, //, :: GTM+7

Lúa mùa nổi và Nàng Nhen ở Tri Tôn thức giấc

ĐẶNG TUẤN
Cũng như nhiều vùng đất khác ở khu vực ĐBSCL, huyện Tri Tôn tỉnh An Giang có rất nhiều giống lúa bản địa nổi tiếng thơm ngon. Trong số đó, phải kể đến lúa mùa nổi và lúa Nàng Nhen. Hai giống lúa này có một thời gian dài bị mai một và hiện nay, đang được tỉnh An Giang phục tráng và phát triển.
Anh Tôn Long Ràng giới thiệu cây lúa mùa nổi.

Lúa mùa nổi, nổi theo mùa

Lúa mùa nổi hay còn gọi là lúa chạy nước vốn có nguồn gốc xuất xứ từ Campuchia. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, giống lúa này được người dân địa phương đưa về vùng châu thổ ĐBSCL để trồng tại các vùng đất ngập nước, vì đặc trưng của giống lúa này là có thể vượt lũ, nước lên đến đâu lúa mọc cao lên đến đấy. 

Ông Bùi Bích Tiên (xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết ông đã trồng và khai thác lúa nổi hơn 20 năm nay. Sau khi mời chúng tôi ăn thử cơm từ lúa mùa nổi với muối vừng, ông dẫn chúng tôi ra bờ ruộng nằm ngay phía sau lưng ngôi chòi nhỏ của gia đình để “nhìn tận mắt” cây lúa mùa nổi đang gần đến kỳ thu hoạch. Giữa đồng nước, cây lúa bập bềnh vươn lên theo từng con sóng. Ông Tiên cho biết nông dân trồng giống lúa này theo phương pháp truyền thống, không phân bón, không phun thuốc trừ sâu, gieo sạ vào tháng 5 âm lịch... Cây lúa cứ sinh trưởng một cách tự nhiên, người dân không cần phải bỏ nhiều công chăm sóc như những cây lúa khác.

Anh Tôn Long Ràng - cán bộ phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, người dẫn chúng tôi ra thăm đồng, cho biết lúa mùa nổi là giống lúa quý với khả năng sinh trưởng và thích nghi rất tốt. Tùy theo con nước mà cây lúa có chiều dài từ 1 cho đến 5m, đây là giống lúa duy nhất có thể trồng ở vùng đất ngập nước, thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu. Theo anh Ràng, do năng suất thấp, thời gian canh tác dài đến 6 tháng (gấp nhiều lần so với các giống lúa mới) nên lúa mùa nổi dần dần bị lãng quên. 

An Giang vốn là vùng đất chiếm 50% sản lượng lúa mùa nổi của ĐBSCL, tập trung chủ yếu ở Tri Tôn. Trước nguy cơ “biến mất” của loại lúa này, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đưa ra nhiều kế hoạch để bảo tồn và phát triển lúa mùa nổi. Phối hợp với Dự án Quản lý nước và thích ứng biến đổi khí hậu (CCCEP), tỉnh An Giang triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển hệ thống canh tác lúa mùa nổi theo hướng mở rộng diện tích trồng đến năm 2030 là 300 hecta. Đến nay, Tri Tôn đã phát triển được 72 hecta lúa mùa nổi tại hai xã Vĩnh Phước và Lương An Trà và theo kế hoạch, đến năm 2025 sẽ đạt 200 hecta. 

Theo ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, việc khôi phục và phát triển diện tích trồng lúa mùa nổi đang là ưu tiên số một của ngành nông nghiệp huyện nhằm phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ vùng sinh thái ngập nước tại địa phương.

 
Ông Bùi Bích Tiên bên ruộng lúa mùa nổi.
 

Khi Nàng Nhen thức giấc

Lúa Nàng Nhen là loại lúa đặc sản được đồng bào Khmer trồng phổ biến ở khu vực Bảy Núi thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của An Giang. Ít ai biết rằng loại lúa này có thời gian bị mai một và chỉ mới được trồng trở lại trong thời gian gần đây sau khi trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu, phục tráng và chuyển giao trở lại cho tỉnh An Giang.

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả công trình “Phục tráng và xây dựng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ giống lúa đặc sản Nàng Nhen thơm vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang”, vùng Bảy Núi có rất nhiều giống lúa bản địa ngon cơm đã được lưu giữ và truyền thừa nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến lúa Nàng Nhen - giống lúa mùa thơm cổ truyền gắn liền với đồng bào Khmer hàng trăm năm nay. 

Cũng theo nhóm nghiên cứu, việc phục tráng giống lúa này được tiến hành cẩn trọng nhằm đảm bảo 2 mục tiêu là duy trì các đặc tính tốt về chất lượng cũng như tăng năng suất của lúa. Qua nghiên cứu, thử nghiệm, nhóm nghiên cứu của Đại học Cần Thơ đã lựa chọn 3 dòng ưu tú có thời gian sinh trưởng ngắn, phẩm chất tốt, hàm lượng amylose thấp, có tiềm năng năng suất cao để phục tráng.

Bên cạnh các kỹ thuật canh tác truyền thống, việc nghiên cứu thời vụ gieo cấy và ứng dụng kỹ thuật canh tác có bổ sung phân hữu cơ vi sinh cũng đã giúp gia tăng năng suất lúa Nàng Nhen, đạt 5,51 tấn/ha so với 4,59 tấn/ha nếu chỉ canh tác theo kiểu truyền thống. Việc chăm sóc, thu hoạch và bảo quản đúng quy trình không những giúp giữ năng suất ổn định mà còn có thể duy trì mùi thơm đặc trưng của hạt gạo Nàng Nhen được lâu dài.

Nói về việc bảo tồn các giống lúa bản địa, ông Nguyễn Văn Văn cho biết đây là hoạt động gắn với phát triển du lịch sinh thái mà huyện Tri Tôn và tỉnh An Giang nói chung đang tập trung các nguồn lực để thực hiện nhằm phát triển nông nghiệp sạch tại địa phương. Ngoài ra, cũng theo ông Văn, khu vực Bảy Núi với các cánh đồng nổi tiếng như Tà Pạ (thuộc địa phận xã núi Tô) từ lâu đã nổi tiếng về du lịch. Các hoạt động văn hóa, du lịch được tổ chức gắn liền với địa danh Phụng Hoàng Sơn (núi Tô) sẽ góp phần giúp phát triển thương hiệu đặc sản của Tri Tôn và ngược lại, khi có đặc sản nổi tiếng, việc quảng bá du lịch trong vùng sẽ dễ thu hút hơn. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất