
Lễ cúng và ăn chay ngày đầu năm là tục lệ, nếp quen của gia đình tôi có từ thời ông bà nội. Bởi vì, như ba tôi nói: "Thuở sanh tiền, ông nội dạy rằng, ngày mồng Một là ngày Sóc". Và, ông nội cắt nghĩa: "Ngày Sóc, là ngày khởi đầu của một tháng. Đặc biệt, ngày mồng Một đầu năm có tầm mức cực kỳ quan trọng suốt 12 lần mồng Một trong năm; cũng là thời điểm thiêng liêng cầu nguyện quốc thái dân an, tưởng nhớ và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, dòng họ; cầu xin thần linh phù trợ bà con chòm xóm và gia đình mình được bình an, khỏe mạnh, may mắn trong năm..." Vì vậy, cúng mùng Một trở thành nếp nhà!
Tôi nhớ, khoảng độ sau Rằm tháng Chạp, má tôi đã ra chợ tìm mua củ kiệu về làm món dưa kiệu. Món này má được bà nội tôi truyền lại từ ngày mới về làm dâu. Kiệu mua về, bà rửa sạch, phơi khô dưới nắng tốt trong vòng một tuần lễ, sau đó cho vào hũ có gia giảm nước đường. Má xếp kiệu ngay ngắn, củ đẹp ngon xếp sát vành hũ, bên trong là các củ bé hơn. Thường má tôi làm vài hũ để nhà dùng và biếu cho họ hàng. Hũ kiệu ngâm, đến sát Tết thì vừa vị.
Ngoài kiệu, má tôi làm thêm hũ củ cải ngâm tương và dưa cải. Hai món này cách làm gần như tương tự và là những món ăn kèm không thể thiếu của gia đình tôi trong những ngày Tết.
Má tôi thường nói, người Nam bộ đa phần theo Phật giáo hoặc chịu ảnh hưởng đạo Phật trong nếp sống hằng ngày nên có truyền thống ăn chay ngày đầu năm, trước là hạn chế sát sinh đầu năm, “làm lành lánh dữ”, sau thanh lọc cơ thể trong những ngày Tết nhiều món ăn thịt mỡ.
"Ba mươi súc miệng ăn chay
Sáng ngày mồng Một dựng cây trúc đài"
Mùng Một, lúc trời chưa sáng hửng, má tôi lom khom nhóm bếp. Cái bếp cà ràng đỏ lửa, gắn bó với nhà tôi từ chục năm nay. Ba tôi lui cui mang củi vào tiếp má. Đống củi được ba chuẩn bị trước vài tuần, chất thành cự lớn để ngoài sân sau.
Các món chay của má cũng đơn giản, không quá cầu kì. Má chuẩn bị hai món là mì xào chay và canh khổ qua. Với món canh khổ qua, má chọn những trái don don, không quá to, bỏ ruột, nhưn là đậu hũ trắng nhồi chung tàu hũ ky, hấp chín sau đó nấu nước dùng có củ cải đỏ, trắng hoặc nấm rơm.
Vợ tôi, như mọi khi, đảm nhận món bì cuốn chay. Món này được coi là món truyền thống trong mâm cơm chay của gia đình tôi, do lúc sinh thời, đây là món bà nội tôi bán mưu sinh, nhờ gánh hàng bánh cuốn nhỏ mà ông bà nuôi các con nên người. Trong mâm cúng ngày Tết, bì cuốn chay luôn là món được đặt vị trí trang trọng nhất. Món này có nhưn đủ thứ thành phần, nào là củ cải đỏ, củ sắn thêm khoai lang bào sợi chiên giòn; thêm nấm mèo, nấm đông cô, đậu hũ và tàu hũ ki, ăn kèm chung xà lách và rau sống đủ màu sắc. Vợ tôi tỉ mẩn, cẩn thận từng công đoạn. Đứa con gái nhỏ 9 tuổi của tôi lăng xăng bên mẹ, muốn mẹ chỉ cho cách cuốn bánh.
Nhỏ em gái út của tôi cũng có công việc riêng. Sở trường của nó là pha món nước tương chua ngọt dùng chung cho các món chay. Em tôi học từ ba trong những lần chăm chú xem ba làm. Món nhìn đơn giản, nhưng cũng phải biết kết hợp thuần thục các gia vị để cho ra món nước chấm đậm vị. Không biết từ bao giờ, ba đã tin tưởng giao cho em tôi công việc quan trọng này.
Mâm cơm chay hoàn thành và được bày biện ngay ngắn, trang trọng trên giường thờ. Ngoài những món má và vợ tôi nấu thì còn thêm một vài món chay đơn giản khác do các bác và cô tôi cùng chuẩn bị dâng lên ông bà tổ tiên.
Ba tôi, người chủ gia đình, quần áo chỉnh tề, khấn vái mời ông bà, thần linh về dùng cơm chay đầu năm cùng con cháu, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu năm mới bình an, khỏe mạnh, công việc hanh thông, thuận buồm xuôi gió.
Sau lễ cúng, cả gia đình ba thế hệ quây quần bên mâm cơm đầu năm với những món chay thanh đạm. Ba má tôi dặn dò đôi điều, lì xì cho con cháu. Cháu con mừng tuổi ông bà, cầu mong ba má sống lâu mạnh khỏe. Tiếng cười, tiếng trò chuyện rôm rả suốt bữa cơm...
Tạm gác những bộn bề lo toan thường nhật, cả nhà sum họp bên mâm cơm chay đầu năm. Đây là bữa cơm chay nấu bằng lửa bao dung, yêu thương và sự gắn kết tình thân giữa ông bà - con cháu, vợ - chồng, anh - em. Mọi người trao trọn tình nghĩa cho nhau, trân trọng mối thâm tình đáng quý, đáng gìn giữ của gia đình.