, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 11/02/2017, 10:24

Mít kho làng Bác Vọng

ĐINH TRỌNG BÌNH
Mít non đem luộc, sau đó chế biến các món ăn gia đình. Ảnh: Duy Minh.
Mít non đem luộc, sau đó chế biến các món ăn gia đình. Ảnh: Duy Minh.

Tháng Chạp là tháng mà mọi người thường tìm về quê hương, bản quán để lo cho mồ mả tổ tiên ông bà. Tháng Chạp năm 1975, năm đầu tiên sau ngày hòa bình, tôi cùng với mạ về thăm mồ mả tổ tiên họ ngoại. Quê ngoại tôi nằm ở huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên. Làng của mệ ngoại (bà ngoại) có tên là Phổ Lại, một làng cổ thuộc xã Quảng Vinh; còn làng của ôn ngoại (ông ngoại) có tên là Bác Vọng, nằm bên con sông Bồ ngăn cách hai huyện Quảng Điền và Hương Trà, con sông mang phù sa cho những làng quê trù phú hai bờ nơi nó chảy qua, làm cho những ngôi làng này có nhiều loại cây trái ngon ngọt nhất vùng như ổi Xá lị, bưởi Thanh Trà, và một loại cây nơi nào cũng có đó là cây mít.

Sau mấy ngày ở chơi và lo công việc bên làng của mệ ngoại, hai mạ con tôi đi bộ băng đồng về thăm làng Bác Vọng nơi mạ, cậu và các dì sinh ra và lớn lên. Đoạn đường từ Phổ Lại sang Bác Vọng khoảng 10 cây số nhưng ngày ấy tôi thấy xa ơi là xa. Men theo đường đất, băng qua cánh đồng Quảng Điền rộng bao la, hai mạ con đi qua làng Bầu La, nơi nổi tiếng ngày xưa với nghề đan thúng mủng và các dụng cụ bằng tre phục vụ sinh hoạt. Đi qua làng Hạ Lan nơi có Huyện Đường của cái  thời các Chúa Nguyễn đưa dân vào mở đất Thuận Hóa, rồi men theo bờ sông Bồ, hai mạ con tôi về đến Bác Vọng là quê gốc của ông ngoại tôi thì trời cũng đã xế chiều.

Ra đi từ tuổi còn đôi mươi theo ba lên Đà Lạt lập nghiệp rồi sau đó về làm dâu ôn mệ nội tôi ở tận quê Truồi, trải qua gần 40 năm, hôm nay mạ mới về lại làng quê cũ, nơi chôn nhau cắt rốn của cả gia đình mạ ngày xưa. Đứng một hồi lâu bên bến đò Ba Bến có lẽ mạ bồi hồi lắm, những kỷ niệm thời thiếu nữ hiện về trong tâm trí của mạ. Ngôi nhà cũ của ôn mệ đã không còn, mạ chỉ định vị được vị trí của ngôi nhà ôn mệ nhờ vị trí ngôi Thánh Đường cũ mà nay cũng chỉ còn cái nền, ngôi Thánh Đường nơi cậu, mạ và các dì nhận bí tích khai tâm và cũng là nơi đưa tiễn ôn ngoại về với lòng đất. Trải qua hai cuộc chiến tranh, ngôi Thánh Đường cổ kính ngày xưa nay đã không còn vì bị bom đạn tàn phá.

Sau một hồi lặng yên cùng ký ức, mạ dẫn tôi vào một ngôi nhà trong làng, nhà người bạn của mạ thuở thiếu thời. Trong ngôi nhà tranh vách đất đó, hai mạ con tôi được cô chủ nhà đãi món ăn mang đậm nét làng quê Quảng Điền, món mít non kho xương ăn với cơm gạo ruộng, bên nồi cơm dẻo thơm, tô mít kho xương heo đang bốc khói, cái đói vì phải đi bộ khá xa trong tôi gần như tan biến, thay vào đó là sự hưng phấn nhờ cái vị dẻo thơm của cơm lúa mới pha trộn vị ngọt bùi đậm đà của từng miếng mít kho, một món ăn đặc trưng mà làng quê Việt Nam nơi nào cũng có.

Cây mít được trồng ở nhiều nơi, nhưng mít Quảng Điền nhờ vào phù sa sông Bồ nên thân cây rất to, có thể xẻ ra làm bàn ghế hay làm nhà. Theo lời kể của mạ thì ngày xưa ôn ngoại làm được một ngôi nhà gỗ mít đỏ au đẹp nhất làng. Không như những vùng miền khác, người dân làng ngoại của tôi không cho cây mít nuôi nhiều trái, khi cây mít đậu quả được chừng một hai tháng là lặt bớt trái, chỉ để lại những trái có khả năng phát triển tốt, nở gai và sẽ sinh nhiều múi, mỗi trái mít được tuyển chọn để lại khi chín phải to như cái lu, nặng vài chục ký, được thương nhân đến mua gom đem lên thành phố tiêu thụ. Những trái mít hái non không hề bị bỏ đi, nó được đem luộc, sau đó chế biến các món ăn dùng cho bữa cơm gia đình, các món chế biến từ mít non món nào cũng ngon, đầu tiên và đơn giãn nhất là món mít luộc chấm mắm nêm, mít non làm gỏi ăn với bánh tráng và đặc biệt là món mít non kho xương heo ăn no không biết chán. Từ một sản vật gần như phải loại bỏ, người nông dân đã tận dụng để chế biến thành những món ăn cho gia đình mình, rồi hôm nay trở thành những đặc sản khi con người đã quá quen với cao lương mỹ vị. Những đặc sản mang đậm nét làng quê nước Việt được du khách, đặc biệt là những người Việt xa quê yêu thích như bột non chấm nước mắm, vả trộn, mít kho xương, gỏi mít hay cơm hến có xuất xứ từ những mâm cơm gia đình của những người nông dân trên mọi miền quê Việt Nam.

Sau khi ăn xong món mít non kho xương, mạ và cô chủ nhà bắt cái chỏng tre ra hiên nhà ngồi kể chuyện ngày xưa. Còn phần tôi, sau một hồi làm quen với mấy đứa con bà chủ, tụi nó tiết lộ một kho báu được vùi dưới lớp tro bếp. Từ trong bếp tro đang còn ấm, tụi nó lục ra đưa cho tôi vô số hạt mít vùi tro, những hạt mít vùi tro chín đều và thơm lựng, ăn rất bùi và không ngán như hạt mít luộc, có lẽ đây là những hạt mít ngon nhất trong đời mà tôi được ăn tại làng Bác Vọng quê ngoại của tôi.

Sáng tinh mơ, hai mạ con tôi ra nghĩa trang của làng để tìm mộ ôn ngoại. Có lẽ giây phút hạnh phúc nhất của mạ là khi tìm ra được mộ phần của cha mình. Ngồi nhổ từng cọng cỏ, bốc từng nắm đất đắp lên mộ ôn ngoại, trong hơi lạnh của sương mai và mùi nhang lang tỏa, một cảm giác thật linh thiêng, tôi cảm nhận như hương của đất và hồn của quê đang thấm dần vào trong từng tế bào da thịt của tôi, đứa cháu ngoại lần đầu tiên về thăm quê mình.

Dù có quyến luyến cùng quê hương, nhưng rồi hai mạ con tôi cũng phải chia tay quê ngoại để trở về thành phố, về với công việc của những ngày Tết đang đến gần.  Món quà quê ngoại tôi được mang theo là trái mít to ú ụ. Đoạn đường quê khá xa, mạ vừa đi vừa ngó lại, ánh mắt của mạ sao thấy buồn rười rượi. Còn tôi thì chân bước đi nhưng vẫn như muốn níu lại, muốn quanh quẩn mãi bên những vườn mít, ruộng nưa, hay ra bến đò mà ngâm xuống dòng sông Bồ, rồi sau đó rảo bước cũng với đôi chân trần mà cảm nhận cái mát lạnh và dịu êm của miền đất quê ngoại yêu thương.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất