, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 25/09/2021, 12:05

Lục Yên - dán đá quý thành… tranh

NGUYỄN NHẬT THANH

Lục Yên là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên quý hiếm: các loại đá quý, đặc biệt là đá ruby. Không chỉ khai thác và chế tác đá thành nhiều sản phẩm giá trị như tượng, đồ phong thủy, đồ trang sức, người dân Lục Yên còn tận dụng đá quý vụn sau khai thác để làm ra một sản phẩm độc đáo khác: tranh đá quý. 

Công nhân xưởng tranh của gia đình anh Khang

Sản phẩm từ sự tận dụng

Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, trong khi các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở huyện Lục Yên (Yên Bái) hầu hết phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng thì cơ sở tranh đá quý của anh An Văn Khang ở thị trấn Yên Thế vẫn hoạt động bình thường với lượng đơn đặt hàng qua mạng nhiều hơn trước. Lục Yên hiện có gần 50 cơ sở sản xuất tranh đá quý, tập trung chủ yếu ở thị trấn Yên Thế; trong đó có thể nói chính cơ sở tranh đá quý của gia đình anh Khang là nơi khởi đầu. Hiện tại, các cơ sở sản xuất tranh đá quý của Lục Yên tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động, với mức lương từ 7 - 15 triệu đồng/người.

Đá vụng được nghiền nát làm nguyên liệu làm tranh

Đá Lục Yên được dân trong nghề đánh giá là loại đá đẹp với màu sắc phong phú. Tận dụng mảnh vụn dôi ra từ mỗi vụ khai thác hoặc chế tác đá, những nghệ nhân tài hoa của Lục Yên đã tạo ra các bức tranh đá quý tinh tế và sinh động, được đông đảo người chơi tranh trong và ngoài nước đón nhận. 

Theo anh Khang, quy trình tạo một bức tranh đá quý gồm nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và con mắt nghệ thuật riêng biệt. Đầu tiên, những người thợ phải rửa từng viên đá, mảnh đá cho thật sạch đất cát, tạp chất bám bên ngoài trước khi cho đá vào cối giã. Đá phải giã nhỏ đến một mức độ nhất định. Đây là khâu quan trọng, bởi việc lựa được những viên đá đồng nhất về kích thước, màu sắc, độ tương phản sẽ góp phần làm nên bức tranh có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của khách đặt. Những viên đá được chọn sẽ được ngâm trong chất tẩy rửa để màu sáng hơn. Cuối cùng là công đoạn chế tác tranh, phần việc đòi hỏi tay nghề cao, và mắt mỹ thuật của người thợ. Sau khi chép mẫu tranh lên một tấm mica, người thợ sẽ rải một lớp đá để lót nền, sau đó tỉ mỉ rắc đá với độ màu chuẩn để tạo hình, rồi nhỏ keo cho chúng kết dính với nhau. 

Trang phong cảnh được rất nhiều du khách yêu thích.

Cũng giống như họa sĩ, người làm tranh đá quý phải biết pha màu cho tranh. Từ “bột màu” là bột đá và những hạt đá to nhỏ nhiều kích cỡ, họ đã sáng tạo để có được gần 300 màu sắc khác nhau. Trong quá trình tạo hình cho tranh, kỹ thuật rắc bột đá cũng là một công đoạn khó vì nó quyết định chiều sâu hình ảnh, độ sắc nét của tranh. Với tranh đá quý, một yếu tố quan trọng nữa là nguyên liệu đá phải là đá thật, màu thật. Nếu sử dụng đá nhuộm màu, bức tranh không thể đẹp vì màu sắc không tự nhiên và không bóng bền với thời gian. 

Vang danh nhờ tranh đá quý

Nằm ngay bờ hồ Yên Thế, xưởng sản xuất tranh đá quý Hồng Ngọc ngày nào cũng tấp nập khách đến tham quan, tìm hiểu quy trình làm tranh và mua sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ cơ sở Hồng Ngọc cho biết, một bức tranh đá quý khổ nhỏ hoặc trung bình phải mất cả ngày để hoàn thành. Còn với những bức tranh cỡ lớn, nhiều họa tiết thì phải mất cả tuần hoặc lâu hơn. Một bức tranh chế tác thành công là sự kết hợp hài hòa giữa ý tưởng phối cảnh của họa sĩ và con mắt, đôi bàn tay khéo léo của thợ ghép đá. 

Bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giasp.

Ngoài một số mẫu tranh dân gian đơn thuần như tranh Đông Hồ hay chữ thư pháp, các cơ sở làm tranh đá ở Lục Yên còn liên tục tìm tòi, sáng tạo ra nhiều mẫu tranh mới. Trong đó, có nhiều bức tranh khổ lớn phỏng theo các tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng thế giới hoặc theo những đơn đặt hàng riêng biệt của khách. Nhờ nguyên liệu độc đáo, cách làm sáng tạo, tỉ mỉ và tay nghề mỹ thuật cao mà những năm gần đây, tranh đá quý Lục Yên có mặt ngày càng nhiều trong các gia đình, khách sạn hoặc văn phòng tại Hà Nội và các thành phố lớn trong cả nước. Tranh đá quý Lục Yên còn theo chân khách du lịch và các doanh nhân đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Nhờ đó, doanh thu mỗi năm từ nghề làm tranh đá tại Lục Yên lên tới gần 50 tỷ đồng. 

Cũng nhờ tiếng tăm của tranh đá quý, thị trấn Yên Thế được rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Nơi đây đón tiếp trên 10.000 người mỗi năm đến tham quan thị trấn và các cơ sở làm tranh đá quý. Chỉ bằng những nguyên liệu tưởng chừng đơn giản là bột đá, đá hạt tự nhiên và keo dính, những nghệ nhân làm tranh đá quý của Lục Yên đã khiến du khách từ ngạc nhiên, thích thú đến thán phục khi chứng kiến cách chế tác những bức tranh của mình.

Tận dụng tài nguyên quý giá từ thiên nhiên tại địa phương, với sự tài hoa và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, người dân Lục Yên đã khiến cả nước và khách nước ngoài biết đến quê hương mình thông qua sản phẩm độc đáo của địa phương.

Cuối năm 2019, nghề làm tranh đá quý Lục Yên đã được tỉnh Yên Bái công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là cơ hội để Lục Yên phát huy giá trị của nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, văn hóa, làng nghề tranh đá quý còn góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước . Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm



So với thời điểm cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm gần 75 USD/tấn (tương đương gần 1,9 triệu đồng/tấn), gạo 25% tấm giảm tới 84 USD/tấn.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất