, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 21/07/2022, 06:30

Máy nông nghiệp khổng lồ làm đất chết ngạt

MẠNH HÙNG
Loài khủng long Sauropod đầu nhỏ, cổ dài nhưng nặng hàng chục tấn đã ngự trị trên hành tinh chúng ta cách đây 150 triệu năm. Chúng lang thang đây đó, làm lún đất nhiều nơi chúng đi qua. Nay khủng long đã tuyệt chủng, thời đại vàng của những sinh vật khổng lồ đã hết? Không hẳn thế!
Một máy gặt hiện đại trông không khác gì một con khủng long thời tiền sử. Ảnh: AgTech Daily.

Kết quả từ một nghiên cứu có tựa là Farm vehicles approaching weights of sauropods exceed safe mechanical limits for soil functioning công bố ngày 16/5 vừa qua trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) chỉ ra rằng: Khối lượng của máy móc nông nghiệp hiện đại thời nay cũng không thua kém gì những động vật lớn nhất hành tinh trong quá khứ. Và hậu quả nhãn tiền là đất trồng bị nén chặt, giảm độ phì nhiêu.

Cuộc “cách mạng xanh” được khởi xướng vào cuối Chiến tranh thế giới thứ II đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp thế giới. Thuốc trừ sâu và phân bón tổng hợp dần xuất hiện đã từng bước gây tác hại lên đời sống sinh vật. Máy móc nông nghiệp cũng vậy. Tính từ năm 1958 đến 2020, khối lượng trung bình của các máy gặt đã tăng lên 10 lần, từ 4 tấn lên 36 tấn - tương đương với sức nặng của một cặp khủng long Diplodocus trưởng thành. Máy thu hoạch củ cải đường thế hệ mới nhất nặng tới 60 tấn, gần bằng một con khủng long Argentinosaurus “to đùng” nặng khoảng 70 tấn.

Bề mặt đất trồng sẽ “ngạt thở” dưới sức nặng của các máy nông nghiệp hiện đại. Trong ảnh là một máy thu hoạch củ cải đường. Ảnh: Agrimachines 59 / Video Youtube.

Thực trạng “béo phì” của các loại máy nông nghiệp khiến nhóm nghiên cứu lo lắng, bởi áp lực nén lên mặt đất từ các thiết bị cơ giới này khi chúng di chuyển trên cánh đồng, như những chiếc xe lu đường, sẽ ép chặt các tầng đất sâu (tức phần đất không được cày bừa), tỷ lệ thuận với khối lượng của chiếc máy đó. Giáo sư Thomas Keller thuộc Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển, một trong những tác giả của nhóm nghiên cứu, giải thích như sau: “Khi đó, mặt đất sẽ giảm đi độ xốp và sẽ hấp thu nước kém hơn. Rễ cây khó phát triển hơn. Đất nông nghiệp sẽ giảm năng suất”. Giáo sư Thomas Keller cảnh báo thêm rằng “mặt đất khi bị nén chặt có thể làm giảm đi sinh khối rễ. Cây ra rễ ít hơn đồng nghĩa với việc hàm lượng carbon trong đất sẽ giảm đi nhiều hơn”. Và một khi khả năng hấp thu nước của nền đất giảm thì có thể làm tăng nguy cơ xói mòn (tác nhân làm giảm hàm lượng chất hữu cơ trong đất) và ngập lụt.

Theo nhóm nghiên cứu, 20% diện tích đất canh tác hiện nay trên thế giới đang đối mặt với “nguy cơ cao là bị nén chặt ở các tầng đất bên dưới”. Và cũng không gì ngạc nhiên khi nguy cơ này đang tiềm ẩn ở các khu vực có nền nông nghiệp được cơ giới hóa cao như tại châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Úc. Trong khi đó, hai khu vực khác là châu Phi cận Sahara (nơi tỷ lệ sử dụng máy móc nông nghiệp thấp) và châu Á (nơi quy mô các trang trại và máy móc nông nghiệp được thiết kế nhỏ gọn hơn) không gặp nguy cơ này. Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng quan ngại đến hiện tượng thoái hóa đất nông nghiệp trong tương lai nếu như các nước châu Phi cận Sahara và châu Á mở rộng dần quy mô trang trại và chuyển đổi sang các mô hình nông nghiệp hiện đại với các máy móc nông nghiệp tiên tiến thế hệ mới.

Không chỉ có đất nông nghiệp là nạn nhân. Đất lâm nghiệp cũng chịu chung số phận. Tại một hội chợ triển lãm lâm nghiệp châu Âu gần đây, khách tham quan đã thấy xuất hiện những chiếc máy lâm nghiệp đời mới nhất nặng vài tấn, có đường kính bánh xe bằng chiều cao một đứa trẻ. Theo nhóm nghiên cứu, tác hại tiềm ẩn từ những cỗ máy lâm nghiệp “hoành tráng” này lên đất rừng là một vấn đề “cần được quan tâm”.

Một ảnh biểu đồ trong nghiên cứu “Farm vehicles approaching weights of sauropods exceed safe mechanical limits for soil functioning” của PNAS, công bố ngày 16/5/2022.

Giáo sư Thomas Keller kết luận: “Chúng ta phải ý thức được một thực trạng là nền đất có giới hạn chịu đựng của nó. Việc phát triển các loại máy nông nghiệp ngày càng to hơn và ngày càng nặng hơn phải được chấm dứt”, bởi lẽ, nền đất canh tác không thể nào “chịu tải” quá mức cho phép.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất