, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 18/09/2021, 16:07

Mẹ, người thầy đầu tiên của tôi

HOÀNG OANH

Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là được sống cùng mẹ suốt từ thơ bé đến lúc trưởng thành. Mẹ đã dạy tôi cặn kẽ từ những điều nhỏ nhặt nhất, không phải bằng những lời giáo huấn mà bằng chính tấm gương của mẹ.

 

Mẹ ít khi bảo tôi phải làm thế này, thế kia… nhưng mỗi khi gặp hàng xóm láng giềng, bạn bè, hay thậm chí cả trẻ nhỏ, ai mẹ cũng vui vẻ chào hỏi trước, rồi mẹ quay sang tôi: “Đến lượt con nào!”. Tôi làm theo mẹ, như một điều hiển nhiên.

Mẹ cảm ơn tôi khi nhờ tôi lấy dùm mẹ cái rổ, cái khan. Mỗi lần như thế, tôi cảm thấy vui, thấy mình là người “được việc”. Mẹ xin lỗi vì phải đi thăm bác Tư bị ốm nên chủ nhật không thể dẫn tôi về nhà ngoại chơi như đã hứa. Lúc ấy, dù rất buồn nhưng tôi không trách giận mẹ vì qua lời xin lỗi của người, tôi cảm nhận được mẹ chẳng hề thất hứa.

Cứ thế, từng chuyện từng chuyện một, tôi học theo cách mẹ hành xử với chính tôi…

Lớn lên, khi đã nhận thức được bài học về lễ nghĩa, tôi hỏi mẹ: “Trẻ con gặp người lớn phải chào hỏi, sao mẹ lại chào trước?”. Mẹ tôi cười: “Trẻ con thường làm theo ý thích, khó mà bắt ép được, người lớn phải làm gương con ạ! Mà mình có chào, trẻ mới đáp trả. Nếu nó không chào lại thì mình sẽ có cớ để bảo nó chưa ngoan và nó sẽ nhận ra điều đó. Còn cứ bắt nó chào trước, nó sẽ thấy khó chịu và thắc mắc tại sao lại phải chào…”

Mẹ tôi chưa từng học qua lớp học tâm lý nào, thời mẹ cũng chưa có điều kiện được tiếp xúc với những trang sách nói về điều này nhưng mẹ tôi là người rất hiểu tâm lý trẻ.

Ngày trước, anh em tôi rất mê những câu chuyện mẹ kể. Tuy làm lụng vất vả, tối tối mẹ vẫn dành thời gian kể chuyện cho chúng tôi nghe. Nào là chuyện chàng Mẫn Tử Khiêm bị mẹ kế đối xử tệ bạc nhưng vẫn xin cha tha thứ cho bà; chuyện về cô bé yêu thương mẹ, đã cẩn thận xé nhỏ từng cánh hoa với ước muốn mẹ sống thật lâu với mình trong Sự tích bông cúc trắng; chuyện Ăn khế trả vàng, có người em hiền lành, người anh tham lam; chuyện chú rùa chậm chạp đã thắng thỏ trong cuộc chạy thi…

Sau mỗi câu chuyện, mẹ thường hỏi: “Các con thích ai? Sao chú Thỏ nhanh nhẹn lại thua cuộc?” Lâu dần thành quen, nghe kể chuyện xong, không đợi mẹ hỏi, anh em tôi tranh nhau: “Mẹ à, con thích cô Tấm hiền lành, thật thà”, “Tham lam là không tốt mẹ nhỉ?"… 

Ngày mỗi ngày, nhẹ nhàng và khéo léo, mẹ cho chúng tôi hiểu ý nghĩa cao đẹp của sự hiếu thảo, lòng khoan dung, độ lượng, hướng thiện và tự lực vươn lên trong cuộc sống, đức tính khiêm nhường, không kiêu căng tự mãn… Trưởng thành rồi tôi càng thấy thấm thía với những mẫu chuyện mẹ đã chọn kể cho anh em chúng tôi nghe. Tôi thầm cảm ơn mẹ đã giúp chúng tôi soi mình vào đó mà sống.

Nhớ năm tôi học lớp 9, mẹ ngồi lặng đi, mắt rưng rưng khi hay tin tôi được vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi Văn toàn quốc. Tôi mừng rơn, nhảy choi choi, lay lay tay mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ không vui?”. Mẹ tôi đưa tay lên khóe mắt, rồi ôm tôi vào lòng: “Mẹ vui lắm con à! Con mẹ giỏi quá!”.

Tôi vượt qua vòng thi ngày ấy một cách xuất sắc. Bài thi cảm nhận về vẻ đẹp ca dao, dân ca của tôi tràn ngập lời ru của mẹ suốt thời thơ ấu cùng những lời giải thích nhẹ nhàng, sâu lắng mà mẹ vẫn thủ thỉ cùng anh em chúng tôi hàng đêm. Những ngôn từ mộc mạc, đầy yêu thương và giai điệu trầm bỗng qua lời ru của mẹ không chỉ giúp tôi sớm cảm thụ được ngôn ngữ mà còn cảm nhận thật cụ thể tình yêu cuộc sống, vẻ đẹp thiên nhiên, tình cảm thiêng liêng của gia đình, bè bạn… để đưa nó vào bài làm.

Giờ, tôi đã là bà mẹ của hai con. Và mẹ tôi, giờ đang viễn du nơi miền mây trắng. Nhớ mẹ, tôi học mẹ cách dạy con để dạy lại cho các con mình. Tôi biết, rồi các con cũng sẽ như mình, khôn lớn và thành nhân… 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất