp sạ lúa trong nước (hay còn gọi là sạ ngầm) cũng là một giải pháp hữu hiệu để kiểm soát lúa cỏ và cỏ dại ở những vùng có nguồn nước dồi dào, đồng ruộng được chuẩn bị tốt, dọn dẹp sạch và bằng phẳng. Lưu ý bón lót phân lân hoặc vôi để làm nước trong giúp cây lúa có thể quang hợp trong điều kiện ngập nước. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất