, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 31/05/2023, 20:00

Marathon qua những tọa độ tâm linh…

ĐỖ QUỐC VIỆT
Đoàn gồm những thành viên của câu lạc bộ chạy YTTC quận 7 - TP.HCM. Hành trình mà chúng tôi phải vượt qua là đi xuyên Đông sang Tây Trường Sơn trên Đường 20 Quyết Thắng. Như bất kỳ chuyến phượt nào, là đi để thấy - biết - ngẫm, nhưng với chúng tôi, chuyến đi này không chỉ có thế, sự đăm chiêu, những khoảng lặng, cả những dấu hỏi dằng dặc suốt cung đường, khi mỗi điểm dừng là một câu chuyện dài không hồi kết. Bởi ở đó có những đôi mắt rừng lặng lẽ giấu cuốn sách bi dũng của một thời.

Những trang sách từ “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh bỗng dội về, khi tôi đứng trên thềm của đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại, thôn Long Đại, xã Hiền Ninh (bờ Bắc), thôn Xuân Dục xã Xuân Ninh (bờ Nam), huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình; nay ở vị trí Km 1004 + 810 trên đường Hồ Chí Minh, là di tích cấp quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận từ năm 1986.

Từ đây nhìn xuống, là sông Long Đại hiền hòa, xanh như đã từng xanh, thuở chưa từng biết đến màu của máu và lửa. Mới thấy, thời gian với sông như chớp mắt, nhưng với người đang đứng đây, và cả bao nhiêu người nữa mà tuổi xuân của họ gửi lại chiến trường, thì màu xanh ấy không hề mềm đi, mà nhói lòng đến thắt.

Tôi nhìn ông Nguyễn Đức, người đàn ông khởi xướng việc làm ngôi đền này, lòng không nén nổi cảm kích. Gương mặt đăm chiêu lẫn trong khói hương trầm, lời khấn rì rầm chào đồng đội, những người cùng trang lứa ông đang ở đâu dưới đất sâu, dưới làn nước xanh, ở góc núi bìa rừng nào đó mà cây cỏ đã phủ kín cả ký ức?

Ông là một cựu binh, hơn 50 năm trước đã từng có 3 tháng vượt Trường Sơn bằng đôi chân trần, ngay trong mùa mưa triền miên và sốt rét rừng rình rập. Ngày về, sống những năm yên lành của hòa bình nhưng chưa một lần quên 3 tháng băng rừng vượt núi đầy ký ức bi hùng, ông mơ về ngôi nhà chung cho những người đã nằm xuống vì chiến tranh. Kiên trì theo đuổi nguyện vọng xây dựng những ngôi đền trong suốt gần mười hai năm, vượt qua rất nhiều khó khăn và thách thức mà có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi, ông đã thực hiện được giấc mơ của mình. Chúng tôi may mắn có ông là “người dẫn đường”, trong những cuộc tìm về những di tích lịch sử, những vùng đất xinh đẹp và thanh bình để hiểu sâu sắc hơn về đất nước và dân tộc mình.

Rời đền liệt sĩ bến phà Long Đại, chúng tôi đến với Cổng Trời nằm trên tuyến đường Quốc lộ 12A, ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), cách Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo tầm 7km. Cổng Trời được hình thành bởi hai tảng đá lớn tự nhiên, tựa thế khép đầu vào nhau, tạo thành vòm cửa lớn. Xung quanh núi non hùng vĩ, cây cối xanh tươi bao bọc lấy di tích. Tấm bia đá dưới di tích Cổng Trời khắc ghi những chiến công bất diệt viết “Di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh, Cổng Trời quốc lộ 12 nối đường Hồ Chí Minh Đông - Tây Trường Sơn.”.

Sức nặng của nước mắt dội ngược vào tim, như sự tiếp biến không điểm dừng khi đoàn người dâng hương trước mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nơi an nghỉ của ông ở ngọn núi Thọ, mũi rồng thuộc vùng biển Vũng Chùa – Đảo Yến trên sườn núi Hoành Sơn. Đại tướng, có lẽ đã sắp xếp chuyến hành quân sau cùng trong đời binh nghiệp của mình, là về cạnh Trường Sơn “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” với đồng đội.

*

Điều xốn xang nhất, khiến mọi người thú vị đến căng não, chính là hành trình vào tây Trường Sơn theo Đường 20 Quyết Thắng trên đất bạn Lào. Phần đường này giữ nguyên vẹn sự hoang sơ từ những ngày chiến tranh. Có những phần mặt đường còn lưu giữ những viên đá được các anh chị thanh niên xung phong đóng từ thời chiến. Bụi bay mịt mù, đường đất đỏ ngoằn ngoèo, gập ghềnh và khúc khuỷu, len lỏi xuyên qua cánh rừng của tây Trường Sơn, khiến người ta như thấy mình đang dấn bước vào một cuộc vượt thoát, rượt đuổi trong phim Hollywood. Với kẻ nghiện phượt, thì nó là một… mâm cỗ mời chào không thể quay mặt.

Con đường đi qua những bản làng hoang sơ của người dân tộc Lào là một hành trình đầy những trải nghiệm tuyệt vời. Những ngôi nhà nhỏ bé và các căn nhà sàn độc đáo nằm rải rác dọc theo con đường, như những chiếc nấm khổng lồ đột ngột mọc lên từ sườn núi. Vẫn còn đó những gian khó bởi địa hình khắc nghiệt, sự tiếp cận những tiện ích đời sống xem ra còn rất xa và lâu. Những vạt rừng cháy trên nương khi mùa khô miền Tây đã kết thúc như nhát vẽ mặc định trầm buồn của đời sống dân dọc Trường Sơn. Họ thiệt thòi nhiều quá. Vẳng lên câu hỏi ở bao người: “Khi nào nụ cười sơn cước bừng nở trong bình yên no ấm?”.

Đoàn chúng tôi đến Lào đúng vào ngày cuối cùng của dịp Tết cổ truyền Bunpimay của người Lào diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Tư hàng năm. Những người dân Lào sống đơn giản và chân thành, họ đón khách bằng nụ cười thân thiện và tấm lòng hướng về những điều bình yên nhất của cuộc sống. Ly rượu mừng nâng lên với nghi lễ buộc chỉ tay của những người lính biên phòng hai nước, dân địa phương và đoàn, như một khúc đoạn không cần thuyết minh, rằng đã sát bên nhau trong mưa bom bão đạn một thuở, giờ hòa bình càng gắn kết keo sơn. Nơi xa hút hiểm địa này, chính những người lính mang quân hàm xanh của đồn biên phòng Cha Lo và Cà Roòng, là những đại sứ ngoại giao. Giữ biên giới đã đành, họ còn duy trì mối quan hệ tốt với người dân bên kia biên giới, xem giúp bạn là giúp mình. Sự bình yên sẽ và chỉ đến từ đó.

Các thành viên của câu lạc bộ chạy YTTC đã có những trải nghiệm đầy cảm xúc khi chạy bộ trong rừng Trường Sơn, theo Đường 20 Quyết Thắng hướng đến cột mốc biên giới Việt Lào. Đây là lần thứ ba các thành viên chạy trên con đường này mà mỗi lần đều mang lại cho họ cảm giác thú vị và hấp dẫn không hề thua kém lần đầu. Quanh co uốn lượn lên xuống, rừng lá ngát xanh và hoa rừng trắng như muốn kéo dài mùa xuân ra trong khung trời rợp bướm bay, và giữa cảnh sắc đó là tiếng động nối nhịp thật đều của các bước chạy, khiến người ta như lạc vào bản giao hưởng mênh mông của rừng.

Đi và ngẫm thêm một điều: Lấy gì làm và làm ra sao để thúc đẩy kinh tế vùng sâu vùng xa? Câu trả lời không dễ nhưng không khó. Chỉ có những lễ hội, các sự kiện mang tính cộng đồng rộng lớn mới kéo người ta đến, và sự cộng cảm giữa hai bên sẽ mở ra cơ hội làm ăn, dựa trên tiềm năng vốn có về kinh tế và văn hóa bản địa. Chính văn hóa là chìa khóa để mở cánh cửa kinh tế và từ đó, kinh tế quay trở lại phục vụ lẫn giữ gìn văn hóa.

*

Một góc sân của Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP.

Nén hương thành kính dâng ở hai điểm cuối cùng của cuộc hành trình là đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn trọng điểm Cà Roòng – ATP và Hang Tám Cô nằm tại Km 16,5 Đường 20 Quyết Thắng. Đi là để trở về. Điều đó đúng với hành trình 3 ngày nhưng nặng trĩu nỗi niềm. Trường Sơn, những dấu chân hơn nửa thế kỷ đã in dấu, để bây giờ những bước chân trở về tìm lại dấu giày trên cỏ, nhưng chỉ thấy những tàn phai. May sao, những địa điểm tâm linh đã mọc lên từ nỗi đau đáu của những cựu binh Trường Sơn may mắn còn sống qua bao trận chiến kinh hoàng, cùng với những nhà hảo tâm làm giàu mà không quên tri ân người nằm xuống.

Những địa điểm đó là tọa độ tâm linh trên con đường tìm tới những giá trị Việt có tên gọi là tưởng nhớ. Nhớ để không quên. Nhớ để đi tới và luôn nhắc mình rằng, chỗ ta ngồi đây, hôm qua, ngày xưa, bao người đã để tên lại, những cái tên thẫm máu kêu đòi hòa bình và tự do. Hai chữ Hòa Bình vốn thiêng liêng với bất cứ ai, và trong thời buổi này, giá trị của nó càng lớn hơn biết bao. Trân trọng hòa bình thì hãy quay lại quá khứ, tìm về.

Với tôi, hành trình xuyên tâm linh Trường Sơn, là một lần nữa nghiêng mình trước những chiếc áo giáp tâm linh. Nó chỉ bị xuyên thủng bằng viên đạn mang tên lãng quên, vô tình.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất