, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 07/01/2021, 09:57

Màu xanh đã trỗi lên trên cánh đồng bão lũ vùi lấp

Theo TÂM PHÙNG (nongnghiep.vn)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và đoàn công tác đã đi kiểm tra, đánh giá tình hình khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ tại Quảng Bình.

 

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trò chuyện với nông dân xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy). Ảnh: N.Tâm.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trò chuyện với nông dân xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy). Ảnh: N.Tâm.

Lũ rút, rau lên vồng…

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, mặc dù bị thiệt hại lớn do mưa lũ gây ra nhưng Quảng Bình đã nhanh chóng tái thiết sản xuất, sớm ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất cho bà con nông dân.

"Trên cánh đồng lũ vừa rút đã thấy rau xanh trỗi lên. Đó là sự cố gắng lớn. Nghành NN-PTNT tỉnh phải tạo mọi điều kiện để người dân có thu nhập từ rau, đậu, vật nuôi trong dịp tết Nguyên đán sắp đến", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Sáng 6/1, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã về các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh để kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp. 

Trên cánh đồng ngoài, cạnh quốc lộ 1A (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy), bà con nông dân không quản mưa, lạnh giá ra đồng chăm sóc rau xanh.

Ông Lê Văn Quế (thôn An Đinh, xã Hồng Thủy) đang bón phân hữu cơ cho ruộng trồng su hào của mình.

Ông Quế cho hay, cây giống được gieo từ hạt do Trung ương (Bộ NN-PTNT) hỗ trợ. Ông gánh bùn đắp lên sân nhà rồi gieo hạt giống. Khi lũ ngoài đồng rút được vài hôm, chờ cho đất vừa ráo là ông đánh luống, lên vạt và đưa giống su hào ra trồng. Ông Quế đánh rãnh giữa hai hàng cây để bón phân. Thứ phân hữu cơ được ông trộn lẫn giữa mùm rơm với phân chuồng.

“Ruộng su hào này gia đình tôi sẽ thu hoạch vào thời kỳ sau tết. Lúc đó, rau của sẽ khan hiếm hơn chút và giá cũng sẽ được hơn”, ông Quế tiên lượng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra mô hình ủ rơm rạ hoai mục lên luống rau, đậu ở Hồng Thủy. Ảnh: N.Tâm.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra mô hình ủ rơm rạ hoai mục lên luống rau, đậu ở Hồng Thủy. Ảnh: N.Tâm.

Hỏi chuyện và nghe bà con nói về việc ủ rơm, rạ đã hoai mục lên luống trồng rau để giữ ẩm và tăng chất mùn cho cây trồng. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ghi nhận, hỏi vì sao bà con ủ cát trắng lên luống trồng rau. Ông Quế giải thích: “Cát trắng sạch có tác dụng ngăn ngừa mầm sâu bệnh, đồng thời củ su hào lớn lên sẽ xanh sạch hơn. Ngoài ra cát cũng có tác dụng hút ẩm lên làm rễ cây non phát triển nhanh”.

Thứ trưởng ghi nhận và khen ngợi những sáng kiến xuất phát từ thực tiễn trên đồng ruộng của bà con nông dân vùng lũ.

"Nghành NN-PTNT tỉnh chú trọng xây dựng những mô hình hiệu quả cao cho bà con học hỏi làm theo và qua đó tăng thu nhập hơn nữa cho bà con", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý.

Tại huyện Quảng Ninh, đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã ra cánh đồng thôn Hiển Vinh (xã Duy Ninh) để kiểm tra tình hình sản xuất đông - xuân và động viên bà con nông dân.

Trên đồng, ông Lê Quang Diệu đang vét rãnh để tháo nước ruộng. Ông bảo, phải tháo hết nước và cho bùn lắng xuống để chiều gieo giống.

"Nhà có hai mẫu ruộng (1 ha) đã xong khâu làm đất chuẩn bị xuống giống. Chiều nay gieo hai sào giống Xuân Mai do Bộ NN-PTNT hỗ trợ". Trao đổi với bà con, Thứ trưởng cũng lưu ý phải giữ ấm cho mạ non trong thời tiết giá lạnh. Đồng thời tranh thủ thăm đồng để giám sát chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại lúa.

Thứ trưởng thăm hỏi, căn dặn nông dân xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) lưu ý chống rét cho mạ non trong thời tiết giá lạnh. Ảnh: N.Tâm.
Thứ trưởng thăm hỏi, căn dặn nông dân xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) lưu ý chống rét cho mạ non trong thời tiết giá lạnh. Ảnh: N.Tâm.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cũng đã báo cáo tình hình tái thiết sản xuất và triển khai vụ đông - xuân với đoàn công tác. Cùng với nguồn hỗ trợ, động viên kịp thời của Nhà nước và các nhà hảo tâm về tiền mặt và cây, con giống để khôi phục sản xuất.

Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được 4.000 ha ngô, rau, khoai lang… Riêng vụ đông - xuân, các địa phương đã cơ bản hoàn thành khâu làm đất và đã gieo được gần 5.400 ha.

"Sở NN-PTNT đã chuẩn bị tốt nhiệm vụ sản xuất vụ đông - xuân. Giống lúa đủ, cơ cấu chuẩn và đang chỉ đạo các địa phương đảm bảo đúng lịch thời vụ. Nông nghiệp Quảng Bình sau lũ đã có những chuyển biến mạnh mẽ hơn", ông Minh cho hay.

Đào cát… lấy ruộng

Sau lũ, Quảng Bình có trên 120ha ruộng các loại bị bùn, đất vùi lấp. Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) cho biết, trên địa bàn xã có hơn 26ha đất ruộng bị bùn đất vùi lấp.

"Trong đó, có cả ruộng lúa và ruộng hoa màu bị lấp sâu đến hơn 1m. Còn lại đa số đều sâu từ 0,5-0,8m.  Hơn một tháng kể từ khi lũ rút, chính quyền xã đã tìm nhiều giải pháp để giúp người dân sản xuất kịp mùa vụ”.

Nông dân Quảng Bình tranh thủ làm đất để gieo lúa kịp thời vụ. Ảnh: N.Tâm.
Nông dân Quảng Bình tranh thủ làm đất để gieo lúa kịp thời vụ. Ảnh: N.Tâm.

Cũng theo ông Sơn, điều đáng lo nhất là tất cả diện tích bị vùi lấp này đã không thể phục hồi để trồng lúa và hoa màu được. Vì bùn đất này không phải phù sa như trước đây, mà đây là đất sỏi pha sét. Chất đất này giống với loại đất tại những điểm sạt lở trên những ngọn núi ở sâu trong rừng.

Trước đó, đoàn cán bộ Bộ NN-PTNT đã về xã Hưng Trạch nắm tình hình thực tế và tìm giải pháp giúp người dân. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, toàn bộ 26ha đất ruộng của xã Hưng Trạch bị vùi lấp hiện không thể khôi phục để sản xuất lúa và hoa màu như trước.

Trước thực trạng này, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương tập trung tìm giải pháp tháo gỡ giúp dân.

"Trước mắt, có hai phương án để người dân chuyển đổi diện tích đất bùn bị vùi lấp sang nuôi - trồng hoa màu khác. Những diện tích ruộng lúa bị bùn đất vùi lấp sâu sẽ để người dân đào ao nuôi cá. Còn những diện tích ruộng màu bị lấp sẽ tiến hành trồng thử nghiệm bí ngô một mùa. Nếu hiệu quả tốt sẽ triển khai tiếp", ông Mai Văn Minh cho hay.

Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, huyện đã chỉ đạo làm mô hình trên vùng ruộng bị vùi lấp trên diện tích hơn 1 ha.

“Chúng tôi hướng dẫn bà con đào hố, xuống giống bí đỏ, bí lấy ngọn… Khi mô hình có hiệu quả thì sẽ nhân rộng toàn bộ diện tích”, ông Long cho hay.

Kiểm tra tình hình phục hồi đất tại Hưng Trạch, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã đánh giá cao những nỗ lực của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và bà con nông dân trong việc khắc phục hậu quả mưa lũ và tái thiết sản xuất.

“Từ nguồn hỗ trợ giống cây, giống con của Trung ương, Quảng Bình đã phân bổ rất kịp thời và chỉ đạo phục hồi, tái thiết sản xuất rất có hiệu quả. Nông nghiệp Quảng Bình đã có bước khởi sắc. Đặc biệt, sau mưa lũ, bà con đã có rau xanh để sử dụng trong bữa ăn hàng ngày và có thu nhập từ rau xanh là cần được nhân rộng kinh nghiệm cho các địa phương khác”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Theo TÂM PHÙNG (nongnghiep.vn)

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất