, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 28/12/2016, 15:52

Miếu ông Tà quê ngoại

CAO THỊ HOÀNG

''Địa giữ nhà, tà giữ ruộng'' (tục ngữ)

Miếu ông Tà, trong đó thờ một tảng đá được quấn tấm vải đỏ xung quanh
Miếu ông Tà, trong đó thờ một tảng đá được quấn tấm vải đỏ xung quanh

1.

Ngoại tôi thường nói:

- Tà ở xứ mình không ăn nhập gì đến ''tà-chánh'' theo nghĩa mấy ông đồ viết chữ nho.

Tôi hỏi ngoại:

- Vậy, theo nghĩa nào, ngoại?

Ngoại cắt nghĩa:

- Theo tiếng Khmer gọi Neak Ta, có nghĩa ''Người đờn ông trung niên''. Ông ngoại con lúc sinh thời thường gọi ''Nam thần trung tuổi''. Đó là, sự giao thoa văn hóa nhiều đời giữa người Việt lưu dân và người Khmer, họ cùng tin và cùng thờ phụng.

Tôi bắt chuyện dần lân:

- Sao mình phải thờ, ngoại?

- Người đời trước truyền lại:''Địa giữ nhà, hà bá coi sông, tà trông mùa màng''. Mình thờ cốt là để ông tà hết lòng trông coi, chăm sóc mùa màng tránh thất bát, dân tình no ấm áo cơm, cuộc sống an lành!

*

Hình tướng ông tà không rõ ràng, cụ thể. Từ xúc cảm dẫn đến niềm tin, người ngó cục đá nơi bìa rừng, chưn núi hay chốn gò cao, bờ ruộng...nghe lòng bâng khuâng, xao động thì, cục đá nhẵn nhụi đó chính là hiện thân ông tà. Đơn giản và mộc mạc tạo thành lòng tin ở nông dân miền Tây sông nước. Bá tính trọng cục đá như trọng Sơn thần do luận theo tam giới. Tương truyền ông tà thích rong chơi, tránh kẻ khác ngó trộm ''dung nhan'' vì tính hay mắc cỡ nên thường đi về những đêm tăm tối. Khoái chọc ghẹo bọn con nít trong xóm trong làng, đôi lúc bị tụi nhỏ ôm cục đá liệng xuống ruộng nhưng rồi, hôm sau bọn nhỏ thấy cục đá nằm chình ình ngay chỗ cũ. Ông tà nằm trong trí tưởng của tôi ngay thời thơ ấu!

2.

Nhà ngoại tôi ở ngã tư sông ấp Kinh Hãng B (1)thiên hạ gọi ngã tư Miễu Ông Tà. Thời chiến tranh cũng như thời bình, dân sở tại, có khi dân thương hồ xứ khác, đều ghé viếng thắp hương, cúng kiếng. Nhiều giai thoại, lắm huyền thoại xung quanh ngôi miễu ông tà. Thời đạn bom, giang thuyền quân đội Mỹ thường neo đậu tàu chiêm nghiệm và nghe nói viên sĩ quan John Kerry (2) ngày ấy, từng đặt chưn lên viếng miễu (?!)

Tháng ba trời sa mưa, đồng ruộng bắt đầu vào vụ gieo xạ lúa, nông dân xứ ngoại tôi dọn dẹp, trang hoàng miếu để cúng ông tà. Hương hoa, mâm quả, nhang đèn và có cả con gà luộc tréo cánh, xôi nếp...Trong làng trong xóm cử ''lão nông tri điền'' làm ruộng nhiều đời, nếu trải qua ba đời càng tốt đứng ra chủ lễ. Lão rót tràn ly rượu đế-phải là rượu đế mới đặng- thứ rựơu khác kể cả bia bọt, ông tà từ chối. Lão mời ông tà uống rượu và khấn vái làng xóm bình an, nhà nhà tai qua nạn khỏi, người người sống thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, mùa màng bội thu. Lão trịnh trọng thỉnh ông tà dùng phẩm vật.

Cúng xong, đám con nít quỳ lạy ông tà xin trái cây, bánh kẹo. Người lớn uống rượu, đờn ca vọng cổ theo kiểu ''cây nhà lá vườn'' ngay thời chiến tranh trên đất Cà Mau. Người dân quê chẳng ngại đạn bom vì tin có ông tà hộ mạng!

Rồi hòa bình, rồi cuộc sống bao điều trắc trở khó khăn, Miếu Ông Tà vẫn vững vàng và hiên ngang giữ sự bình yên ngã tư sông quê nhà (3). Tôi chợt nhớ lời ngoại:

- ''Hữu thành tắc hữu thần''!

---

(1) Xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

(2) Ngoại trưởng Mỹ

(3) Nay chỉ còn là cái miễu nhỏ do chủ đất dựng tạm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất