, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 30/09/2022, 20:15

Miền núi phía Bắc có 778 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản

THÙY DUNG
Ngày 30/9, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Sở NN&PTNT Tuyên Quang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chế biến gỗ, lâm sản vào các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Quang cảnh Hội nghị.

Các tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện sinh thái phù hợp cho nhiều loài cây trồng lâm nghiệp phát triển, đặc biệt là các loài keo, bạch đàn, bồ đề, quế, thông, hồi. Đây là vùng có diện tích rừng sản xuất lớn, khoảng 1,5 triệu ha, chiếm 40% diện tích rừng trồng sản xuất cả nước và là vùng trọng điểm gỗ nguyên liệu với gần 700 triệu hộ gia đình tham gia trồng rừng.

Thực hiện xúc tiến đầu tư vào chế biến gỗ và lâm sản tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, đến nay toàn vùng có 778 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, chiếm 12,9% số doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của cả nước.

Một số địa phương đã hình thành các cụm, khu công nghiệp, có các doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất đồ gỗ nội thất, ngoại thất, ván dán, ván ghép thanh, ván bóc, dăm gỗ, viên nén gỗ xuất khẩu đã đạt được những thành công nhất định như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang…

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bình quân năm 2020 và 2021 của các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 839 triệu USD, chiếm 6,2 % giá trị xuất khẩu của cả nước...

Chỉ riêng tại tỉnh Tuyên Quang, những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp có bước phát triển nổi bật. Tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ lớn trên 76.500ha. Hằng năm trồng mới trên 11.000ha rừng, sản lượng khai thác trên 1 triệu m3 gỗ rừng trồng, đứng tốp đầu trong cả nước về sản lượng khai thác.

Tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%, đứng thứ 3 cả nước. Ngành lâm nghiệp tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm, GRDP ngành lâm nghiệp năm 2021 đạt gần 2.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động.

Với các lợi thế về đất đai, diện tích rừng quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp lớn, tập trung cùng các chính sách hỗ trợ đầu tư hiệu quả, hiện tỉnh đã có 8 nhà máy chế biến lớn đi vào hoạt động và có trên 300 cơ sở chế biến lâm sản nhỏ là các vệ tinh quan trọng của các nhà máy chế biến gỗ lớn.

Hình minh họa.

Tuy nhiên, việc phát triển chế biến gỗ và lâm sản tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn. Cụ thể, diện tích đất đã giao cho các hộ gia đình nhỏ lẻ, khó tạo được vùng nguyên liệu lớn; các diện tích hiện có manh mún, không tập trung gây khó cho việc thu mua và vận chuyển đến nơi chế biến; người dân vẫn còn tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết lâu dài bền vững.

Bên cạnh đó, việc tích tụ đất đai để có quy mô đủ lớn cho sản xuất hàng hóa khó thực hiện do các quy định về hạn điền; công tác quy hoạch lâm nghiệp còn hạn chế…

Tại hội nghị, đại biểu đã trao đổi các giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững như ổn định diện tích rừng trồng chất lượng cao, rừng gỗ lớn, phát triển diện tích rừng trồng mới áp dụng công nghệ cao… nhằm thu hút các dự án phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, tạo sản phẩm chất lượng và xuất khẩu.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất