, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 18/03/2022, 06:10

Lúa đặc sản cổ truyền - Nhu cầu phục tráng và những khó khăn

CHU MINH KHÔI
Rất nhiều giống lúa đặc sản nổi tiếng của Việt Nam hiện đã vắng bóng trên đồng ruộng hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng…
Nông dân Nguyễn Hoàng Hương ở HTX Nam Hưng, huyện Vĩnh Lợi , tỉnh Bạc Liêu lựa chọn giống đài thơm Tám nhiều năm qua. Ảnh: Ngọc Bích

Tôi còn nhớ thời chưa chia ruộng khoán ở Hải Hậu, hầu hết ruộng đất canh tác tập trung vào hợp tác xã (HTX) song mỗi nhà cũng hay được HTX chia lại cho mấy miếng ruộng nhỏ để tự trồng lúa, gọi là ruộng “phần trăm”. Nhà tôi cũng được chia 0,2 sào (72m2) ruộng “phần trăm” trên vùng đất thịt kề bên sông làng, quanh năm ngập nước. Mẹ tôi dành ruộng này trồng lúa Tám Xoan (còn có tên gọi khác là lúa Bát Xuân), mỗi năm thu được khoảng 5 đến 10kg gạo Tám, dành để ăn trong ba ngày Tết. Cơm gạo Tám nấu lên thơm dẻo, ngon đến độ không từ nào có thể tả được. Ngày đó, tôi cứ nghĩ không cần thức ăn, chỉ đặt vài hạt muối trắng lên bát cơm rồi và vào miệng thôi thì vị ngon cũng đã đủ thấm lên đến tận chỏm đầu. 

Vậy mà dễ đã gần ba chục năm trôi qua tôi chưa một lần được thưởng thức lại hương vị Tám Xoan xưa, dù không ít lần tôi theo về Hải Hậu để khai thác thông tin trong các chương trình khôi phục giống lúa đặc biệt này của địa phương. 

Hải Hậu thất bại với…lúa Tám Xoan

Thiên nhiên ban tặng cho huyện Hải Hậu (thuộc tỉnh Nam Định) một vùng đất thấm đẫm phù sa “chảy vào tháng sáu đắp qua tháng mười” để di dưỡng cây lúa Tám Xoan. Trong “Vân đài loại ngữ”, nhà bác học Lê Quý Đôn viết: “Lúa Bát Xuân ưa đất thịt, ruộng cao. Cây cao, bông dài và mềm, hạt thưa nhỏ, mầu vàng. Hạt gạo trắng, mùi vị thơm ngon…” Thời nhà Nguyễn, Tám Xoan là loại gạo tiến vua được ca ngợi.

Năm 2007, gạo Tám Xoan được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Với chứng nhận này, chính quyền Hải Hậu kỳ vọng thúc đẩy sản xuất gạo Tám Xoan thành sản phẩm hàng hóa, làm giàu cho người trồng lúa. Năm 2007, diện tích trồng lúa Tám Xoan ở Hải Hậu có hơn 1.000ha. Thế nhưng đến năm 2015, diện tích này còn 98ha và hiện tại, chỉ còn chưa đầy 10ha.

Bên lề một hội nghị về OCOP, gặp một người bạn học cùng lớp thời Đại học Nông nghiệp là Nguyễn Văn Hữu, Phó Chánh văn phòng Nông thôn mới tỉnh Nam Định, tôi thắc mắc khi trong danh mục các sản phẩm xếp hạng OCOP của Nam Định không thấy gạo Tám Xoan thì được giải thích rằng giờ đây, không còn hạt lúa nào ở Hải Hậu là Tám Xoan thật sự nữa. 

Theo ông Hữu, lúa Tám Xoan mỗi năm chỉ trồng được một vụ kéo dài trong 6 tháng, năng suất thường chỉ đạt 70 - 90kg thóc/sào (360m2) trong khi các giống lúa thường hiện nay một vụ trồng trong khoảng 3 - 3,5 tháng đã cho thu hoạch, năng suất 250 - 300kg thóc/sào. Ngoài ra, do cây lúa Tám Xoan quá cao (1,1m - 1,4m) nên ruộng lúa thường bị đổ rạp khi trổ bông, chuột bọ dễ cắn phá; kỹ thuật gieo trồng lúa Tám Xoan cũng khá khắt khe khi chỉ sử dụng phân hữu cơ, không bón phân vô cơ, nước tưới phải là nước phù sa của sông với tần suất tưới 14 - 18 lần/vụ, mực nước trên ruộng luôn ổn định ở mức 3 - 5cm. Chính vì vậy, giá thành sản xuất lúa Tám Xoan thường cao gấp 4 lần so với các giống lúa khác. 

Nhằm giải quyết bài toán hiệu quả sản xuất trước mắt, người nông dân thường trồng xen thêm nhiều giống lúa khác bên cạnh những thửa ruộng trồng lúa Tám Xoan. Điều này, vô hình trung đã khiến lúa Tám Xoan bị lai tạp, không còn thuần chủng dẫn đến chất lượng gạo cũng không còn nguyên bản. 

Cũng theo ông Hữu, để gạo Tám thơm ngon, nông dân thường thu hoạch khi bông lúa mới chín 70%. Lúc đó, hàm lượng sữa trong hạt lúa còn cao giúp cơm gạo Tám xoan dẻo và thơm. Do thu hoạch khi hạt còn non nên từ việc phơi thóc, tuốt lúa, xay giã… đều phải kỳ công và thực hiện bằng tay với dụng cụ là chiếu cói, nền đất (để thóc không bị khô rát khi phơi), cối xay tre, cối giã gỗ (để hạt gạo không bị nát trong quá trình xay, giã). Vậy nhưng hiện nay, nhằm tiện cho việc thu hoạch, xay xát, bảo quản cũng như thỏa yêu cầu thu mua của thương lái (chỉ một mức giá cho một tuổi gạo), nông dân thường để lúa Tám Xoan chín già (độ chín lên đến 90 - 95%) mới thu hoạch. Việc này khiến cơm gạo Tám Xoan khi nấu bị khô, không còn mùi thơm và độ dẻo đặc trưng. 

Gạo Tám Xoan dần mất tiếng do chất lượng không còn như xưa. Thị trường ngày một thu hẹp và trên đồng ruộng, lúa Tám Xoan dần vắng bóng.

Cần những giống lúa cổ truyền

Ông Nguyễn Hoài Daniel, nhà sáng lập kiêm Giám đốc của Sông Cái Distillery - một công ty có sản phẩm chính là các dòng rượu cao cấp ở châu Âu, chuyên sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu lúa gạo thuần Việt – cho biết công ty ông chuyên xây dựng thương hiệu dựa trên những câu chuyện về văn hóa và lịch sử Việt Nam, do đó, ông đặc biệt chú trọng tới nguồn gốc nguyên liệu và nhất là những câu chuyện đằng sau các loại sản phẩm.

Để có được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, công ty ông bắt đầu từ việc sưu tầm và hợp tác cùng bà con nông thôn, đặc biệt là đồng bào các dân tộc như H’Mông, Dao Đỏ, Nùng, H’Rê… để trồng các giống lúa, cây ăn quả bản địa nổi tiếng. “Vấn đề là khi đã chuyển sang giống công nghệ cao thì chỉ cần qua vài mùa là các hạt giống cũ không còn. Nhiều giống quý đã mất hoặc có nguy cơ cao do người dân thiếu nhận thức hoặc chưa được hỗ trợ cả về tài chính, kiến thức để quản lý, duy trì nguồn giống quý”, ông Nguyễn Hoài Daniel băn khoăn.

Hiện tại, Công ty Sông Cái Distillery vẫn đang đi tìm các nguồn lúa cổ truyền của Việt Nam để cung cấp giống cho nông dân trồng lại và cam kết bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. “Muốn phát triển thương hiệu, chúng ta không chỉ xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý mạnh hơn mà còn phải bảo vệ bản quyền và hướng dẫn bà con cùng đồng lòng bảo vệ, duy trì và làm ra các sản phẩm mang lại giá trị cao”, ông Nguyễn Hoài Daniel nhấn mạnh.

“Các đơn vị thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã sưu tập và lưu giữ được nguồn gen của hơn 4.000 giống lúa cổ truyền của nước ta. Trong hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã cung cấp hơn 3.900 giống lúa bản địa cổ truyền của nước ta cho Ngân hàng gen lúa quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI). Ngược lại, IRRI cũng đã cung cấp hơn 2.700 mẫu gen lúa để các đơn vị thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu và lai tạo giống mới. Hiện rất nhiều giống lúa cổ truyền gần như đã mất trên đồng ruộng Việt Nam nhưng vẫn lưu giữ được gen tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để có thể phục tráng và khôi phục sản xuất nếu các địa phương, doanh nghiệp và nông dân có nguyện vọng”, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất