, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 13/05/2022, 06:05

Mở đường cho vựa nông sản

VĨNH TƯỜNG
Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn, song tỷ lệ đường bộ cao tốc của vùng hiện thấp nhất cả nước, chỉ được 40km, chiếm 3,4%.
Cảng Cái Cui - một trong những cảng lớn ở khu vực ĐBSCL.

ĐBSCL là vựa nông sản chủ lực của cả nước, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng nông sản trong vùng đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí logistics, hiện chiếm cao nhất và bất hợp lý - lên đến 30% giá thành sản phẩm.

Những điểm nghẽn khiến logistics ì ạch

Theo ông Phạm Minh Hải, Viện Chiến lược và phát triển Giao thông - Vận tải, ngoài tỷ lệ đường cao tốc thấp nhất cả nước, các tuyến trục ngang ĐBSCL hầu hết đều nhỏ hẹp (quy mô đường cấp IV - V, 2 làn xe); các trục liên kết nội vùng chưa được đầu tư; hệ thống đường nội vùng (đường tỉnh, đường huyện..) với khoảng 60% - 70% số tuyến chưa đạt về cường độ yêu cầu và tiêu chuẩn đường vào cấp quy hoạch. Còn hệ thống đường bộ kết nối đối ngoại đến các cửa khẩu chưa hoàn chỉnh, đồng bộ để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa liên vận quốc tế. Kết nối giao thông đường bộ với hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa còn nhiều hạn chế…

Tại ĐBSCL, giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò then chốt nhưng thiếu đầu tư trầm trọng. Cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Đặc thù hàng hóa của ĐBSCL là hàng nông sản, trong khi hiện nay chưa hình thành các cảng biển tiếp nhận tàu có trọng tải lớn (từ 30.000 - 50.000 tấn) và cảng biển mang tính chất cảng cửa ngõ khu vực. Phần lớn hàng hóa đi biển xa đều phải tiếp chuyển đến khu vực cảng biển Đông Nam bộ. Đồng thời, trong khu vực cũng chưa hình thành các trung tâm logistics có quy mô lớn để phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng logistics phân tán và manh mún, thiếu các trung tâm logistics đáp ứng toàn diện nhu cầu xuất khẩu. Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ, nhận định: ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, thiếu đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn… Chính vì vậy, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu từ ĐBSCL phải trung chuyển qua các cảng Cát Lái ở TP.HCM và Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu, làm tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Ông Phạm Tiến Hoài - Tổng Giám đốc Hanh Nguyen Logistics (đặt tại Hậu Giang) cũng cho rằng những yếu kém về giao thông và luồng vào cảng biển đã khiến chi phí logistics của nông sản Việt Nam rất cao, mất lợi thế so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Chi phí này chiếm 30% giá thành trong khi Thái Lan là 12,5%, thế giới là 14%.

Đầu tư mạnh hơn, nhanh hơn cho logistics 

Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, cho biết trong đại dịch Covid-19, các cảng biển quá tải do thiếu hụt nhân lực và thiếu vỏ container rỗng, chi phí vận tải tăng cao... đã tác động lớn đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics. Ông kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cần quan tâm hoàn chỉnh hệ thống giao thông thủy - bộ khu vực phía Nam, góp phần giảm chi phí logistics để thúc đẩy phát triển kinh tế ĐBSCL và cả nước.

Đồng quan điểm, ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang) đề xuất Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, duy tu kênh Quan Chánh Bố, đảm bảo cho tàu biển có trọng tải lớn (10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải) vào các cảng trên sông Hậu; mở rộng và nạo vét kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) trên tuyến thủy lộ quốc gia, huyết mạch nối TP.HCM, Long An với các tỉnh miền Tây Nam bộ. 

Theo ông Lê Tiến Công - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Cần Thơ, hệ thống kênh, rạch, sông ngòi khu vực ĐBSCL rất đa dạng và thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa đường thủy phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, với những độ sâu khác nhau, hệ thống giao thông thủy không đồng bộ đã khiến việc vận chuyển khó liên thông, thường xuyên phải thay đổi phương tiện vận tải khiến chi phí cho việc xếp dỡ hàng hóa (từ phương tiện nhỏ sang phương tiện lớn hoặc ngược lại) tăng lên rất cao. 

Bên cạnh đó, theo ông Công, ĐBSCL cũng cần có những điểm chứa (depot) container, sửa chữa container phục vụ cho việc vận chuyển. Hiện tại, để đóng hàng lên container xuất đi nước ngoài, chúng ta phải chuyển một container rỗng từ TP.HCM xuống. Nếu có điểm lưu chứa container tại đây, việc đóng và xuất hàng sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ thấp hơn…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất