, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 15/11/2020, 06:48

Luật "nằm chờ" hướng dẫn?

ANH PHƯƠNG

Tình trạng chậm trễ hướng dẫn đã làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan.

Hình minh họa

Khoảng trống pháp lý kéo dài hàng năm

Theo Báo cáo số 3887/BC-TTKQH ngày 15/09/2020, tính từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã ban hành 55 luật; trong đó 53 luật đã có hiệu lực thi hành, 2 luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021.

Với khối lượng văn bản luật lớn như vậy thì việc ban hành văn bản quy định chi tiết đúng thời hạn là nhiệm vụ đầy thách thức, song Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đã có một sự cải thiện đáng kể trong công tác này. Đơn cử, qua giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết 24 luật do Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra được Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, chỉ có 70/200 nội dung (chiếm 35%) được quy định chi tiết đúng thời hạn, trong khi với 3 luật được Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có tới 17/22 nội dung (chiếm 77,27%) được quy định chi tiết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với luật. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều nội dung quy định chi tiết chưa ban hành hoặc ban hành chậm. Ví dụ rất điển hình là Luật Thi hành án hình sự, đến nay vẫn còn tới 21 điều, khoản chưa có văn bản quy định chi tiết và văn bản quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan.

Tính đến tháng 08/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành đã ban hành được 485/572 văn bản quy định chi tiết (chiếm 85%) nội dung được giao trong các luật; còn lại 87/572 (chiếm 15%) nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành.

Phân tích kỹ hơn nữa thì thấy trong số 485 nội dung đã được quy định chi tiết, có 301/485 (chiếm 62%) nội dung có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, 184/485 (chiếm 38%) nội dung có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của luật. Trong số 184 nội dung được quy định chi tiết trong các văn bản có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của luật, có 138/184 (chiếm 75%) văn bản chậm dưới 6 tháng, 21/184 (chiếm 11%) văn bản chậm từ 6 tháng đến 1 năm và có 25/184 (chiếm 14%) văn bản chậm từ 1 năm đến 2 năm.

Đặc biệt, có một số nội dung sau gần 3 năm luật có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo còn 1 nội dung chưa ban hành; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn 3 nội dung chưa được ban hành.

Thậm chí, có một số luật có từ 80% đến 100% nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành. Đó là Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 có 59/59 nội dung hướng dẫn chưa ban hành; Luật Thi hành án hình sự còn 21 điều, khoản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 có 12/14 nội dung chưa được ban hành; Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 có 8/9 nội dung chưa ban hành; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước có 2/2 nội dung chưa ban hành; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 có 1/1 nội dung chưa được ban hành.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Tình trạng chậm trễ này đã làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan. Hơn nữa, điều này còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tác động tiêu cực đến môi trường sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân.

Thế nhưng chậm mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Phần chìm - to lớn hơn nhiều và không dễ gì nhìn thấy, là việc đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chủ yếu vẫn chạy theo tiến độ, tính dự báo, chuẩn bị cho năm tiếp theo còn thấp. Khi trình đề nghị Chương trình xây dựng pháp luật (XDLPL) năm 2019, có 3 dự án được đề nghị cho ý kiến vào cuối năm. Khi lập đề nghị Chương trình XDLPL năm 2020, Chương trình XDLPL năm 2019 lại rút 1 dự án, bổ sung 6 dự án và chỉ đề nghị 1 dự án cho ý kiến cuối năm 2020 để gối sang năm 2021. Sang đến năm 2020, khi lập đề nghị Chương trình XDLPL năm 2021, Chương trình XDLPL năm 2020 lại được đề nghị rút 1 dự án, bổ sung tới… 6 dự án khác, trong đó có 1 dự án gối sang năm 2021 và điều chỉnh phạm vi 1 dự án.

Theo TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, một lý do quan trọng khiến việc lập chương trình XDLPL thiếu tầm nhìn, thường bị điều chỉnh trong quá trình thực hiện là do các cơ quan quản lý nhà nước đều có nhu cầu ban hành văn bản pháp luật, pháp lệnh trong lĩnh vực mà bộ ngành mình quản lý, trong khi việc thẩm tra chương trình lại thường thiếu những căn cứ thực tiễn để xác định tính cần thiết, thứ tự ưu tiên của việc đưa một dự án vào Chương trình, cũng như quá trình chuẩn bị, khả năng nghiên cứu, soạn thảo dự án đó. Nhiều dự án được đưa vào Chương trình mới chỉ dừng lại ở tên gọi, chưa xác định rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh cũng như những nội dung cơ bản của dự án. Và thế là, để cố gắng làm đúng chương trình, nhiều đạo luật đã bị “chín ép”, khiến cho các cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn cũng lúng túng, không biết phải làm sao.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý kỳ cựu cũng nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm trong việc phân công, giám sát, đốc thúc của người đứng đầu, bởi các cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thường cũng chính là các cơ quan đệ trình dự thảo luật ban đầu (kèm theo dự thảo văn bản hướng dẫn, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) để Quốc hội xem xét, hoàn thiện và thông qua. Mà chế tài xử lý sự chậm trễ này, cho đến nay, vẫn chưa đủ rõ, đủ mạnh.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất