, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 28/10/2021, 14:19

Lưu giữ mạch nguồn âm nhạc truyền thống

HOÀNG SA
(baolamdong.vn)
Cồng chiêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mạ, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên. Với quyết tâm không để cồng chiêng bị mai một, những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân địa phương, văn hóa cồng chiêng ở Đồng Nai Thượng đã và đang được bảo tồn hiệu quả.
Trình diễn cồng chiêng - múa xoang từ các nghệ nhân đến từ các CLB ở Đồng Nai Thượng

Buôn làng rộn rã tiếng cồng chiêng

Từ trung tâm thị trấn Cát Tiên, chúng tôi vượt hơn 30 km để đến Đồng Nai Thượng, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cát Tiên có địa hình phức tạp, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, trong khắp các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, từ xưa đến nay, tiếng chiêng vẫn đều đặn ngân vang. Với đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, tiếng cồng chiêng như là cội nguồn của bản sắc văn hóa mà ông bà xa xưa truyền lại để bảo tồn, phát huy và tiếp tục trao truyền cho thế hệ trẻ.

Thôn Bù Sa - một địa chỉ đỏ tại xã Đồng Nai Thượng trong công cuộc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Trong thôn, từ già đến trẻ, từ đàn ông đến phụ nữ, ai cũng quý và biết đánh cồng chiêng. Hiện, thôn đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng - Múa xoang với 20 thành viên, đại diện cho ba thế hệ là người lớn, phụ nữ và lớp trẻ. Sự trao truyền nét văn hóa cồng chiêng giữa các thế hệ nơi đây đã khiến cho âm thanh của cồng chiêng mãi vang vọng nơi mảnh đất cực nam của tỉnh Lâm Đồng.

Ông Điểu K’Lót - Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi, Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng - Múa xoang thôn Bù Sa chia sẻ: Hiện nay, nguy cơ “chảy máu cồng chiêng” trong các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đang dần hiện hữu. Đối với một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Đồng Nai Thượng, việc bảo tồn nét tinh hoa văn hóa cồng chiêng trong buôn làng nhất định phải được gìn giữ và lưu truyền. 

Do đó, sau một thời gian dài chuẩn bị, tháng 5/2021, CLB Cồng chiêng - Múa xoang thôn Bù Sa chính thức được UBND xã ký quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động. CLB do Chi hội Người cao tuổi thôn chủ trì, tập hợp những người có cùng đam mê, yêu thích văn hóa cồng chiêng, múa xoang của dân tộc Mạ, được tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển văn hóa cồng chiêng ở địa phương, tham gia vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, CLB còn có chức năng tuyên truyền, vận động, tổ chức, hướng dẫn những người có cùng đam mê, yêu thích văn hóa cồng chiêng, múa xoang của dân tộc Mạ tham gia tập luyện, biểu diễn, truyền dạy cho lớp trẻ… nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mạ, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa - văn nghệ tại địa phương; đồng thời, tham gia biểu diễn tại các sự kiện chính trị, văn hóa của thôn, xã. 

Từ những buổi đầu ngại ngùng khi lần đầu được tận tay gõ từng nhịp chiêng thay vì múa xoang như truyền thống, đến nay từng thành viên trong CLB đã ngày càng thuần thục, kết hợp ăn ý. Nếu như đàn ông lực lưỡng, oai dũng trong mỗi nhịp gõ vào mặt chiêng, các chị em lại duyên dáng, khéo léo qua từng điệu múa. “Ban đầu bỡ ngỡ lắm vì trước giờ mình chỉ múa theo nhịp chiêng chứ chưa đánh thử bao giờ. Ai cũng thấy khó nhưng tất cả đều vui lắm nên cố gắng luyện tập. Truyền thống của dân tộc mình mà, mình phải học chứ”, chị Điểu Thị Rom chia sẻ.

Bà Phạm Thị Nương, cán bộ văn hóa xã Đồng Nai Thượng cho biết: Những năm qua, cùng với sự tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, bà con đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng. Bằng chứng là tại tất cả các thôn trên địa bàn xã đều có các CLB Cồng chiêng - Múa xoang được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, lực lượng tham gia biểu diễn cồng chiêng ngày càng được trẻ hóa, nhất là các nhóm đối tượng thanh, thiếu niên, thiếu nhi được quan tâm truyền dạy cồng chiêng thường xuyên, tạo được phong trào thi đua sôi nổi. Nhờ đó, văn hóa cồng chiêng được gìn giữ một cách vững bền.

Hiện, xã Đồng Nai Thượng có 5 thôn, với 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tại tất cả các thôn đều có các CLB Cồng chiêng - Múa xoang đang hoạt động bao gồm các thôn: Đạ Cọ, Bù Sa, Bi Nao, Bê Đê, Bù Gia Rá với tổng cộng 94 thành viên đăng ký tham gia sinh hoạt.

Quyết tâm của những người trẻ

Với quyết tâm không để cồng chiêng bị mai một, Đoàn xã Đồng Nai Thượng cũng đã thành lập nên CLB Cồng chiêng trẻ Đồng Nai Thượng với 12 thành viên; trong đó, có 6 nam và 6 nữ đều là đoàn viên, thanh niên sinh sống trên địa bàn xã.

Anh Điểu K’Viên, Bí thư Đoàn xã Đồng Nai Thượng chia sẻ: Cuộc sống hiện đại với sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình giải trí dành cho giới trẻ, song với sự nỗ lực của tổ chức Đoàn cũng như tình yêu đối với bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, cồng chiêng vẫn luôn giữ được vị trí quan trọng và được nhiều bạn trẻ ở xã Đồng Nai Thượng yêu thích và gìn giữ theo cách riêng của mình. 

Mặc dù, CLB chỉ mới được thành lập không lâu, nhưng đa phần các thành viên đều được tiếp cận với cồng chiêng từ nhỏ và được truyền dạy từ các nghệ nhân về những kỹ năng cơ bản của kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng của các bạn trẻ xã Đồng Nai Thượng rất nhuần nhuyễn, có thể diễn tấu được nhiều bài chiêng truyền thống, đặc biệt khả năng phối hợp với nhau rất nhịp nhàng giữa tấu chiêng và múa xoang, chuyển tải ước mong cho mùa màng được tốt tươi, cho thôn, bản thêm yên vui, no ấm và hạnh phúc. 

Nhờ đó, CLB liên tục được mời biểu diễn tại các sự kiện của địa phương, để lại ấn tượng đẹp cho người xem. Từ việc huy động đoàn viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số cùng chung sức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua nhạc cụ truyền thống đã góp phần tăng tính bền vững trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc và lưu giữ mạch nguồn âm nhạc truyền thống.

Đồng thời, CLB còn tạo điều kiện cho những bạn trẻ yêu thích văn hóa, văn nghệ được giao lưu, học hỏi rèn luyện, nâng cao kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên, qua đó lan tỏa những nét đẹp và giá trị văn hóa lâu đời của người Mạ. Nhờ đó, văn hóa cồng chiêng trong nhịp sống hiện đại không những không bị mai một, mà như mạch nước ngầm chảy xuyên suốt trong đời sống tinh thần, lưu truyền đến nhiều người trẻ xã Đồng Nai Thượng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất