, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 29/11/2020, 08:46

Mô hình nuôi cá chạch lấu

PHẠM THỊ ANH THƯ

Trong khi nhiều nông dân thường đầu tư nuôi các loại thủy sản quen thuộc cho an toàn, thì anh Trần Văn Tính (ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã mạnh dạn chọn nuôi cá chạch lấu - một loại thủy sản tương đối mới lạ tại địa phương. Lối đi mới này đã mang lại thành công ngoài mong đợi của anh.

 

Anh Trần Văn Tính.
Anh Trần Văn Tính.

Ngã rẽ bất ngờ

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tử, nhưng anh kỹ sư Trần Văn Tính lại không nguôi niềm đam mê từ bé là nuôi thủy sản, nhất là khi nhận thấy điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của gia đình rất phù hợp cho lĩnh vực này. Bởi vậy 3 năm sau khi ra trường, năm 2018, Tính quyết định chuyển hướng: nuôi cá chạch lấu.

Qua nghiên cứu tư liệu và tìm hiểu nhiều mô hình nuôi thủy sản, Tính nhận thấy nuôi cá chạch lấu có rất nhiều lợi thế như chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều diện tích (nếu nuôi trong ao đất và ao xi măng lót bạt ni lông), con cá có sức đề kháng tốt trong cả mùa nắng lẫn mùa mưa, nước ngọt lẫn nước lợ, lại tăng trưởng rất nhanh, có giá bán luôn cao và ổn định nên khả năng tiêu thụ rất dễ dàng. “Thêm điều kiện thuận lợi nữa là ao mương nhà tôi cạnh sông lớn nên khá thuận tiện trong việc thay đổi nguồn nước và không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”. Tính toán xong, anh Tính đã chọn mua cá giống từ các cơ sở có uy tín ở An Giang và đầu tư 8 ao lớn (diện tích 300m2/ao) và 10 ao nhỏ (diện tích 30m2).

Mở hướng đi mới

Ban đầu thấy anh Tính xây dựng mô hình nuôi cá chạch lấu, nhiều người lo anh chưa có nhiều kinh nghiệm về loại thủy sản mới lạ này nên khó thành công. Thế nhưng sau một năm thả nuôi, ai cũng bất ngờ khi ao cá của anh Tính cho sản lượng rất cao, giúp anh thu lời trên 1 tỷ đồng chỉ với khoảng 4.000m2 mặt nước.

Theo anh Tính, nuôi cá chạch lấu, điều quan trọng nhất là nguồn nước phải tuyệt đối sạch, các ao nuôi phải được sục khí o-xy suốt ngày đêm. Nguồn thức ăn cho cá cũng phải theo công thức bài bản: mỗi ngày cho ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều mát, khi cá còn nhỏ thì cho ăn trứng nước, sau 15 ngày tuổi thì bắt đầu cho ăn trùn chỉ, từ 30 ngày tuổi trở lên sẽ cho ăn thức ăn công nghiệp. Thời gian nuôi từ cá bột đến khi thu hoạch khoảng 12 tháng, lúc này cá chạch lấu có trọng lượng bình quân từ 350g đến 400g/con. Giá bán dao động từ 290.000 đến 350.000 đồng/kg tùy thời điểm.

Trước nhu cầu thực tế thị trường cung không đủ cầu về loại cá này, từ năm 2019 đến nay, anh Tính bắt đầu triển khai thêm mô hình ương cá bột chạch lấu trong ao xi măng lót bạt để cung ứng cho thị trường cả nước. Với giá từ 7.000 đến 15.000 đồng/con tùy độ dài của cá giống, anh Tính có thêm khoản lãi mấy trăm triệu nữa. Hiện nay, anh Tính có thể cung ứng cho thị trường trên 2 tấn cá bố mẹ và hàng chục triệu cá giống chạch lấu mỗi năm. Cá giống chạch lấu của anh Trần Văn Tính đã có mặt ở rất nhiều địa phương, không chỉ khu vực ĐBSCL, các tỉnh miền Đông Nam bộ mà cả khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng. Năm 2020 này, kỹ sư trẻ Trần Văn Tính đã tăng thêm 3.000m2 mặt nước để phát triển mô hình nuôi cá chạch lấu thương phẩm và cá giống chạch lấu mà vẫn “cháy hàng”, phải hẹn khách đợt hàng tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Vũ, cán bộ khuyến nông huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang nhận xét: “Chỉ mới 27 tuổi đời nhưng Tính đã rất thành công khi mở ra hướng nuôi thủy sản mới rất hiệu quả. Đáng quý hơn là nhờ Tính đã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật rất tận tình mà hơn 25 hộ dân lân cận làm theo mô hình ương cá giống chạch lấu có thu nhập cao”.

PHẠM THỊ ANH THƯ

Bình luận


user-avt

Huy Truong

00:09, 02/09/2022

Em xin số điện thoại của A Tính với ạ!!.

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất