, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 28/12/2016, 15:53

Miếu Bà Tam Thượng Linh từ

L.L
 

Miếu Bà nhìn về hướng Nam - Đông Nam, đây là hướng của sự khởi nguyên trong sáng, hướng của sự sinh sôi phát triển, hướng của đế vương: “Thánh nhân Nam diện trị ư thiên hạ” (Thánh nhân quay mặt về hướng Nam mà cai trị thiên hạ). Kết cấu chính của miếu được xây thành hai gian nhà lớn liền nhau, gian nhà phía sau là nơi thờ phụng chính của miếu. Hiện nay trong khuôn viên miếu vẫn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn bức hoành phi: “Cao minh chính đại”. Và đôi câu đối: “Thần kỳ cách tri, phúc khánh tích ban hạp cảnh - Khí chi trước dã, huân cao thê thảng lưỡng gian”. Dịch nghĩa: Thần linh đến đây, phúc lộc ban cấp cả làng - Khí lành hun đúc, khói hương ngào ngạt hai gian.

Theo tài liệu dịch từ các thư tịch cổ của PGS.TS Đinh Khắc Thuận ở Viện Hán Nôm: “Đến thời Nguyễn, sau khi vua Gia Long lấy được ngai vàng, đã cho rước bài vị chúa Nguyễn Kim về Triệu Tổ Miếu ở Huế để phụng thờ. Vua Nguyễn cho tu tạo lại miếu cũ và đổi tên là Tam Thượng Linh Từ, sắc cho các quan từ Tri phủ trở xuống đều phải góp công, góp của xây dựng lại”. Còn theo truyền tụng trong dân gian về miếu Bà do công chúa Ngọc Bảo, phu nhân của chúa Trịnh Kiểm lập nên để thờ Bà chúa xứ và cha là Nguyễn Kim cùng em trai Nguyễn Uông.

Từ những cứ liệu lịch sử trên và sự truyền tụng trong dân gian có thể nhận thấy, Miếu Bà đã tồn tại trước khi Gia Long lên ngôi vua và được lập ra để thờ phụng Bà chúa xứ, Nguyễn Kim và Nguyễn Uông.

Ai là người xây dựng miếu? Có nhiều đối tượng có đủ khả năng và nhu cầu lập miếu, nhưng người đó không thể ở phía phủ Chúa Trịnh, bởi lẽ sử sách đã xác nhận Nguyễn Uông do chính Trịnh Kiểm sát hại. Do đó, người có thể lập miếu thờ chỉ có thể là Nguyễn Hoàng và Ngọc Bảo công chúa. Tuy nhiên, giai đoạn này, chúa Nguyễn Hoàng đã vào Nam để trông coi xứ Thuận Hóa. Cho nên, người có khả năng và nhu cầu lập miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Uông chỉ có thể là công chúa Ngọc Bảo. Việc bà phải chọn vùng đất bắc Bố Chính (huyện Tuyên Hóa ngày nay) xa xôi để lập miếu thờ là bởi lẽ, em trai bà đã bị chính nhà chồng (Trịnh Kiểm) sát hại. Việc dựng miếu thờ cha và em trai ở đây vừa báo hiếu với gia đình, vừa không làm mất lòng nhà Trịnh.

Niên đại xây dựng miếu có thể xác định trong khoảng thời gian sau khi Trịnh Kiểm mất, đến trước khi công chúa qua đời, khoảng thời gian từ năm 1570 đến 1586.Việc công chúa Ngọc Bảo thờ Bà chúa xứ trong miếu với ngôi vị cao nhất là hoàn toàn hợp lý, bởi giai đoạn này tín ngưỡng thờ Bà chúa xứ đã phổ biến ở vùng Bắc bộ…

Suốt máy chục năm, đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến, các đền đài thánh tích hầu hết bị hoang phế. Đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ, vùng đất Quảng Bình, trong đó có Tuyên Hóa, là “tọa độ lửa”, nhiều nơi, nhà cửa, phố xá, làng mạc bị bom đạn Mỹ san phẳng. Sau ngày đất nước thống nhất, đi trên đất Quảng Bình, người ta bắt gặp hố bom nhiều hơn nhà cửa. Miếu Bà trong địa phận xã Tiến Hóa cũng bị bom đạn và thời gian vùi lấp, đến mức nhiều người trong làng cũng không còn biết đến. Mãi đến cuối năm 2015, một số con em trong làng “thoát ly” làm cán bộ ở một số ngành Trung ương, qua tìm hiểu sử liệu, biết quê hương có miếu thiêng nên tập hợp nhau, vận động thêm các nhà hảo tâm và bà con trong làng chung sức phục dựng lại miếu. Đến nay, Miếu bà - Tam Thượng Linh từ đã hoàn thành với diện tích xây dựng gần 900m2, lớn hơn nhiều so với nền miếu cũ. Đặc biệt, người trong làng còn tìm thấy và thỉnh về đặt tại miếu một nhũ đá hình tiên ông. Từ ngày khánh thành, Miếu bà - Tam Thượng Linh từ luôn khói hương nghi ngút. Không chỉ người trong làng mà khách thập phương nghe tiếng cũng tìm đến, như tìm về một chốn linh thiêng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất