, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 17/04/2022, 21:15

Mây đen bay qua

NGUYỄN MỘT
...Chị Ba bám trụ ở quê khổ đắng người, khổ đến nỗi khi viết bút ký chân dung: Nguyễn Một – Người đi tìm dòng sông ký ức, nhà báo Trung Việt viết về chị như sau: “Người đàn bà đi qua mưa nắng, một đời chân lấm tay bùn, khô quắt như cột thu lôi rút hết cực khổ vào mình”.

Chị Ba Sắt - người đã nấu món mì Quảng mà thi sĩ Văn Công Hùng khen nức nở trong một bài viết của mình, mỗi lần tôi về chị đều xay bột bằng cối đá tráng bánh như ngày xưa, bắt con gà nấu nước nhưn, cắt cây chuối trong vườn xắt làm rau sống trộn với ít lá húng dũi, lá quế, lá é, làm chén dầu phộng khử củ nén. Chỉ làm món ăn bình dân mà khi nấu chị chăm chút như nấu cho vua ăn. Nấu xong chị dọn trên chiếc bàn đóng bằng tre chỗ chái bếp cho tôi và bạn bè tôi, vừa ăn vừa nhìn bầy gà nằm tránh nắng dưới những bụi chuối xào xạc trong cơn gió nóng bỏng của trưa hè, ngon không thể tả. 

Món ăn đặc trưng của nền “văn hóa khai khẩn” khiến cho bạn bè tôi nhớ quê hương tôi. Khi nhà thơ Văn Công Hùng khẳng định mì do chị Ba của Nguyễn Một nấu ngon nhất, bạn Khánh Vân - một phụ nữ giỏi giang xinh đẹp được mệnh danh là “nữ hoàng truyền thông” hỏi tôi xin công thức, tôi trả lời: “Mì, gà, rau sống, dầu phộng, củ nén cộng với cảm xúc của tình yêu thương của con người và quê hương Quảng Nam của anh!”. Khánh Vân cười bảo: “Cái món gia vị cuối cùng thì em chịu!”.

Thực ra tôi nghĩ bí quyết chắc chỗ “dầu phộng khử củ nén” mà quê tôi gọi là “dầu phụng”, món dầu ăn quê tôi dùng từ xưa cho tới bây giờ. Khoảng tháng mười một âm lịch sau mùa gặt nhà nào cũng tự trồng đám đậu phộng (lạc) trong vườn, đến tháng ba âm lịch thì thu hoạch để ép dầu. Đậu phộng phơi khô bóc vỏ hấp lên và ép lấy dầu, còn bánh dầu thì làm tương hoặc bỏ vào canh bí đỏ. Nhà nào trồng nhiều thì ép luôn cả vỏ. Dầu được ép luôn cả vỏ thường thơm và có giá hơn nhưng bánh dầu thì chỉ để nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm phân. Tại thời điểm tôi viết cuốn sách này giá dầu phụng khoảng hơn một trăm hai chục ngàn, có nghĩa đắt gấp ba lần dầu ăn công nghiệp bán trong siêu thị. Dân quê tôi không ai ăn dầu công nghiệp, chị Ba tôi nói: “Không biết họ ép cái thứ chi ra mà rẻ như rứa làm răng tin được!” 

Còn củ nén là loại gia vị có thể của người Chăm để lại, lá như lá hẹ, củ nhỏ bằng hạt đậu phộng có mùi thơm nặng, nhà nào cũng trồng, khi phi dầu phụng thường người Quảng dùng củ nén để khử, thơm nức mũi. Tô mì Quảng mà không chan được một muỗng dầu phụng khử củ nén thì không ra vị của mì Quảng.

Nhớ ngày xưa cứ tới mùa gặt, phơi phóng xong đâu đó ông ngoại tôi lại xách gàu rủ tôi đi ra đồng. Ông nói: “Ông cháu mình đi kiếm con cá tràu để mai làm tô mì gạo mới”. Hồi đó, cá nhiều vô kể, đi một lúc là có vài ba con tràu đủ làm nồi nhưn cho bữa mì Quảng. Mì cá tràu cũng được xem là món đặc sản quê tôi, cá tràu lóc thịt kho nghệ tươi, củ nén, xuơng nấu nước, có được nồi nhưn cá ngon để chan mì. Tát nước xong, ông chỉ bắt cá to, cá nhỏ bỏ lại xuống ruộng để cho nó lớn.

Lâu ngày được ăn mì, ăn xong còn chút nước trong tô, tôi bưng húp sạch. Thấy vậy, ông đưa tay ngăn và nói: “Đừng ăn hết như thế!”. Rồi ông giảng giải: “Mình đừng bỏ thừa nhiều quá phí của, nhưng cũng đừng ăn hết đến miếng cuối cùng vì còn phải chừa lại cho sinh linh ngạ quỷ, chừa lại cho những sinh vật mà mình không nhìn thấy”. Ông hay chia sẻ những thứ mình có cho mọi người. Ông không bao giờ gọi họ là “ăn xin, ăn mày” mà gọi là “khách đường xa”. Mỗi lần họ đến, ông bảo tôi: “Con xúc cho khách đường xa lon gạo”. Chính vì vậy bà tôi hay cằn nhằn cái đức tính quá rộng rãi của ông. Quê nghèo miếng ăn cũng phải chắt chiu mà ông tôi thì đôi khi nhịn ăn cho người. Ông hay cười và đọc câu ca dao:

Nhịn miệng đãi khách đường xa.

Cũng bằng của gởi con ta để dành!

- Đời mình ăn hết đời sau con cháu lấy gì mà ăn? - Câu ông thường nhắc tôi trong mỗi bữa.

Càng lớn tôi càng thấm thía lời ông. Hồi năm 1978 đến 1981, cả nước thiếu lương thực “đói xanh xương”. Nhớ năm 1980, Anh hùng Phạm Tuân là người Việt Nam đầu tiên bay lên vũ trụ, báo chí hồ hởi ca ngợi thì dân quê lại truyền tụng câu vè: “Dân đang thiếu gạo, thiếu mì. Anh lên vũ trụ làm gì hỡi anh?”. Khổ! Khi người ta đã đói thì suy nghĩ chỉ loanh quanh việc làm sao thoát khỏi cái ăn. May mà thời đó dưới suối, ngoài đồng còn con cá, trong rừng còn mụt măng, cái rau, củ mài, củ chụp mà sống qua cái đận ấy. Bây giờ ruộng đồng vắng bóng con cá, con ốc, chúng ta “vô cơ hóa” để được nhiều hạt lúa thì cánh đồng bị bức tử bởi mất quá nhiều thứ dưới chân gốc rạ. 

Đôi khi lẩn thẩn nghĩ: “Nếu mà nước mình lỡ xảy ra chuyện gì thì chắc con cháu mình chết đói quá, rừng bị cạo sạch rồi, sông suối đồng ruộng tìm đỏ con mắt chẳng thấy được con cá. Chúng ta không chỉ tiêu phá hết tài sản của quá khứ do cha ông để lại mà còn vay luôn cả tương lai của con cháu. Đất nước cũng như số phận của đời người, ai mà biết trước điều gì xảy ra?” Lại nhớ lời ông: “Chín mươi chưa chắc đã lành, đừng thấy người ta sa cơ mà khinh dễ, đừng moi móc xỉa xói trước sự bất hạnh của người khác, khẩu nghiệp nặng nhất trong các nghiệp đó nghen con!”…

(Trích tự truyện của nhà văn Nguyễn Một sắp xuất bản)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất