, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 03/03/2022, 16:14

Lúa đông xuân ở ĐBSCL: Lợi nhuận teo tóp!

Đ.T.CHÁNH - LÊ HOÀNG VŨ
(nongnghiep.vn)
Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa đông xuân nhưng chi phí đầu vào tăng vọt đã khiến lợi nhuận teo tóp, gây khó khăn cho việc đầu tư vụ sản xuất mới.

Chi phí đầu vào tăng vọt

Cánh đồng lúa đông xuân 2021 - 2022 ở ấp Kênh 4B (xã Tân An, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng nông dân không vui vì lợi nhuận chẳng được là bao.

Ông Ngô Công Sinh, một nông dân trong ấp đầu tư làm 60 công tầm cắt (gần 8 ha) đã hẹn máy cắt một tuần nữa thu hoạch, vì làm lúa dài ngày cắt trễ hơn các ruộng xung quanh.

Lật cuốn sổ tay, ông Sinh nhẩm tính: “Chỉ riêng tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã hết hơn 2 triệu đồng/công, tăng gần gấp đôi rồi. Mọi khi chỉ từ 1 - 1,2 triệu/công đã là cao lắm. Chẳng lẽ bỏ ruộng chứ chi phí cứ mỗi ngày một tăng thêm thì đầu tư làm lúa lợi nhuận chẳng bõ bèn gì”.

Nông dân Kiên Giang đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2021-2022 nhưng không mấy vui do chi phí đầu vào tăng cao khiến lợi nhuận teo tóp. Ảnh: Hoàng Vũ.
Nông dân Kiên Giang đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2021-2022 nhưng không mấy vui do chi phí đầu vào tăng cao khiến lợi nhuận teo tóp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ngồi thừ một lúc, ông Sinh bảo: “Vụ lúa này nông dân làm không công rồi, có tý lãi nào thì chi phí đầu tư ăn hết. Bán xong lúa cầm tiền chạy ra đại lý vật tư trả hết nợ thì lại trắng tay. Ai giỏi thì giữ được năng suất nhưng giá bán cũng giảm sâu, hiện chỉ còn 5.500 đồng (lúa IR 50404) đến 5.700 đồng/kg (lúa hạt dài), thấp hơn cùng kỳ khoảng 1.500 đồng/kg. Giá công cắt máy tăng từ 4,5 triệu đồng lên 5 triệu đồng/lô (3ha), do giá dầu tăng vọt nên lời lãi có cũng chẳng còn được là mấy, nghề nông bây giờ vẫn mãi bấp bênh”.

Là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất ĐBSCL, vụ đông xuân 2021 - 2022, nông dân Kiên Giang đã xuống giống 283.837/283.000ha theo kế hoạch. Ông Nguyễn Đức Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được 41.664ha lúa đông xuân, năng suất bình quân đang thấp hơn so với cùng kỳ, ước đạt 6,24 tấn/ha.

Các địa phương có diện tích gieo sạ nhiều là Hòn Đất gần 80.000ha, Giồng Riềng 46.660ha, Tân Hiệp 36.800ha, nông dân đang vào vụ thu hoạch rộ. Trong tuần cuối tháng 2, tỉnh cũng ghi nhận diện tích sâu, bệnh tăng khoảng 2.500ha so với tuần trước, với tổng diện tích nhiễm dịch hại là 17.333ha, buộc nông dân phải tăng thêm chi phí phòng trừ.

Không chỉ chi phí cao do giá phân bón tăng, mà năm nay dịch hại cũng khá nhiều, nhất là dịch muỗi hành và rầy phấn trắng, kéo theo chi phí phòng trừ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

Tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), nhiều trà lúa đã bị dịch muỗi hành gây hại. Một số diện tích ở xã Tân Hiệp A bị nhiễm dịch muỗi hành khá nặng, nông dân ước tính năng suất lúa sụt giảm từ 30 - 50%, do số cây lúa cho bông hiệu quả trên ruộng còn rất ít.

Đến nay, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 500.000 ha lúa đông xuân, ở hầu hết các tỉnh, thành đều báo năng suất lúa thu hoạch thấp hơn so với vụ lúa đông xuân cùng kỳ năm trước. Ảnh: Hoàng Vũ.
Đến nay, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 500.000 ha lúa đông xuân, ở hầu hết các tỉnh, thành đều báo năng suất lúa thu hoạch thấp hơn so với vụ lúa đông xuân cùng kỳ năm trước. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ hơn 1,6 triệu ha, trong đó riêng khu vực ĐBSCL xuống giống 1,52 triệu ha. Đến nay, nông dân trong vùng đã thu hoạch khoảng 500.000ha, ở hầu hết các tỉnh, thành đều báo năng suất lúa thu hoạch thấp hơn so với vụ lúa đông xuân cùng kỳ năm trước. Giá thành sản xuất lúa tăng, trong khi năng suất giảm, giá bán thấp hơn cùng kỳ thì chắc chắn lợi nhuận của nông dân sẽ sụt giảm theo. 

Một là, năm nay giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng khá mạnh. Hai là do chi phí cao nên nhiều nông dân cũng không mặn mà, mạnh dạn đầu tư. Ba là năng suất lúa giảm do ít được đầu tư chăm sóc, dịch hại gia tăng. Bốn là giá bán lúa thấp (giảm so với cùng kỳ hơn 1.000 đồng/kg). Từ đó, làm cho lợi nhuận của nông dân trong vụ lúa đông xuân này giảm mạnh.

Lợi nhuận giảm sâu

Đang thu hoạch 1ha lúa với sản lượng khoảng 8 tấn bán ngay tại ruộng cho thương lái với giá 5.700 đồng/kg, nông dân Ngô Phước Trung, ở xã Định Môn, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) cho hay: “Vụ lúa đông xuân này gia đình canh tác giống OM4900, với chi phí sản xuất tăng khá cao gồm làm đất, vệ sinh đồng ruộng, bơm nước, lúa giống, vật tư nông nghiệp, thuê công dặm lúa, thu hoạch… Tất cả giá chi phí đều tăng, nhất là giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gần như tăng gấp đôi so với vụ đông xuân năm trước. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, lợi nhuận vụ này còn không đáng là bao”.

Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, nhưng chi phí đầu vào tăng vọt đã khiến lợi nhuận teo tóp. Ảnh: Hoàng Vũ.
Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, nhưng chi phí đầu vào tăng vọt đã khiến lợi nhuận teo tóp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Tương tự, ông Nguyễn Bá Cường, ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) vừa thu hoạch xong 2,3ha lúa đông xuân 2021 - 2022 trồng giống OM380, bán cho thương lái tại ruộng với giá 5.600 đồng/kg nhưng vẫn buồn.

Ông Cường phân trần, vụ đông xuân là vụ lúa chính trong năm, nông dân luôn kỳ vọng vụ lúa này có lãi cao hơn các vụ lúa còn lại là hè thu và thu đông. Không ngờ lúa đông xuân năm nay thu hoạch xong năng suất không tăng mà giảm gần 100kg/ha so với cùng kỳ năm rồi.

Lý do năng suất giảm là do tác động nhiều yếu tố như: thời tiết bất lợi, giá vật tư nông nghiệp tăng cao nông dân không mạnh dạn đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để chăm bón cho lúa nên năng suất không như kỳ vọng.

Không chỉ vậy, đến thu hoạch lúa kêu thuê máy gặt, họ báo giá cao tăng thêm khoảng 60.000 ngàn đồng/công, do giá xăng dầu tăng đột biến những ngày gần đây. Trước đây, giá thuê máy gặt đập liên hợp từ 230 - 250 ngàn đồng/công, nay họ tăng giá ăn công cắt lên 280 - 320 ngàn đồng/công mới chịu vào cắt. Chưa kể lúa bị đổ, giá công cắt còn tăng cao hơn nữa.

Giá thành sản xuất lúa tăng, trong khi năng suất giảm, giá bán thấp hơn cùng kỳ thì chắc chắn lợi nhuận của nông dân sẽ sụt giảm theo. Ảnh: Hoàng vũ.
Giá thành sản xuất lúa tăng, trong khi năng suất giảm, giá bán thấp hơn cùng kỳ thì chắc chắn lợi nhuận của nông dân sẽ sụt giảm theo. Ảnh: Hoàng vũ.

Theo ông Cường tính toán, với mức giá lúa này thì nông dân không lời được bao nhiêu do giá và các chi phí bỏ ra tăng gấp đôi. Đây là vụ lúa chính trong năm mà lãi quá thấp, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống của nhà nông. Trong khi đó vụ lúa hè thu cần có vốn để tiếp tục tái đầu tư như mua phân, thuốc, giống, thuê máy xới, máy mơm nước… tất cả đều tăng giá cao hơn từ 15 - 25% so với cùng kỳ năm rồi.

Lúa đông xuân 2021 - 2022 lợi nhuận thấp sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến vụ lúa hè thu 2022 tiếp theo. Vì nông dân không có nguồn lực để tái đầu tư, trong khi giá các loại vật tư nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho sản xuất lúa được dự báo vẫn cho có dấu hiệu hạ nhiệt. Hơn nữa, hiện giá xăng dầu đã tăng rất cao, sẽ làm cho chi phí khâu làm đất, bơm tưới, chăm sóc lúa bằng cơ giới… sẽ tăng theo.  

Mấy ngày qua, giá lúa tại nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL trên đà tăng nhẹ từ 100-200 đồng/kg so với các tuần trước, dù nông dân đang bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân 2021 - 2022. Tuy nhiên, mức giá hiện nay vẫn thấp hơn so với so với vụ đông xuân trước từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, tùy loại giống. Cụ thể, giống lúa IR50404, OM5451 và OM380 được nông dân bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái và các doanh nghiệp ở mức từ 5.200 - 5.600 đồng/kg. Còn các giống lúa hạt dài, cho gạo chất lượng cao như: OM18, OM4900, Ðài Thơm 8 và Jasmine 85 có giá từ 5.700 - 6.000 đồng/kg (lúa tươi cắt máy). Riêng lúa RVT, ST24, ST25 ở mức 6.800 - 7.000 đồng/kg. Chi phí tăng cao nhưng giá bán thấp, đã kéo lợi nhuận của nhà nông sụt giảm rất nhiều.

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.


Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất