, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 14/02/2023, 06:00

Mang rừng về làng và cú “Big Bang” cọng rơm ký ức

NAM KHANG
Nhân đưa tôi chiếc nón lá cũ đã thấm nắng mưa và nói “đi anh”. Chúng tôi lội qua vườn. Mùi mồ hôi lưu cữu từ quai nón phả vào mũi. Tôi xa ruộng đồng đã gần 30 năm. Mùi mồ hôi như quai nón lá của má tôi thấm đời cần lao bấu vào tim. Tôi bắt đầu đi lạc về cánh đồng năm nào…
Anh Nhân giới thiệu cây giống với ông Alan Broughton - Phó Chủ tịch Organic Agriculture Association tại Australia.

***

Một bụi chuối lớn, sát nó là bưởi và ổi, vây quanh là những thân chuối bị đốn hạ bắt đầu ủ mục, Nhân thuyết minh: “Đây, em lấy chính cây chuối này làm phân, tuổi của chuối tùy theo loại mà chặt bỏ như chuối hột chừng 1 năm, chuối lùn chuối mốc giá trị cao hơn thì vài năm. Lấy thân cây bón cây. Ba năm qua, tuyệt đối em không dùng phân hóa học, hạn chế thấp nhất mua phân hữu cơ. Nông dân ghét cỏ, coi nó như kẻ thù, nhưng với em cỏ là bạn đồng hành. Cỏ, cây thân mềm đều cho mục, làm phân tại chỗ, không cần di dời. Đó là bài toán lợi nhuận về chi phí nguyên liệu; quan trọng hơn chính nó sẽ làm cho đất hồi sinh nhanh nhất. Rác là thứ bỏ đi của người khác nhưng tài nguyên của ta. Thực tế như chuối được bón phân từ chính thân nó, thì trái ngọt hơn và vị thật là… chuối, bởi trong thân chuối hàm lượng kali rất lớn”.

Những cây cao thấp chen nhau theo quy luật tầng, tán; tuổi thọ không cao như chuối trồng cạnh cây lâu năm như ổi, bưởi, thảy đều tán không rộng, nên sẽ không có chuyện cạnh tranh ánh sáng khốc liệt… Một phác thảo hiện hữu của rừng, tôi buột miệng và định bước tới, Nhân nhắc: “Bẫy nước, anh cẩn thận”. Nói là bẫy, nhưng đó là con mương chạy dài sát hàng cây lớn phủ kín cỏ, dùng từ “bẫy” là tên gọi theo sách của dân làm vườn rừng.

Nó là nơi đón nước mưa, lũ, hạn chế ngập, nhưng cũng là nơi đón phù sa, chất bổ của đất, không để trôi tuột, để mùa khô hạn sẽ giữ ẩm đất, khiến bộ rễ cây ăn sâu hơn. Và nằm trong tổng thể thiết kế, nơi gặp gỡ cuối cùng của những con mương này là ruộng. Chính nó đã chứng minh, trận lụt 2020, mít bà con xung quanh chết hết nhưng ở đây thì không, vì mương nước hút và dẫn hết xuống trũng. Khoảng cách giữa hai hàng cây lớn chen nhau khoảng chừng từ 3,5 - 8m. Cỏ mọc lút gối. Nhân cho hay đây là nơi trồng cây ngắn ngày như đậu, mè, bắp, bí đao, cứ thế xoay vòng.

Anh Nguyễn Văn Nhân.

Khu vườn 3,5ha được thiết kế 6 tầng theo độ dốc từ cao đến thấp. Bắt đầu là khu nhà ở, đến vườn rừng, chăn nuôi, ao mương, ruộng và cuối cùng là hàng rào sinh thái, mà chủ nhân cho rằng đây là thiết kế mang tính khu biệt nhưng liên kết chặt, bởi chỗ ở phải cao nhất, gần cây trái rồi mới đến động vật, thủy sinh, những gì dồn chảy, trôi, tuột, sẽ đưa hết đến nơi cuối cùng là ruộng, lúa sẽ đón nhận hết. Hàng rào sinh thái với cây lớn dày đặc và thảm thực vật sẽ ngăn chặn nguồn chất bẩn vào. “Em có kết quả phân tích hàm lượng vi sinh trong đất và nước không ?”. “Có anh, tuyệt đối không độc tố; vi sinh tự nhiên, tốt, chiếm hầu hết”.

Tôi đã xem kết quả phân tích đó. Mấy tờ giấy trắng chi chít những số đo. Nó bất động, nhưng hình như nó nhảy múa như cánh tay khẳng khiu không ngừng đưa lên của Nhân. Bàn tay người thanh niên sinh năm 1992, xuất thân là kỹ sư hóa dầu, chuyên làm phòng thí nghiệm, giờ trầy trụa, chai phồng, đất đóng cứng đen trong móng. Giữa màu xanh sum thiệm của quá trời dây leo, cây lớn nhỏ, mọc chen chúc dày mỏng không khác gì một cánh rừng trẻ không bị xâm phạm, bỗng bật lên tiếng dế kêu. Có điều chi đó như tiếng hát con trẻ dội ngực tôi…

***

Tôi đọc các báo, thấy nói rằng Nguyễn Văn Nhân - chủ nhân của Rơm Vàng farm - trở về từ thành phố năm 2017, là do đọc cuốn Cuộc cách mạng một cọng rơm của cụ Masanobu Fukuoka và đã biến một khu đất cằn cỗi ở thôn Đông Hòa xã Điện Thọ huyện Điện Bàn sát vách Đà Nẵng thành một vườn rừng đa dạng sinh học, giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và tạo được sự ngưỡng mộ.

Em trở về là về với tuổi thơ em chứ không phải đi theo tiếng gọi từ cuốn sách. Trở về lần này là sự khai phóng cảm xúc tuổi thơ dẫn dắt tư duy chứ không phải lý trí…

Giọng Nhân run lên dù cố kiềm trong chuỗi ý nghĩ không ngừng tuôn ra. Tôi biết mình đã chạm đến góc khuất xanh ngát và nhọc nhằn ẩn sâu dưới gương mặt gầy mà mao mạch đang căng lên kia. “Họ nói em khởi nghiệp, bỏ phố về quê, rồi thành công này nọ, không đúng. Em không khởi nghiệp, em sống với chính em”.

Tôi nhìn Nhân, minh định điều này, dễ gây tranh cãi nhưng dễ đồng điệu, khoảng cách mong manh lắm. “Em nghĩ là vậy - Nhân nói - tháng 6 vừa rồi em dự hội thảo quốc tế về vườn rừng cho Mekong Organics AUS tổ chức. Cả miền trung chỉ mình em làm vườn rừng”. “Bỏ phố về quê. Về nhà. Trở về. Khởi nghiệp từ ruộng đồng… “Bóng đêm” của trào lưu này là gì?”. “Hội thảo cho thấy, bạn trẻ đọc cụ Masanobu Fukuoka bị dẫn dụ bởi ý nghĩ lý tưởng hóa rằng hãy trở về. Nhưng về mà không có phương pháp, tư duy kinh tế, kỹ thuật, thì đó chẳng qua là tháo chạy trong cơn bội thực cảm xúc xấu từ thành phố, nên thất bại là không thể tránh khỏi. Em về, là chọn con đường sống chứ không bỏ phố về quê, là khai phóng cảm xúc và em làm theo kiểu của em, bởi cụ nói tôi không bày các bạn làm ruộng làm lúa như tôi, mà chỉ chia sẻ thế giới quan của tôi…”

***

Cuộc trở về lắm cay đắng, Nhân nói vậy. Mà thôi, nó đã qua. Khu vườn này Nhân thuê lại của xã và bắt tay “đảo chính” đất từ năm 2019. Đang nói, bỗng một bà già cắp rổ tre đi vào, quay về Nhân, nói “cho bà hái thêm xí nữa nghe, ổng nói ít quá…”. “Dạ, bà Hai cứ hái”. Hóa ra, dâu tự nhiên trong vườn đã cho trái, bà con vô tư vào hái đem về ủ rượu.

Nhìn theo dáng bà, Nhân chậm rãi: “Lúc đầu em muốn kéo bà con vào làm, nhưng nghĩ tâm lý nông dân mình là cái chi cụ thể, hiệu quả, họ mới tin. Vì thế em cùng một số anh chị, bạn trẻ nỗ lực. Giai đoạn 1, tạo cây trái, lúa, gà vịt, nuôi bò, cá tự nhiên… thành công, đã xong. Bây giờ đến lượt kết nối cộng đồng, nghĩa là bà con tham gia, họ sẽ thu hoạch và em trả công. Vài bạn trẻ quê trên núi đã mang cách thức làm vườn rừng lên thiết lập 2 trang trại trên núi; làm các trang trại tại Nông Sơn, Thăng Bình, Đại Lộc”.

“Em tư duy theo kiểu em”, như lời Nhân, chính là học hỏi cách làm vườn rừng của Brazil, Úc, Nhật, ở đó rừng phát triển theo tầng, tán, lấy ngắn nuôi dài, hạn chế thấp nhất rồi dẫn tới tuyệt đối không dùng phân hóa học. Chỉ có cách cho đất tự sinh sôi, tự nuôi chính nó, nó mới nuôi mình. “Em nhớ câu chuyện nông dân mặt trời và nông dân dầu mỏ. Người mặt trời là dùng chính tự nhiên nuôi mình, còn dầu mỏ là hóa học nuôi. Em không chối bỏ cơ giới bởi nó giúp em rút ngắn thời gian thu hoạch, cải tạo, trồng, nhưng 10 năm sau, em sẽ trở thành nông dân mặt trời”.

Bà Võ Thị Cúc như bao người ở đây, vô tư thụ hưởng hoa trái dại trong vườn của anh Nhân.

Tôi đọc trong cái nhìn xa xăm của Nhân sự chân thành. Nông dân thực thụ chỉ biết đất và trông trời, họ cầu nguyện mưa thuận gió hòa, bởi tâm trí họ đặt để hết vào đó. Tôi “gài” Nhân: “Chia sẻ bí quyết được không?”. “Được - Nhân cười - nhưng với ai là quan trọng anh à. Đây là cuộc đặt cược. Canh tác vườn rừng bền vững phải đặt trong 3 yếu tố chính: 1. Sinh kế bền vững, 2. Sinh thái tự nhiên bền vững, 3. Cộng đồng bền vững. Ở Việt Nam, vườn rừng thực thụ ít lắm, và cần phân biệt có hai loại là vườn rừng trên đất trắng và vườn rừng dưới tán lá rừng như ở Tây Nguyên. Muốn làm vườn rừng, phải 5 năm trở lên tới 10 năm, từ đó mới gọi là thành công. Vườn rừng không có chỗ cho ai thiếu quyết tâm, tư duy và… tấm lòng”.

Giọng Nhân như dài ra: “Đó là khao khát của em, khi đạo đức và quan sát trong làm nông nghiệp là tiêu chí vô cùng quan trọng. Em muốn tạo ra sản phẩm tốt, giá tốt, và hơn hết, muốn tất cả bà con, cộng đồng cùng làm với em. “Giá thành cao, và không phải ai cũng được sử dụng nông sản, thực phẩm tốt, lại tốn nhiều tiền cho hàng nhập?”. “Có hai vấn đề ở đây, một, hàng em giá cao so với hữu cơ, hóa học từ 1,5 - 3 lần vì chi phí nhân lực cao chứ không phải chi phí sản xuất, nhưng nó không cao hơn trái cây nhập; hai, sử dụng đồ tươi bản địa tốt, vẫn ngon hơn đồ nhập và thích hợp với cơ địa người địa phương. Mục tiêu của em là hướng tới trồng cây bản địa và người bản địa sử dụng. Em ví dụ, tại Đà Lạt, cây trái thích hợp với người trên đó hơn miền Trung, nhưng nếu miền Trung cũng làm được như trên đó, thì chắc chắn tiêu thụ dễ dàng và sự canh trạnh ngay trong từng địa phương sẽ khiến giá thành hạ, lúc đó ai cũng được sử dụng. Em cho rằng với vườn rừng, nếu anh biết làm, chỉ cần 500m2 là sống khỏe và vui”.

Làm bánh tét từ nguyên liệu Rơm Vàng.

***

“Câu chuyện hạnh phúc à? Em và nhiều gia đình trẻ ở đây sống vui, không chỉ là sử dụng toàn bộ thực phẩm của chính mình làm, mà quan trọng hơn là được tắm trong mặt trời và cây lá. Từ năm ngoái đến giờ, em vui khi bà con tới đông và bắt đầu xúm tay với em. Theo em, đây là giá trị. Họ hợp tác và cùng làm ra sản phẩm với mình, sẽ tạo ra hiệu ứng thay đổi xã hội. Em nghĩ người làm vườn thực sự, không ai muốn bán giá cao, khi chi phí đã giảm, ai cũng tiêu thụ được, thì chỉ đơn giản là thả cây, con xuống đất, đã thu lời. Người ta làm nông bằng phân hóa học họ cũng lời, thì tại sao ta không lời? Đừng sợ giá cao, bởi khi đã kích hoạt đại trà, nó sẽ thấp. Sự gắn kết từ kinh tế sẽ tạo dựng và tìm về, phục nguyên giá trị văn hóa cộng đồng, đó mới là sự quay về đích thực. Được điều đó, là thành công…”.

Những thống kê về năng suất lúa, đậu phụng, mè từ trang trại Rơm vàng này của Nhân vượt hẳn nông sản cùng loại giống và trên cùng diện tích tại Quảng Nam, rồi loại, loài đã xuất hiện như phim thần thoại trên khu vườn này với hơn 26 loại chim, hơn 10 loài cá, 10 loài ong, 30 loại nhện, chồn, ếch, rắn, nhái, bướm, hơn 80 loại rau màu, cây ăn quả như lướt qua khi trí não tôi… nhập định chỗ khác. Gỡ chiếc nón lá ra khỏi đầu, nhìn đàn bò đùa nhau trong sáng tối đám lá, tôi muốn ngồi bệt xuống đất để trôi đi cơn ẩn uất dội đến. Lòng biết ơn, tử tế với đất, với nông dân, đã quá “đát” từ lâu. Đất nước 80% là nông nghiệp mà nông dân bỏ ruộng đi, mất đất, người thành phố thì ăn trái cây ngập ngụa thuốc trừ sâu; hàng nhập thì chót vót giá.

Lòng tự trọng của người Việt thiết tha với đất đâu phải hết, nhưng quay về, lắm khi là đối mặt với sinh - tử, như Nhân nói, họ cho em thuê 5 năm một lần ký lại hợp đồng, nếu sau đó họ thu hồi, là em lại tay trắng. Tàn khốc chưa, nếu nó xảy ra ? Tôi hỏi bà Hai (tên thật là Võ Thị Cúc), là bà Hai ơi, thấy Nhân làm hay không, bà đáp ngay “quá hay, chứ ở đây lâu ni làm bậy quá”.

Trong vườn có đến 10 loài ong.

Phần thưởng là lời khen ấy, liệu có làm Nhân an tâm? Đừng tưởng chỉ những trang trại lớn mới là diễn thế của cách mạng hữu cơ trên đồng. Làng quê Việt vốn manh mún trong phân chia ruộng đồng lẫn tư duy. Không ai đủ sức làm thay cho tất cả. Vậy hãy chìa tay cho những ao ước lớn mà tiềm lực nhỏ, chứ đừng thấy nhỏ mà bỏ mặc, xem thường, khi phục sinh một bữa ăn sạch chính là phục sinh của đất và lúc đó đất và người khoan nhiên cất lời hoan ca.

Đời nông dân như đất như cỏ; nông thôn như cánh đồng. Hoa trái ở đó chính là gương mặt của tư duy, tình yêu lẫn tầm nhìn. Nhìn Nhân nón lá lặng lẽ chìm trong hàng cây, tôi không khỏi buột miệng rằng người tiên phong bao giờ cũng là hành giả độc hành…

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất