, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 25/11/2022, 06:30

Mắt rừng đã khép

MỘC MIÊN
Tôi hỏi ông già Briu Pố ở xã Lăng huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam: “Còn bếp nhà sàn không?”. Ông nhìn tôi cười nhạo: “Mi tìm ra, anh đãi can rượu. Mất hết từ lâu rồi em ơi”.

“Nhà rộng, sao anh không làm? Bà con, chính quyền phong anh là già làng tiêu biểu, mà cái bếp truyền thống lại không có?”. “Ôi, bếp điện bếp ga thôi, ai cũng thế, ừ, à, làm Nông thôn mới là nhà cửa phải sạch sẽ nên bỏ hết nhà sàn, mà bỏ thì không làm bếp củi nữa…”. Ông già dừng lại, và như đến đó, nỗi nhớ bếp thoáng qua. Hình như biết rằng lâu rồi không có nữa, chẳng ai nhắc, giờ bỗng nhiên có người chạm đến, một chút bần thần vụt hiện. “Có đấy?”. “Ở đâu?”. “Nhà Ploong Plênh ở thôn A Ró xã này chứ đâu”. Ông cười haha: “Nó làm để đón khách du lịch thôi…”.

Với người ở núi, thần linh có mặt khắp nơi, và một thuở dằng dặc lâu lắc, họ quan niệm bếp chính là trung tâm cấm kỵ. Nhờ bếp mà mình có ăn, giúp mình đi qua mùa đói. Có khói bay lên thì đó là chỉ dấu của một hiện diện còn cựa quậy. Mà củi, đồ ăn, chính là sản phẩm của thần linh từ rừng, nên tuyệt đối không được mất lửa. 

Tôi chưa tìm thấy được truyền thuyết nào về lửa, nhưng củi thì có, nó hiện diện qua giấc mơ về nhà chồng là củi hứa hôn, hóa thân thành lửa trong ánh mắt của người già ngồi nói chuyện suối ngàn đêm vắng, là mồ hôi trên má hồng của gái thanh xuân thức sớm, là cánh tay của đứa trẻ cầm rìu để bắt đầu làm người rừng. Là phên vách, là lá rừng, là chốn xanh kia khởi nguyên tiên tổ. Ở đó, lời chồng vợ thủ thỉ, ông bà truyền dạy cháu mật ngôn của rừng, người già dặn dò lớp trẻ, những thầm kín, những thời khắc quan trọng của nhà, của làng, được quyết định trong sự chứng kiến của thần linh. Ở đó, chỉ có lời chân thật… Bếp, là mắt của nhà.

Thuở chưa có cơn lốc văn minh, trước khi đi làm, họ chạm chân vào bếp, thầm ý rằng, thưa thần linh tôi đi làm đây, hãy cho tôi khỏe để đốn được cây gỗ lớn, bắt được con thú con cá ngon. Lúc về, chưa vội bỏ gùi xuống, lại chạm chân vào tro, thưa rằng tôi đã về, cảm ơn thần linh đã giúp tôi mọi điều tốt đẹp, bình yên. Lại cấm tuyệt đối không được chạm dao rìu vào bếp, thần sẽ nổi giận, bởi đó là xúc phạm, coi chừng mang họa... Họ quý và trọng bếp, nên lửa không bao giờ bị tắt. Mất lửa, coi chừng sẽ chết người, bởi thần linh đi vắng. Lời nguyền không tên ấy trao truyền bao thế hệ…

Bây giờ, ngang dọc khắp miền núi, họa hoằn lắm mới tìm ra cái bếp nguyên thủy ngự giữa nhà sàn, trừ những nhà rông, nhà Gươl làm mẫu, giới thiệu đặc trưng, để… diễn. Có một mâu thuẫn trong định hình chính sách và quan niệm của chính quyền khi xây dựng nhà cửa ở miền núi. Phong trào Nông thôn mới phủ sóng khắp nơi với tiêu chí nhà cửa bền vững, xanh, sạch, đẹp. Bê tông mọc lên. Rừng đã cấm khai thác thì gỗ tìm đâu ra. Nhà trệt thay thế toàn bộ nhà sàn, đồng nghĩa loại bỏ được gầm sàn vốn là nơi cư ngụ của gia súc gia cầm mất vệ sinh… Bếp ấm của mẹ chính thức bị khai tử, dù nó đã bị gặm nhấm, nuốt chửng từ từ trước đó. Cơn lốc văn minh bếp ga, bếp điện đầy đủ tiện ích, đã bỏ xó củi lửa vào một góc. Bao nhiêu vụ cháy cả làng, bởi chỉ vì cái bếp bùng đỏ mà không ai ngó ngàng. Sứ mệnh của lửa củi bị đám chủ nhân trẻ lãng quên tức khắc… Nhưng chính quyền lại hô rằng hãy giữ bản sắc! 

Ông Trần Duy Dũng - chủ tịch huyện Nam Trà My, cãi rằng, miền núi làm nhà y chang đồng bằng, áo quần truyền thống không còn, tiếng nói mất dần, chữ viết không có, bếp nhà sàn cũng không, vậy bản sắc cái chi? Nhìn vô ai biết họ là người thiểu số? Bản sắc là nếp ăn nếp ở chứ không phải đến hẹn lại lên cồng chiêng múa may quay cuồng thịt rừng cơm núi rượu cần. Nhưng hỏi làm cách nào thì cũng khó, bởi bà con không muốn theo, hơn nữa thiên tai ngày càng bất thần, khốc liệt, không làm nhà bê tông vững chắc, ai dám đảm bảo. Điện, đường về tận bản, nên muôn hoa nghìn tía sắc màu hấp dẫn xa lạ mê hoặc cuống quýt của văn minh xô cái ào tập tục lối sống cổ xưa xuống vực, may có còn thì ở người già ngồi thềm cửa ngó về thung xanh mà rầu tiếc... 

Sự va chạm khắc nghiệt nhưng từ từ giữa truyền thống và hiện đại ở miền núi đã diễn ra rất lâu, nhưng một chính sách quyết liệt, toàn diện, đúng đắn và đầy màu sắc nhân văn đã bị bỏ qua, mà chỉ chằm chằm phát triển kinh tế, đến lúc mất hẳn rồi mới quay lại khôi phục văn hóa truyền thống. Nhưng khôi phục có được không, khi căn cốt nó phải dựa trên nền tảng của ý thức căn bản về văn hóa nguồn cội đã bị bốc hơi, phai nhạt, nay bồi đắp, đánh thức tín hiệu, chứ tìm đâu ra, dựng sao nổi ở lớp người mà sinh ra đã thấy bếp ga bếp điện, còn bếp lửa ấm đêm đông hình như có nghe đâu đó…?

Tôi đùa ông Priu Bố: “Thần linh đi vắng hết rồi, giờ ra quán nhậu rồi, ở đó bếp củi nướng cá suối, thịt rừng”. Ông cười, cay đắng: “Ừ, không có bếp nhạt nhẽo lắm. Ngày xưa họ tin thần linh bao nhiêu thì sống tốt bấy nhiêu!”. Sự thừa nhận ở người già sắp về với rừng nghe tức thở như giọt nước mắt sắp rơi. Còn tôi đang trôi. Bao lần tôi đã ngụ trong mưa lạnh đầu nguồn, chân quay về hướng bếp, ngủ ngon trong thì thầm của lửa, mà lúc tỉnh dậy bao giờ cũng thấy họ ngồi đó, rì rầm khe khẽ như tiếng tí tách vừa đủ củi bắt lửa. Mọi thứ quanh họ như đông cứng lại, như thể ngoài bếp và ngọn lửa đủ hắt lên màu vàng pha đồng như chiếc chiêng lâu ngày mới đem ra chùi rửa để đánh, còn lại tất cả vô nghĩa, không tên, không cần biết.

Hết rồi. Cánh cửa cho một đời sống khác, đã mở từ lâu. Bản sắc là cái hiện diện và luôn mở chứ không phải là cái đã có, cố cựu. Thôi đành xếp nó vào viện bảo tàng, đứng cạnh cầu thang gỗ một thuở thập thò bước chân như mắt rừng ngó nghiêng… Chắc ở đó, lửa chưa nguội mà mắt nó còn thức, chắc nó ao ước bùng cháy như mắt ông già đây, bởi nói gì thì nói, khởi thủy của nó đã làm nên một sắc thái khác biệt, vì nó là rừng, mà rừng là ông thầy minh triết. Chúng ta đã phá sạch rừng, thì làm sao hiểu nó được…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất