, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 24/02/2022, 06:00

Mở cửa để phục hồi đời sống kinh tế - xã hội

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Mở cửa trở lại nền kinh tế là nhu cầu cấp bách hiện nay. Đây là nhu cầu của bản thân nền kinh tế, của an sinh xã hội và của cả công cuộc phòng chống dịch.

Đối với nền kinh tế, phong tỏa đất nước là giải pháp mạnh mẽ nhất để phòng chống dịch. Nhưng giải pháp này chỉ có ý nghĩa và chỉ khả thi trong một thời gian ngắn. 

Việc phong tỏa kéo dài nhiều tháng trời đã khiến nền kinh tế nước ta đối mặt với những tổn thất vô cùng nặng nề. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp (DN) rời bỏ thị trường; hàng triệu người lao động thất nghiệp; các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy; nhiều DN FDI chuyển đơn hàng ra nước ngoài… Trong quý III năm 2021, các Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội DN châu Âu, Hiệp hội DN Hàn Quốc đã gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ thúc giục phải khẩn cấp mở cửa và bình thường hóa nền sản xuất. Họ khẳng định “ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác” và cảnh báo nếu chậm mở cửa thì cơ hội thu hút đầu tư từ quá trình đa dạng hóa nguồn cung ứng toàn cầu sẽ không quay trở lại. Hàng chục hiệp hội DN trong nước cũng kiến nghị khẩn cấp nới lỏng phong tỏa, thực hiện vừa chống dịch và bảo tồn nền kinh tế. 

Nếu chúng ta phòng chống dịch thành công, nhưng lại để nền kinh tế bị đổ vỡ, thì sự thành công đó rất ít có ý nghĩa. Vì rằng chắc gì nó có thể bù đắp được những mất mát to lớn cả về sinh mạng con người, sự bất ổn xã hội, lẫn những tổn thất về của cải vật chất khi nền kinh tế bị sụp đổ. 

Đối với an sinh xã hội, khi hàng triệu người bị phong tỏa, bị mất việc làm thì ngân sách Nhà nước sẽ phải chi những khoản khổng lồ vừa cho phòng chống dịch, vừa cho an sinh xã hội, dẫn đến sẽ cạn kiệt rất nhanh chóng. Khi đó dù muốn cứu giúp dân khỏi đói khát, bệnh tật, chắc gì đã có đủ nguồn lực để làm! Nguồn hỗ trợ từ xã hội cũng sẽ mau chóng suy kiệt, vì rằng nếu kinh tế đình đốn thì xã hội cũng khó có được nguồn bổ sung để tiếp tục làm từ thiện. Rõ ràng, nếu kinh tế không phục hồi, người dân không có việc làm để tự kiếm sống, tự lo cho mình thì không thể có một ngân sách nào, một nguồn hỗ trợ xã hội nào có thể chịu đựng bền lâu được.

Đối với phòng chống dịch, chúng ta không thể phòng chống dịch bằng hai tay không. Cần phải có tiền để mua vắc-xin, mua trang thiết bị y tế và muôn vàn thiết bị cần thiết khác. Điều cần lưu ý, sự nghiệp phòng chống dịch là của toàn dân. Không chỉ nhà nước cần có tiền để chi tiêu cho công việc này, mà người dân cũng vậy. Nhà nước có chi nhiều đến mấy, mà nhiều người dân không có tiền để chi, thì hiệu quả của phòng chống dịch vẫn sẽ rất thấp. Mà khi người dân không có đủ điều kiện để tự bảo vệ mình thì dịch bệnh vẫn rất dễ lây lan. Hậu quả tất yếu là công cuộc phòng chống dịch cũng không thể thành công.

Mở cửa trở lại đất nước để phục hồi kinh tế, vì vậy, chính là công việc cấp bách nhất hiện nay. Tất nhiên, mở cửa kinh tế thì lây nhiễm có thể gia tăng. Đây là điều khó có thể tránh khỏi, nhưng lại là thách thức hoàn toàn có thể vượt qua. 

Với tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ gần như đạt tới 90% cho những người trên 18 tuổi - bằng một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, nước ta có thể được coi là đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Thêm vào đó, hàng loạt yếu tố khác cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể khống chế được dịch bệnh. Đó là chúng ta đã tích tụ được nhiều tri thức và kinh nghiệm quý báu trong phòng chống dịch; người dân đã hiểu biết nhiều hơn và đã có thói quen thực hiện 5K; thuốc chữa Covid-19 đã được phát minh và bắt đầu có sẵn trên thị trường.

Đừng chần chừ thêm nữa. Hãy dũng cảm mở cửa đất nước! 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất