, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 11/05/2022, 08:50

Mẹ chồng tôi

TRƯƠNG THÚY
Ở tuổi tám mốt, mẹ chồng tôi đã nhớ nhớ quên quên. Mẹ quên hiện tại mà nhớ mãi về những ký ức ngày xưa, về quãng ngày mẹ gánh nước mắm đi bán, gánh cả con theo vì sợ “người ta” về bắt mất con trai của mẹ...
Ảnh minh họa. Nguồn: Pngtree

1.

Mẹ chồng tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông đông con, và lớn dần trong những nơm nớp lo sợ bởi đe dọa của bom đạn chiến tranh.

Trong ký ức mẹ, in đậm nhất là những lần cả gia đình nheo nhóc chạy giặc, những lần chứng kiến bà con nhao nhác như bầy chim vỡ tổ khi bị quân giặc lùa, những lần ngước nhìn chiếc máy bay lượn đi lượn lại trên bầu trời quê và khạc lửa xuống cánh đồng khét lẹt. 

Năm 17 tuổi, mẹ đi thanh niên xung phong. Đoàn của mẹ lên tận Tây Bắc mở đường, phục vụ những người lính ngày đêm tập luyện để gấp rút vào chiến trường miền Nam, vào biên giới Lào, Campuchia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Ngày mẹ từ Tây Bắc trở về, ông bà ngoại đã tính chuyện chồng con cho mẹ. Ở quê ngày đó, 20 tuổi đã là muộn. Vậy mà mẹ lắc đầu không chịu và lại đi “thoát ly”. Mẹ đi làm công nhân ở xí nghiệp nước chấm Kim Động, nhất quyết không chịu ở nhà lấy chồng, làm ruộng, sinh con.

Trong những lần mẹ ngồi tỉ tê một mình, tỉ tê chuyện mình, tôi nghe mẹ nói nhiều về 3 năm sống trên Tây Bắc, nhưng lại không mấy khi nghe mẹ nhắc về thời gian làm việc tại xí nghiệp nước chấm. Có thể đó là một đoạn ký ức mờ nhạt so với thời mẹ đi thanh niên xung phong. 

Mãi năm bước sang tuổi 40 mẹ mới lấy chồng, để rồi sau đó mới cay đắng nhận ra mình chỉ là phận lẽ mọn, và đứa con trai duy nhất của mẹ - là chồng tôi bây giờ - chỉ là phận con thêm. Nhưng điều làm mẹ đau hận nhất là thật ra người ta - tức là bố chồng tôi - chỉ cần có đứa con trai nối dõi mà thôi, chứ không cần mẹ. 

2.

Cho đến giờ mẹ vẫn rưng rưng nỗi niềm “Dò sông dò biển dễ dò/ Đố ai lấy thước mà đo lòng người" khi nhớ về những năm tháng mẹ phải đấu tranh để giành giữ đứa con trai của mình khỏi bị người ta bắt mất. 

Mẹ nhắc nhiều về vùng ký ức đó. Đoạn mà mẹ một mình bụng mang dạ chửa, sống trong căn chòi lụp xụp dựng tạm trên mảnh đất xã cấp cho. Ngày đi làm xí nghiệp, tối xe đất ngoài đồng về đổ nền cao lên thành sân, thành vườn. Nhờ bà con lối xóm, mẹ cũng dựng được một căn nhà tranh vách đất nhỏ xíu trước khi trở dạ sinh con. Chỉ một mình mẹ. 

Sau đó là quãng ngày cơ cực của hai mẹ con, khi bao nhiêu tiền dành dụm được đều lo thuốc men những khi con ốm mẹ cũng đau thập tử nhất sinh. Đang sức cùng lực kiệt, không biết bấu víu vào đâu giữa khốn khó, thì chồng mẹ về. 

Ông về, nhìn mái nhà tranh xiêu vẹo, nhìn cửa ngõ bờ giậu tềnh toàng, rồi lạnh lùng đòi mẹ giao đứa con trai cho ông. Ông bảo sẽ nuôi dạy nó tử tế, sẽ cho nó ăn học đàng hoàng, chứ ở với bà nó chẳng thể nên người. 

Mẹ giận dữ khi nghe những lời nhẫn tâm đó. Đời nào mẹ chịu rời xa đứa con mà mình mang nặng đẻ đau, mẹ lại càng sợ hơn nữa là những thiệt thòi, khổ sở mà con mình sẽ hứng chịu khi sống với mẹ cả. Hai người lớn giằng co, cãi vã. Đứa con nhỏ sợ hãi nép sau mẹ, nước mắt chan hòa, ánh mắt hoảng hốt nhìn người cha lạ lẫm đang tức tối chửi bới.

Câu chuyện mẹ hay lặp lại là về quãng ngày mẹ gánh nước mắm rao bán khắp làng trên xóm dưới, gánh cả con theo vì sợ đứa con nhỏ bị “người ta” về bắt mất. Mắm một bên, con một bên, đôi quang gánh của mẹ kĩu kịt dỗ thằng con vào giấc ngủ chập chờn trong lời ru cũng là lời rao nước mắm của mẹ. Vậy mà mẹ cũng qua, vậy mà con cũng lớn…

3.

Có những lúc lời mẹ nói là những tiếng thầm thì như gió rít qua kẽ răng. Hình như mẹ đang nói với người đàn ông bội bạc đã mất cách đây hơn chục năm rồi. Có lẽ mẹ cũng muốn quên đi những ký ức buồn đau, nhưng mẹ lại chẳng thể tha thứ cho kẻ đã lừa dối mình. 

Mẹ bảo ông không phải là chồng mẹ, cũng chẳng đáng làm cha của con trai mẹ, nhưng hình ảnh ông thì mẹ lại luôn mang theo bên mình. Ngay cả bây giờ, khi đã không còn tỉnh táo, minh mẫn nữa, người đàn ông đó vẫn luôn trong tâm trí mẹ.

“Ông nhớ không? Năm con bảy tuổi, ông lại trở về bắt nó khi tôi đi bán mắm. May mà nó trốn về được. Ông thấy không? Có đứa con nào chịu rời xa mẹ nó để đến sống ở một nơi xa lạ lạnh nhạt tình người. Nó trốn về ông giận lắm phải không? Bởi vậy, ông mới tuyên bố từ nay không nhìn mặt nó nữa”... - Mẹ nói một mình, mà đôi mắt cứ nhìn về một phía, như thể người đàn ông của bà đang ngồi đó lắng nghe.

Rồi thằng con cũng kịp lớn khi mẹ không còn đủ sức chèo chống cuộc mưu sinh. Ngày tôi về làm dâu, mẹ đã như vậy rồi. Cứ ngồi nói một mình, cứ kể những chuyện xưa. Mẹ sống với ký ức nhiều hơn là hiện tại. Chính những năm tháng đã qua khiến mẹ trở nên mạnh mẽ. Mạnh mẽ để vượt qua tất thảy những bão giông của cuộc đời, để giờ đây, mẹ bình yên bên chúng tôi, ngồi tỉ tê chuyện cũ.

Tháng năm này, mẹ chồng tôi tròn tám mốt tuổi.

Tám mốt xuân qua tuổi đã già/ Mẹ ngồi lẩm nhẩm chuyện đã qua/ Buồn vui được mất đời dâu bể/ Con cháu yên vui, mẹ là nhà…

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất