, //, :: GTM+7

Mắc ca - 30 năm để vượt nỗi hoài nghi

SONG THÙY

GS Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nhận định: “Mắc ca đã qua giai đoạn khảo nghiệm và giờ đang bước vào giai đoạn phát triển. Là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cây mắc ca đang ngày càng khẳng định được giá trị tại nhiều địa phương”.

 

Thêm một vụ bội thu

Năm 2013, ông Ngô Quang Phương (thôn 9, xã Cư Bao, huyện Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) mua 300 cây mắc ca giống từ Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc ca để về trồng. Nhờ có giống tốt, 3 năm sau, vườn mắc ca của ông đã cho quả bói. Từ những năm sau, sản lượng quả thu được ngày càng lớn. Đến năm thứ 6 đã cho thu 1,8 tấn quả. Năm nay, ở tuổi lên 7, vườn mắc ca của ông Phương cho thu hoạch khoảng 3 tấn quả. Giống như ông Ngô Quang Phương, nhiều hộ dân trồng mắc ca tại Đắk Lắk cũng hết sức phấn khởi khi vụ mắc ca năm nay cho năng suất cao.

Anh Vũ Tuấn Sơn (xã ĐlieYa, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) trồng mắc ca từ năm 2014, năm nay, vườn mắc ca 500 cây của anh cho thu hoạch hơn 3,5 tấn quả. Với giá bán 70.000 đồng/kg, tổng doanh thu từ mắc ca của anh Vũ Tuấn Sơn ước tính khoảng 250 triệu đồng.

Là một trong những người đầu tiên trồng mắc ca ở Tây nguyên, ông Nguyễn Văn Cúc (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) hiện đang sở hữu hơn 1.200 cây mắc ca trồng xen canh trong vườn cà phê, sầu riêng, bơ... Tính cả những cây cho quả bói, năm nay ông có khoảng 1.000 cây mắc ca cho thu hoạch với tổng sản lượng đạt 7,5 tấn quả. Từ năm 2017, con gái ông Nguyễn Văn Cúc đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến hạt mắc ca với thương hiệu Nguyên Phương. Từ đó, khép kín quy trình thu hoạch, tách vỏ, sấy khô và đóng gói.

Với bà con trồng mắc ca tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, năm nay cũng được xem là một vụ mùa khấm khá. Ông Phạm Văn Sơn (thôn Phúc Hưng, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) trồng mắc ca từ năm 2011. Năm nay vườn cây gồm 520 cây mắc ca của ông cho thu hơn 7 tấn quả. “So với trồng cà phê, trồng mắc ca mang lại thu nhập cao hơn hẳn, trong khi đó, chi phí đầu tư chăm sóc lại rất thấp” – ông Phạm Văn Sơn chia sẻ.

Trên diện tích 10ha hiện có, gia đình ông Nguyễn Văn Quyết (thôn 3, xã Kon Đào, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) trồng hơn 3ha với số lượng 1.000 cây. Sau 2 năm xuống giống, cây đã ra bói, đến năm thứ 3 số cây ra quả đạt từ 30 – 40%. Đến năm thứ 5 thì 100% số cây trong vườn đều cho quả, năng suất đạt 1,5 tấn quả/ha. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có khoảng 400ha mắc ca, canh tác theo phương thức trồng thuần và trồng xen. Những vườn mắc ca tại các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi và Kon Rẫy phát triển rất tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao.

Còn tại tỉnh Điện Biên - một trong những địa phương ở phía Bắc có điều kiện phù hợp để phát triển cây mắc ca, tổng diện tích loại cây này hiện đã lên đến khoảng 3.300ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ẳng, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Đến nay tuy mới có khoảng 8ha cây mắc ca cho thu hoạch nhưng tổng sản lượng từ năm 2015 đến nay cũng đã đạt gần 34 tấn quả tươi.

Tiếp tục mở rộng vùng trồng

Theo thống kê của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, năm 2020, ước tính sản lượng thu hoạch mắc ca của cả nước đạt khoảng 5.300 tấn quả tươi, trong đó tỉnh Đắk Lắk khoảng 2.030 tấn, tỉnh Lâm Đồng khoảng 1.850 tấn, tỉnh Đắk Nông khoảng 780 tấn, tỉnh Sơn La khoảng 220 tấn, tỉnh Lai Châu 164 tấn và các tỉnh còn lại khoảng 260 tấn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá bán hạt mắc ca tuy có giảm so với các năm trước, song vẫn khá cao, khoảng 70.000 đồng/kg. Ông Huỳnh Ngọc Huy – Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca cho biết: “Từ năm thứ 5 khi cây đã cho sản lượng thu hoạch ổn định thì có thể đem lại doanh thu cho người trồng trung bình từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm đối với hình thức trồng thuần. Trong khi đó chi phí chăm sóc hàng năm của loại cây này chỉ chiếm khoảng 25% doanh thu”.

Du nhập vào Việt Nam từ những năm 1990, đến nay tổng diện tích trồng mắc ca của cả nước đã vượt 16.400ha và tập trung chủ yếu tại các vùng Tây nguyên và Tây Bắc. Nhìn lại hành trình 30 năm qua của cây mắc ca, GS Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nhận định: “Mắc ca đã qua giai đoạn khảo nghiệm và giờ đang bước vào giai đoạn phát triển. Là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cây mắc ca đang ngày càng khẳng định được giá trị tại nhiều địa phương”. Thực tế, có rất nhiều mô hình hay đã được áp dụng và cho kết quả ngoài mong đợi. Bên cạnh việc trồng thuần nhiều người còn chọn cách trồng xen cây mắc ca với cà phê, cây ăn quả, cây chè và một số cây trồng ngắn ngày khác, giúp tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác.

Từ những hiệu quả mắt thấy tai nghe, không ít địa phương đang mạnh dạn tiếp tục mở rộng diện tích trồng mắc ca. Ông Hà Quang Huy – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu cho biết tỉnh này đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển khoảng 8.000ha mắc ca gắn với phát huy lợi thế của vùng. Để đạt con số này, địa phương đang tập trung vận động người dân tận dụng diện tích trồng chè hiện có để trồng xen với cây mắc ca. Tỉnh Điện Biên cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 dự án trồng cây mắc ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh với tổng quy mô trồng tập trung 17.214ha, tổng mức đầu tư 4.729,95 tỷ đồng. Tại các tỉnh có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp để trồng cây mắc ca như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Ngãi… diện tích cây mắc ca cũng không ngừng tăng lên qua các năm.

Thực tế đã chứng minh mắc ca là loại cây trồng tiềm năng của Việt Nam. Trải qua những khó khăn ban đầu, mắc ca đang từng bước trở thành một trong những cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương, không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Chính kết quả đó đã củng cố niềm tin cho bà con nông dân cũng như các cơ quan ban ngành vào loại cây từng mang lại nhiều hoài nghi này.

Ông Huỳnh Ngọc Huy – Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho rằng để tận dụng những lợi ích từ cây mắc ca, việc cần làm của các địa phương đó là đưa ra quy hoạch cụ thể, lựa chọn bộ giống thích hợp, xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ nỗ lực phối hợp với địa phương trong công tác hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân, tạo đầu ra cho sản phẩm cũng như phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng LienVietPostbank để hỗ trợ người dân vay vốn, nhân rộng mô hình.

ĐẾN NAY, CẢ NƯỚC CÓ 23 TỈNH ĐÃ TRỒNG MẮC CA VỚI TỔNG DIỆN TÍCH KHOẢNG 16.400HA

- 65ha thuộc các đề tài nghiên cứu

- 480ha thuộc dự án khuyến lâm

- 7.500ha của doanh nghiệp

- 8.255ha của dân tự trồng

5 TỈNH TÂY NGUYÊN TRỒNG ĐƯỢC KHOẢNG 8.800HA, CHIẾM 54%

- Lâm Đồng 4.310ha

- Đắk Nông 2.100ha

- Đắk Lắk 1.335ha

- Gia Lai 619ha

- Kon Tum 424ha

4 TỈNH TÂY BẮC TRỒNG ĐƯỢC KHOẢNG 6.700HA CHIẾM 41%

- Điện Biên 3.310ha,

- Lai Châu 2.796,9ha,

- Sơn La 364,4ha,

- Hòa Bình 280ha.

14 TỈNH KHÁC TRỒNG ĐƯỢC KHOẢNG 900HA, CHIẾM 5%

Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị…

 

SONG THÙY

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất