, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 09/08/2018, 06:53

Mâm cúng đất đai quê nội

CAO THỊ HOÀNG
 

1. 

- Đất cúng ra, bà cúng vô! (1).

Bà Nội nhắc chị Hai lúc xếp bàn sắp mâm cúng đất đai. Được thể, cô Tư, em gái của tía nhắc theo nội:

- Mâm lễ cúng đất đặt trước nhà nội, nha cháu!

Không khí tháng hai cúng đất đai chộn rộn cả xóm chớ chẳng riêng gì nhà của nội. Đám trẻ như tôi thì náo nức chực chờ bữa ăn ngon đã thèm, bởi nhà nghèo làm gì có được bữa ăn ngon.

Từ bao đời truyền lại, gà cúng đất đai phải là loại ‘’gà tinh tấn’’ và muốn có loại ‘’gà tinh tấn’’ thì trước đó gà phải được nuôi cẩn thận trong ba ngày: ăn lúa, uống nước sạch và phơi sương đêm đầu hôm. Tưởng rằng cầu kỳ, té ra không phải. Nội nói:

- Thổ thần không vì thèm ăn hay đói khát, mà bỏ qua cho gia chủ dâng cúng những vật phẩm kém chuẩn mực về phẩm chất.

Tôi để ý, cứ mỗi lần cúng đất đai, nội đều luộc gà trống kiền, là loại gà ta thượng hảo hạng nuôi ở quê nội với cái mồng dựng đỏ chót, lông mượt vàng mật ong, cặp chưn màu nghệ tươi và đặc biệt gà đúng giò (2).

Quê nội tôi lấy tên rạch đặt tên nên thường gọi là xóm Bà Tàu. Dân xóm Bà Tàu có một quy ước bất thành văn trong việc cúng đất đai. Ngoài tháng hai và tháng tám (Âm lịch) cúng đất đai chính thức, còn có mâm cúng đất đai mỗi khi gia đình giỗ chạp. Lại nữa, tuy cùng tháng cúng, nhưng mỗi gia đình tự định riêng ngày, giờ cúng đất đai để không ai trùng ai. Điều đó, thể hiện tấm lòng luôn tưởng nhớ công ơn Thổ thần và coi trọng đất đai.

***

Ông nội rót thêm rượu vô ly ông Bảy hàng xóm, tôi nghe loáng thoáng ông nội nói với ông Bảy:

‘’... Qua chưa chịu đó, nha!’’.

- Ông anh chưa chịu, thằng em nầy xin hỏi: ‘’Vậy, tại sao mâm cúng đất đai, ngoài phẩm vật hương hoa cũng giống như các mâm cúng khác, nó lại khác ở chỗ luôn luôn được gia chủ dọn: năm chén cơm kèm theo năm đôi đũa, năm chung nước và năm cây nhang?’’.

Hớp ngụm rượu, gắp miếng mề gà đưa cay, ông Bảy giãi bày:

- Hồi cụ Tú ở cuối xóm còn sống, lúc trà dư tửu hậu cụ thường nói tích xưa; trong đó có tích năm chén cơm, năm đôi đũa, năm chung nước, năm cây nhang mỗi khi cúng đất đai. Câu chuyện khá dài, nhưng đại khái cụ Tú cho rằng tích này bắt nguồn từ bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Vì mưu ác của Tần Thủy Hoàng mà năm ma nhạc đầu lìa cổ và sau đó hàng đêm, năm oan hồn thường đói khát hiện về vây lấy tên bạo chúa oán khóc! Khiếp vía, Tần Thủy Hoàng truy phong chức phận cho năm nhạc công là ‘’Ngũ nhạc thổ công chi thần’’, và truyền lịnh trong dân gian, mỗi khi cúng giỗ thì gia chủ phải dọn riêng một mâm trước cửa nhà với năm khẩu phần dành cho ‘’Ngũ thần’’. Người đời gọi đó là mâm cúng đất đai!

Nghe xong sự tích mâm cúng đất đai, ông nội cười ngất.

Tiếng cười lớn quá cỡ, khiến bầy dơi chuột đang treo mình trên xiên nhà giựt mình, hoảng bay!

- Hồi nãy, ...qua chưa chịu đó, chính là... là cái chỗ đó!

Rồi, ông nội nói một hơi:

- ‘’Ngũ nhạc thổ công chi thần’’ của Tần Thủy Hoàng thì có ăn nhập gì tới việc mâm cúng đất đai quê mình!

Ở nhà dưới, bà nội đang ăn cùng với mấy bà bạn lối xóm; chợt nghe tiếng lùm xùm ở nhà trên, bà vội chạy lên. Bà nội nói như đọc thuộc lòng:

- Cúng đất đai thì vái: ‘’Đất đai Dương trạch, Ngũ phương, Ngũ thổ long thần’’. Cúng lập vườn thì vái: ‘’Đất đai Viên trạch, Ngũ phương, Ngũ thổ long thần’’. Cúng xây mồ mả thì vái: ‘’Đất đai Âm trạch, Ngũ phương, Ngũ thổ long thần’’... Tùy mục đích mà dùng phương tiện, miễn sao nó ‘’Biến’’ để ‘’Thông’’ nhằm giữ vững bản chất không dời đổi!

Ông nội dịu giọng:

- Thôi, tui chịu thua má con Tư!

Ông Bảy nhảy xuống đất, ra bộ vòng tay như hát bội:

- Thằng em nầy, xin bái phục bà chị sát đất!

Mọi người đều cười rân nhà, cả những bà bạn lối xóm của bà nội cũng cười theo.

2.

Mấy năm sau nầy, mỗi lần nhà nội cúng đất đai, tôi không thấy ông Bảy lui tới ăn uống như hồi trước, mà chỉ thấy ông nội ngồi trầm ngâm, uống rượu một mình. Thắc mắc, tôi hỏi bà nội, thì bà nói: ‘’Ông Bảy ngã bịnh từ lâu rồi, cháu!’’. Ông nội nói từ bữa hai người cãi nhau về sự tích và chuyện năm chén cơm cho năm vị   khi cúng mâm đất đai cho đến nay, ông Bảy vẫn theo nếp cũ: ‘’Mâm cúng đất đai là mâm cúng ‘’Ngũ nhạc thổ công chi thần’’. Ông nội biết: ‘’Cái gì đã thành nếp thì rất khó thay đổi, và nếu có thay đổi thì cũng không thể ngày một, ngày hai’’. 

Lần này, thím Bảy chẳng nói chẳng rằng, âm thầm chuẩn bị mâm cúng đất đai với ý nghĩa: ‘’Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ’’ theo chỉ dẫn của ông bà nội. Không hiểu có gì trùng hợp không mà qua hai con nước rong rạch Bà Tàu, bịnh tình ông Bảy thuyên giảm dần rồi dứt hẳn. Vì vậy, bà Bảy mời ông nội tôi sang và cúng mâm đất đai tạ ơn: ‘’Tạ ơn đất nước, ông bà, những vị khuất mặt khuất mày, chiến sĩ trận vong, oan hồn uổng tử, xiêu mồ lạc mả...’’ đã cho chồng hết bịnh, đồng thời tha cho chồng tội bất kính với tiền nhân.

Chẳng biết thực hư thế nào nhưng giờ thì, ông Bảy bỏ bớt tánh chủ quan cực đoan và ngộ ra: ‘’Đất đai có được là từ mồ hôi nước mắt; từ xương máu và nhơn nghĩa của tiền nhân. Cúng mâm đất đai là để người sống hôm nay biết cái đạo lý ở đời: ‘Uống nước nhớ nguồn’, biết cái nhân cách làm người ‘Ăn trái nhớ kẻ trồng cây’!’’.

Có lẽ, vì mâm cúng đất đai xuất phát từ tấm chơn tình của ông bà Bảy đối với tiền nhân, nên ông nội và ông Bảy nhậu một bữa quắc cần câu. Rượu ngà ngà say, ông nội nói ví von:

- Mâm cúng đất đai luôn luôn có: Năm chén cơm, năm đôi đũa, năm chung nước, năm cây nhang là ứng với ‘’Ngũ hành’’ của người Việt, là tưởng nhớ ‘’Tiền hiền khai khẩn’’ đã vì đất đai mà phải trực diện đối đầu ‘’Ngũ thác: ‘Thác vì đấu tranh giữ đất, thác vì ác thú, thác vì sơn lam chướng khí, thác vì nhân tai và thiên tai, thác vì tuổi già bịnh tật’’ phải bỏ mạng!

Ông Bảy ngớ ra, sau khi nghe ông nội tôi nói. Bỗng dưng, ông vụt sáng lòng:

- Phải rồi ông anh! Thằng em nghiệm ra, con người gắn liền đất và đất như hình với bóng với con người. Đất đai là mảnh đất nơi mình sống và canh tác được xác lập bởi một vành đai minh bạch. Và, người đời luôn nhắc nhớ: ‘’Đất thiêng, thổ thần, thần đất, phong thổ, thổ nghi, địa linh...’’.

Bà Bảy vui quá, té nước theo chồng:

- Trong kinh Phật cũng có kinh Địa Tạng!

Trong không khí đầm ấm mâm cúng đất đai quê nội, bà Bảy ngẫu hứng hò lại câu hò ngày xưa:

‘’Đất có bồi có lở

Người có dở có hay

Em nguyền một tấm lòng ngay

Đinh ninh một dạ tới ngày trăm năm...’’ (4)

………………….

(1) ‘’Cúng đất cúng ra, cúng bà (cúng lễ đầy tháng em bé) cúng vô’’.

(2)  Loại gà không non mà cũng không già, thường thì khoảng một ký lô hai hoặc một ký rưỡi.

(3) Bọn Từ Phúc, Lư Sinh suy tôn Lão Tử làm Thái thượng Lão quân, và mượn danh nghĩa đạo giáo mê hoặc Tần Thủy Hoàng.

(4) Ca dao.

Bình luận

Xem nhiều

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất