, //, :: GTM+7

Madagui những mùa xuân trong vắt

NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ
(nongnghiep.vn)

Madagui những năm tháng đó mùa xuân buồn lắm, từ nhà ra chợ là con đường nhỏ, gập gềnh lên xuống, sỏi đá và đất bazan trộn lẫn.

Hồ ở Madagui.
Hồ ở Madagui.

Lửa củi điều hắt lên làn khói đắng ngắt, nồi bánh tét gia đình tôi và gia đình dì Hòa gói chung chưa được 20 đòn, chừng hơn 10 đòn có nhân đậu và thịt còn lại là nếp không.

Madagui lạnh, mưa không dứt kèm thêm gió thốc, ngôi nhà gỗ có chái đẩy lùi ra phía hông phải làm bếp thoảng bị đẩy nghiêng, bếp mấy lần tưởng tắt, mẹ che miếng thiếc khum khum chắn gió, khói lùa ngược vào nhà, cay xè mắt. Chừng 10h đêm thì mưa ngớt dần, mẹ vớt bánh, chia phần hai nhà, chuẩn bị mâm cúng tổ tiên, có đủ khoanh giò, con gà trống, bánh chưng xanh. Mẹ thắp hương lầm rầm khấn vái. Mấy đứa con đứng sau lưng mẹ vái vái lậy lậy rồi tuần tự ngồi trên cái ghế dài duy nhất trong nhà chờ mẹ mừng tuổi và ăn cỗ giao thừa.

Tràng pháo đỏ được treo bên hiên nhà, nghe tiếng chuông chùa Khánh Hỷ điểm tiếng đầu tiên trong chuỗi 12 tiếng báo, mẹ đốt pháo. Pháo nhà tôi nổ giòn, pháo hàng xóm nổ giòn, hành trăm hàng ngàn tiếng pháo quyện vào nhau nổ vang trời.

Luôn luôn là lễ nghi thiêng liêng vào giây phút ấy, mẹ hôn trán từng đứa, chúc từng đứa rồi mừng tuổi cho mỗi đứa một bộ quần áo tết và phong lì đỏ rồi kêu chị lớn (là tôi) nhắc lại nếp nhà mẹ đã dạy cho hai em cùng nghe, sau đó là từng đứa nói lên ước nguyện đầu năm… Năm đó, là tết đầu tiên gia đình tôi chuyển từ Bắc Giang vào Madagui (Đạ Huoai, Lâm Đồng) năm 1994, tết cuối cùng được đốt pháo.

Madagui chỉ là nơi mẹ tôi tìm chỗ tá túc để tiếp tục cho các con ăn học sau những giông tố điên cuồng trong cuộc đời của một người đàn bà đẹp. Đó là lần chuyển nhà thứ ba. Mẹ tôi là con gái Bắc Giang lấy chồng Ninh Bình, vào Cà Mau lập nghiệp, cha tôi say mê bến bờ mới, tuyệt vọng trong tình nghĩa vợ chồng không giữ được cha, mẹ tôi dắt díu ba con về quê ngoại. Không ruộng đất mẹ chạy chợ nuôi con, bí đường quá nên vào vùng kinh tế mới. Gọi là vào vùng kinh tế mới nhưng gia đình chúng tôi không thuộc diện được hưởng chính sách. Dồn tiền mua được mảnh đất dưới chân núi ở thôn 2, hạ cây làm cột, vách là những tấm gỗ tạp mà dân đi bao bì (tiếng lóng địa phương, đồng nghĩa với lâm tặc) bỏ lại bìa rừng.

Hình như cả xóm ấy khổ, không riêng gì nhà tôi, chỉ là chúng tôi di chuyển từ nơi khổ này nơi nơi khổ khác trong lạ lẫm nên khó khăn nhiều hơn thôi. Nhà ai cũng trồng điều, rừng bát ngát, nhưng không ai sống được bằng thu hoạch điều, vừa mất mùa vì sương muối vừa rẻ mạt nên hầu hết dân trong xóm sống nhờ vào rừng. Người đốt than, kẻ đi bao bì, người khác lại tuốt mây, chặt lồ ô giấy, chẻ tăm, đan sọt, siêng hơn thì chặt rừng chọc lúa, tỉa bắp. Rừng cưu mang con người chân thành và bao dung. Chỉ có con người tàn phá rừng, trơ những mảng trống nhức nhối ngày càng loang rộng, trong đó có gia đình tôi.

Madagui những năm tháng đó mùa xuân buồn lắm, từ nhà ra chợ là con đường nhỏ, gập gềnh lên xuống, sỏi đá và đất bazan trộn lẫn, xóm tôi thưa, hiu hắt vài ngôi nhà, đi chừng nửa cây số thì ra đường quốc lộ. Nhà cửa ngoài quốc lộ đông hơn nhưng không hiểu sao, tôi vẫn cảm thấy một màu ảm đạm trùm lên thị trấn. Nhịp sống chầm chậm, không phải là cái chầm chậm được cảm nhận trong bình yên mà là sự cam chịu, muộn phiền, nó dâng đầy trong ánh mắt, nó khắc lên nét mặt, nó ánh lên nước da đen tái.

Chợ tết không đông, cũng không vắng, kiểu đông hơn ngày thường một chút, hàng hóa cũng vậy, chỉ có cảm giác người ta đem hết hàng trong kho xếp chồng lên nhau những món hàng thường ngày vẫn bán cho thật nhiều hơn. Người mua đa phần khép nép, cân nhắc cho một cái tết không nằm trong mong đợi của những người đang chạy ăn từng bữa. Những người tộc ngồi chợ bán gà, chim, những con thú săn được và trái cây, rau rừng. Họ bày các thức ra một tấm bạt, rồi ngồi im đó, không chào mời, buổi sáng đi ngang qua đó thấy họ đã chạnh lòng, buổi trưa chợ về nhìn số hàng hóa vơi đi không đáng kể, tôi cứ lo họ không bán hết, lấy gì bán tết.

Tôi lẽo đẽo đi theo mẹ, kín đáo nhìn những gian bán quần áo, cố giấu đi sự thèm thuồng của mình. Mẹ mua dè dặt, chủ yếu mấy thức giống ngoài quê như bánh đa nem, chục trứng già, đòn giò lợn, đậu, nếp, thịt, ít con cá nục, lá dong, bó nhang, tràng pháo và hoa tươi. Hoa, vâng, nếu không có hoa, tôi sẽ không thể có cảm giác đó là phiên chợ tết. Rất nhiều hoa, đủ loại: lay ơn, đồng tiền, violet, hoa hồng, cúc trắng, cúc vàng… Mai vàng nhiều vô số kể và có cả những cành đào phương Bắc xa xôi cũng rải rác có trong chợ. Mẹ mua chậu mai vàng nho nhỏ cho tôi ôm về. Nhìn những nụ li ti bật dầy trên những nhánh khẳng khiu, tôi vui…

Nhưng Madagui, những cái tết sau, vẫn buồn như vậy, một kiểu lợt lạt với tết (hay tại lòng tôi lúc ấy buồn quá mà nhìn ra như vậy). Con đường trầm buồn vắt qua những ngọn đồi in dấu bước chân người thợ đốt than, thợ bao bì... không biết tết. Tôi lầm lũi đẩy xe cho mẹ giao nốt số sọt tối 30 tháng chạp. Tôi thơ thẩn cố tìm mùa xuân trong bao la xanh thẳm chập trùng núi non cao nguyên và hoa cỏ li ti vệ đường.

Đêm nguyên tịch, vợ chồng dì Hòa, người bà con duy nhất của gia đình tôi, em gái ruột của mẹ, sau giao thừa băng đoạn đường rừng chừng nửa cây số sang “xông nhà”, có lẽ tết vui nhất lúc ấy, trẻ nhỏ thì được mừng tuổi rồi đi ngủ, còn người lớn thì ôn lại chuyện ở quê, nói chuyện tốt đẹp của năm mới. Cực khổ, đói nghèo vậy, nhưng đó chưa bao giờ là cái cớ để mẹ tôi than van, mà xem đó là một một con dốc chúng tôi phải vượt qua. Từ bé, mẹ đã gieo vào lòng chúng tôi những tích cực và nhiều hy vọng ấy. Cho nên, người ngoài hoặc bạn bè thấy chúng tôi ăn mặc quần áo cũ, suốt ngày làm lụng, chân tay không bao giờ lành lặn vì tre nứa cứa mà thương cảm tội nghiệp, nhưng mấy chị em tôi thấy điều đó thật bình thường, chẳng có gì đáng kể.

Madagui buồn và đẹp. Còn đường quốc lộ trải dọc thị trấn uốn lượn mềm như một dải lụa, những ngọn đồi Madagui không cao lắm, chúng rất khỏe khoắn trẻ trung, những ngôi nhà gỗ có hàng rào trắng núp sau những tán điều, hoa nối chân người từ vệ đường, trước sân nhà, ngoài bìa rừng… đâu đâu cũng có hoa, nhiều nhất là hắc quỳ, nở quanh năm. Cả thị trấn ướp trong mùi ngai ngái của lá rừng và khí trời trong lành hiếm có.

Đoạn từ đèo Chuối đến Suối Tiên có lẽ là đoạn đẹp nhất của Đạ Huoai, khi ấy Madagui chưa phải là một thị trấn du lịch và Suối Tiên vẫn thuộc riêng của Đạ Huoai vì chưa ai biết tới. Suối Tiên là một phần sông Đạ Huoai dài gần 3 km. Suối hoang dã và thơ ngây. Gềnh đá vắng dấu chân người, rong rêu hồn nhiên mọc, tiếng suối chảy mạnh va vào vách rừng cộng hưởng với tiếng gió và lá cây va đập vào nhau nghe như tiếng vĩ cầm của nghệ sĩ vô danh mà kì tài nào đó.

Rồi tết cũng vui lên khi con đường dẫn vào sâu trong các xóm được làm bằng phẳng, được giá điều và trúng mùa điều, thị trấn được mở rộng xây dựng lại và bắt đầu làm quen với vai trò mới: Thị trấn du lịch. Dầu vậy rừng vẫn nuôi gia đình tôi và rất nhiều người khác. Chung rượu xuân nồng nàn và cỗ tết đầy đủ hơn. Chùa Khánh Hỷ going những tiếng chuông tươi hơn và chuông nhà thờ thánh thót vang xa trong thị trấn mỗi sáng, mỗi chiều. Thị trấn như được ướp trong mùa xuân mới. Vê ảm đạm cam chịu hẳn đã lùi sâu vào nơi nào đó, thị trấn xôn xao những chuyến đi về của người phương xa đến. Đó cũng là năm cuối cùng gia đình tôi ở Madaguil để trở về lại Cà Mau sau một vòng dịch chuyển trọn các vùng, mùa xuân năm 2002.

Mẹ tôi mất sau đó không lâu… Tôi gần như không trở lại Lâm Đồng. Nhà đã bán, Madaguil còn duy nhất dì tôi là người ruột thịt. Mười lăm năm sau tôi mới tìm về.

Đó là buổi chiều rét mướt cuối năm. Tôi và con gái đứng trước chùa Khánh Hỷ, bên cạnh chùa là lối dẫn vào nhà tôi khi xưa. Tóc tôi bối rối gió lật tung. Tôi ngơ ngác, thị trấn lạ quá, khang trang quá và xa lạ quá. Tôi nhắm mắt lại cố gắng tìm trong bụi tung mù mịt sau những chuyến xe qua lại vội vã hương của thị trấn. Không tìm thấy… Ngay lúc đó tiếng chuông chùa Khánh Hỷ vang lên, đúng 5h chiều. Mừng rơi nước mắt, thanh âm ấy quen thuộc đến mức nó đánh thức tôi trong cơn chạnh lòng vừa ập đến. Dẫu chùa đã được xây lại thì thanh âm ấy vẫn cũ, vẫn vang vào lòng tôi nhịp sống của thị trấn thuở nào, không vắng được. Chùa đã khác, nhưng sân vườn vẫn thế, những cội mai đang nhú những mầm non tơ, nụ xinh xinh ken dầy hơn cả lá, phía sau chùa sầu riêng xen với vú sữa đang nồng nàn đơm hoa kết trái.

Tôi hỏi thăm một vài người lối về nhà dì và cố đi qua ngôi nhà cũ. Không còn vết tích. Chủ mới đã phá nhà cũ thay vào đấy là ngôi biệt thự lộng lẫy. Con gái hỏi nhà ai thế mẹ, tôi định nói là nhà bà ngoại ngày xưa, nhưng kịp dừng lại. Ở cái góc sân kia, là nơi mẹ  tôi cặm cụi đan sọt, cây sầu riêng cổ thụ chủ mới còn để lại. Cảm thấy hơi ấm của mẹ quấn quýt bên chị em tôi mỗi khi trời trở lạnh hay vào những đêm giông gió. Dì nhận ra tôi từ xa, lật đật chạy ra ôm đứa cháu như cánh chim bạt xứ. Xúc động chẳng nói nên lời nên Dì cứ thổn thức gọi: “Cháu ơi”. Tôi cười trong nước mắt. Tôi tưởng mẹ mình xòe vòng tay đón mình và các em tôi đang ríu rít với túi quà của chị. Vài mươi giây tôi mới đủ nhận ra đó chỉ là cơn mộng tưởng.

Madagui giờ đẹp, đường trải nhựa rộng thênh thang chạy sâu vào các xóm, ngoài thị trấn cuộc sống sôi động không kém gì một thành phố thu nhỏ, tết giàu có và cầu kì hơn…

Nỗi buồn, có lẽ chỉ thuộc về riêng tôi. Khi tôi đang viết những dòng này, dưới chân ngọn đồi bên cạnh nhà dì rung chuyển, người ta dùng máy xúc để cạp đất đồi đem đi nơi khác bán. Những ngọn đồi thương tật khắp nơi trong thị trấn. Có lẽ vì tôi khó tính, khi 15 năm trước Madagui đẫm buồn tôi chịu được và những mùa xuân khó khăn trôi qua thì Madaguil vẫn đẹp, còn bây giờ Madagui đẹp hơn rất nhiều nhưng tôi lại đắm chìm trong nỗi buồn riêng tư khác, khi cao nguyên bị xẻ thịt, khi Madagui bị lẫn lộn trong sầm sập của sự đổi thay về thiên nhiên, cảnh quang vốn dĩ nó chỉ cần sự hoang sơ đã là quá đẹp.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất