, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 30/11/2023, 06:00

Mặt trời đẩy lùi bóng tối

ĐOÀN TUNG
"Ngày nay, bóng tối của màn đêm sẽ vĩnh viễn biến mất khỏi ngôi làng của chúng tôi" - Seng Sommala, Trưởng làng Ko Bong, Lào.
Các tấm pin mặt trời tại làng Ko Bong và Tha Phai Bai.

Năng lượng mặt trời ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cả các ngành công nghiệp lẫn trong đời sống hàng ngày của người dân trên toàn thế giới. Bài viết sau đây thử khảo sát vấn đề vừa nêu tại ba quốc gia trên ba châu lục – Lào ở châu Á, Kenya ở châu Phi và Hoa Kỳ ở châu Mỹ.

Lào: nghịch lý làng Ko

Hai ngôi làng Ko Bong và Tha Phai Bai nằm bên dòng sông Nam Theun chảy qua khu bảo tồn thiên nhiên ở miền Trung nước Lào. Dòng Nam Theun cung cấp nước cho một công trình thủy diện chủ lực hòa vào lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, việc nằm gần một trung tâm thủy điện quốc gia lại là một nghịch lý bởi lẽ địa hình hiểm trở của hai ngôi làng đã ngăn cản vấn đề kéo điện đến các khu làng. Thế nên, từ nhiều năm nay, để có điện cho nhu cầu thắp sáng của mình, dân làng vẫn cứ phải dựa vào các máy phát điện nhỏ chạy bằng dầu diesel, vừa có giá thành cao, vừa rất hay hỏng hóc, lại vừa làm ô nhiễm môi trường. Do đó, khi màn đêm buông xuống, chuyện có ánh sáng đẩy lùi bóng tối để dân làng tiếp tục các hoạt động sinh hoạt đời thường vẫn là niềm mơ ước của họ.

“Đã qua biết bao thế hệ, nhiều người dân làng phải thu thập nhựa một số loại cây trong rừng để tạo thành các ngọn đuốc thắp sáng vào ban đêm”, Koun, một già làng cho biết trong một tài liệu thuộc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) (1). “Nhưng chuyện đó không dễ dàng gì, nhất là vào mùa mưa. Thế cho nên, nay chỉ cần bật một công tắc tại nhà là đã có ngay ánh sáng quả là một chuyện đổi đời”.

“Chuyện đổi đời” mà già làng Koun đề cập bên trên bắt đầu từ tháng 10 năm 2020. Đó là lúc hình thành công trình cung cấp điện mặt trời cho hai ngôi làng do Liên minh châu Âu, chính phủ Đức và Tây Ban Nha tài trợ, được thực hiện bởi UNDP. Đó là một lưới điện thu nhỏ (mini-grid), được thiết kế nhằm mang lại nguồn điện sạch, ổn định với giá thành phải chăng đến với các cộng đồng dân cư tại các khu vực hẻo lánh bị ngăn cách khỏi lưới điện quốc gia.

Lưới điện cho hai ngôi làng Ko Bong và Tha Phai Bai đã tiến một bước xa hơn. Còn được gọi là “lưới điện uyển chuyển” (flex-grid), hệ thống này dựa trên công nghệ mới – đặc biệt phù hợp với các cộng đồng nhỏ tại các nơi xa xôi – bao gồm bộ phận trung tâm nối với các đơn vị tích trữ điện năng có khả năng tăng công suất nếu nhu cầu lên cao. “Sáng kiến tiết kiệm” này giúp lưới điện có thêm sự uyển chuyển và thích ứng với điều kiện địa phương khác nhau vì có thể tăng công suất nếu cần, đúng như tên gọi “lưới điện uyển chuyển” của nó.

Teung, Trưởng làng Tha Phai Bai.

Hơn nữa, giải quyết nhu cầu ánh sáng vào ban đêm của dân làng chỉ là khởi đầu cho một quá trình dân sinh rất dài. Năng lượng sạch lấy từ pin mặt trời còn giúp cải thiện đời sống người dân. Chẳng hạn như trẻ em nhờ điện có thể làm bài tập vào ban đêm, hay các trạm y tế cũng có nguồn điện tiếp tục cung cấp dịch vụ sức khỏe. Đã từng xảy ra nhiều trường hợp không may trước đây khi sản phụ chuyển dạ khó khăn đang được nhân viên y tế chăm sóc thì… mất điện – có lúc mất cả mẹ lẫn con. Cũng nhờ nguồn điện ổn định, thuốc men và vaccine được bảo quản tốt hơn rất nhiều.

Nguồn điện mặt trời còn giúp bảo quản thực phẩm. Bà chủ cửa hàng duy nhất trong làng đã sắm một cái tủ lạnh để chứa các mặt hàng thực phẩm của bà lâu hơn.

Dân làng Ko và Tha đã có điện mặt trời nhờ vào hệ thống “lưới điện uyển chuyển”. Vấn đề còn lại là làm sao duy trì hệ thống như vậy. Chìa khóa cho vấn đề này ở làng Ko và Tha là dựa vào chính cộng đồng địa phương. Một nhóm dân làng được huấn luyện cho công tác bảo trì hệ thống. Định ra giá điện phải chăng cũng là vấn đề then chốt. Một lần nữa, chính cộng đồng địa phương tự thảo luận để đồng thuận giá điện áp dụng cho chính họ.

Điện được lưu trữ trong các đơn vị tích điện năng riêng lẻ, được sản xuất bởi công ty PowerBlox. Ảnh: Thome Xaisongkham UNDP Lao PDR.

Kennya: nghịch lý hồ Victoria

Giống như hai ngôi làng Ko và Tha ở Lào, hạt Homa Bay (Homa Bay County) ở quốc gia châu Phi Kenya cũng nằm gần một nguồn nước mênh mông: hồ nước ngọt Victoria. Xấp xỉ 60.000 cây số vuông (gần một phần năm diện tích Việt Nam), đây là hồ nước lớn nhất châu Phi và cũng là hồ nước ngọt thuộc loại lớn nhất thế giới.

Thế nhưng, tuy hạt Homa Bay nằm ở khu vực lân cận hồ nước khổng lồ Victoria, cho đến những năm gần đây, nguồn cung cấp nước sạch vẫn là một vấn đề nan giải đối với cư dân địa phương. Theo lời kể của Akinyi, một dân làng Nyandiwa thuộc hạt Homa Bay, phụ nữ trong làng phải lội bộ hàng cây số đến các dòng sông để mang nước sạch về nhà. 

Bốn năm trước, một câu chuyện đổi đời tương tự như ở Lào xảy ra ở Kenya. Một hệ thống gồm năm máy bơm nước chạy bằng năng lượng mặt trời được thiết lập tại khu vực thuộc hạt Homa Bay. Hệ thống này đang cung cấp nước cho 700 hộ gia đình thuộc bảy ngôi làng. Đây là một công trình với mục đích kép: cung cấp nước sạch cho cư dân và bảo vệ nguồn nước khỏi ô nhiễm. Chỉ riêng trạm bơm ở làng Nyandiwa bơm được 3.000 lít nước mỗi giờ. Trạm bơm công suất 2,2 kilowatt được tăng cường bởi hệ thống pin mặt trời có công suất 5 kilowatt, hơn gấp đôi, nhằm bảo đảm hoạt động trong những ngày có ít ánh nắng mặt trời.

Hội Chữ thập đỏ Kenya có vai trò quan trọng trong vấn đề này. Họ đứng ra quản lý dự án – bao gồm bảo vệ các nguồn nước hiện hữu, thiết kế và xây dựng các bình chứa nước sạch và lắp đặt các trạm bơm sử dụng năng lượng mặt trời. Việc sử dụng năng lượng mặt trời thay vì dầu diesel, một loại nhiên liệu hóa thạch, để bơm nước không những tiết kiệm tiền bạc cho cư dân địa phương, mà còn bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch bền vững mà không làm hại môi trường sống.

Ngoài Hội Chữ thập đỏ, cũng cần kể đến khu vực tư nhân ở Kenya. Solibrium là một công ty tư nhân ở Kenya chuyên bán tấm pin năng lượng mặt trời và đèn dùng năng lượng mặt trời cho các cộng đồng ở Kenya thông qua mạng lưới hội phụ nữ địa phương. Solibrium sắp xếp các khoản vay và khoản trợ giá cho khách hàng (có thể mua qua hình thức trả góp). Khách hàng cũ sẽ hưởng lợi khi giới thiệu được khách hàng mới. Cứ thế, số lượng khách hàng của Solibrium mở rộng thêm.

Nông dân Kenya được lợi rất lớn từ các hệ thống năng lượng mặt trời. Ngoài chuyện đèn năng lượng mặt trời giúp họ có thêm thời gian canh tác, họ còn sử dụng hệ thống thủy lợi chạy bằng năng lượng mặt trời. Trước đây, chỉ có nông dân giàu có mới có thể dẫn thủy nhập điền nhằm canh tác hoa màu theo ý họ. Ngày nay, nhiều nông dân nghèo hơn ở Kenya cũng làm được điều này nhờ sử dụng năng lượng mặt trời.

Lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái ở hạt Kaijado, Kenya.

Theo tài liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) mà bài viết này dựa vào (2), chính phủ Kenya đã cam kết cắt giảm 30% khí thải cacbon tại quốc gia này vào năm 2030. Giảm sử dụng dầu diesel, các loại máy chạy xăng và bảo vệ các khu rừng bằng cách thay than củi bằng năng lượng mặt trời là một biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết các vấn đề phụ nữ và trẻ em Kenya phải đối mặt cũng như giảm biến đổi khí hậu ở Kenya.

Mỹ: đồng thuận Dân chủ - Cộng hòa về năng lượng mặt trời

Có một điều thú vị là trong khi các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đang gần như không thể đồng ý với nhau về bất kỳ vấn đề nào, các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa lại có sự đồng thuận rất lớn về vấn đề năng lượng mặt trời (và năng lượng gió) tại quốc gia này.

Kết luận trên được rút ra từ một bài báo của tờ Washington Post xuất bản đầu tháng 10 vừa qua (3). Theo bài báo, trong một cuộc thăm dò do tờ báo và Viện Đại học Maryland cùng thực hiện, ba phần tư người Mỹ được hỏi trả lời họ vẫn cảm thấy dễ chịu nếu như một nhà máy sản xuất điện mặt trời được xây dựng gần nơi họ ở. Thái độ này cũng gần như không thay đổi khi xét về nơi họ cư ngụ, thành thị cũng như nông thôn.

Gật đầu với năng lượng xanh cũng là thái độ chung của cử tri cả hai đảng, với 66% cử tri Cộng hòa ủng hộ so với 87% cử tri Dân chủ làm như vậy. Trong khi đó, chỉ có 44% cử tri Cộng hòa và 26% cử tri Dân chủ ủng hộ năng lượng nguyên tử.

Thực ra, ủng hộ năng lượng xanh nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng đã là một sự đồng thuận của các cử tri Mỹ trong nhiều năm qua. 

Theo World Economic Forum, nước Mỹ hiện nay là quốc gia thải ra khí hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Ở Mỹ, một phần tư trong số này là từ khí thải cacbon do sản xuất điện năng tạo ra. Tổng thống Biden đã đặt mục tiêu loại bỏ khí thải cacbon trong ngành năng lượng Mỹ từ năm 2035.

Nhiều người dân Mỹ đã nhận ra vai trò quan trọng của năng lượng xanh trong việc giảm khí thải và biến đổi khí hậu. Nhìn chung, ai quan tâm nhiều hơn đến biến đổi khí hậu sẽ dã dàng chấp nhận hơn việc xây dựng nhà máy năng lượng xanh tại nơi họ sống. Và như vậy, sự xuất hiện của các tấm pin mặt trời hay tuabin điện gió gần ngôi nhà mình cũng là điều họ không phản đối.

Cuộc thăm dò của tờ Washington Post và Viện Đại học Maryland cũng đưa ra kết luận như trên. Kết quả cho thấy có đến 79% người sống ở thành thị đồng ý với việc xây dựng cơ sở năng lượng mặt trời tại nơi ở so với 74% người đồng ý sống ở khu ngoại ô và 71% sống ở vùng nông thôn.

Việt Nam: làm sao đạt mức phát khí thải ròng bằng không vào năm 2050?

Cách đây đúng hai năm, sáng ngày 30 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26). Tai hội nghị có khoảng 30.000 người tham gia này, Thủ tướng đã long trọng cam kết kéo mức phát thải ròng ở Việt Nam xuống bằng không vào năm 2050. Với mục tiêu gần hơn, Việt Nam sẽ giảm 9% tồng lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, theo báo Điện tử Chính phủ.

Rõ ràng, đây là các mục tiêu đầy ý nghĩa, nhưng không hề dễ dàng nếu không có các kế hoạch khả thi. Và bất kể các kế hoạch đó là gì, điện mặt trời chắc chắn đóng một vai trò không nhỏ. Tuy nhiên, xét cả về quy mô công nghiệp lẫn hộ gia đình, dường như các biện pháp hiện hành nhằm phát triển năng lượng mặt trời xem ra có rất ít hứa hẹn cụ thể. 

Hy vọng những người có trách nhiệm không cho rằng cam kết của Thủ tướng tại COP26 chỉ là lời hứa suông.

(1)https://undp-climate.exposure.co/breaking-through-the-darkness

(2)https://en.unesco.org/courier/2019-3/solar-energy-changing-rural-lives-kenya

(3)https://www.washingtonpost.com/climate-solutions/2023/10/03/solar-panels-wind-turbines-nimby/

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất