, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 10/03/2017, 14:51

Mô hình Trồng lúa công nghệ cao

TÂN HƯNG

Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao được xem là chìa khóa cho tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị. Tại Đồng Tháp, mô hình sản xuất theo “cánh đồng thông minh” đã mang lại kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Niềm vui của nông dân trúng mùa, giảm chi phí giá thành, nhờ sử dụng phân bón thông minh.
Niềm vui của nông dân trúng mùa, giảm chi phí giá thành, nhờ sử dụng phân bón thông minh.

Hiệu quả bất ngờ

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ vụ hè thu năm 2016, tỉnh “đặt hàng” với Công ty Rynan Agifoods (Trà Vinh) xây dựng cánh đồng thông minh, trong đó sử dụng phân bón thông minh để bón cho lúa nhằm tiết giảm chi phí, giảm công lao động, tăng giá trị… Là 1 trong 5 hộ dân của HTX dịch vụ nông nghiệp Tiến Cường (huyện Tam Nông) tham gia dự án này, ông Nguyễn Bá Luận cho biết: “Gia đình tôi canh tác 7ha lúa, tôi dành ra 2 công (0,2ha) để thí điểm việc ứng dụng phân bón thông minh (phân chậm tan). Nếu như thông thường phải bón phân ít nhất 5 lần/vụ; thì khi sử dụng phân bón thông minh chỉ bón duy nhất 1 lần/vụ, sau đó phân tan chậm theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa”. Ông Luận tính: “Làm lúa bình thường, chỉ riêng tiền thuê nhân công bón phân đã mất 150.000 đồng/công/vụ, số lượng phân sử dụng từ 50-60 kg/công/vụ…Trong khi dùng phân thông minh thì số lượng phân sử dụng chỉ 37,5kg/công/vụ, và còn tiết kiệm được chi phí thuê nhân công. Năng suất lúa cả 2 mô hình gần tương đương nhau, nhưng chất lượng lúa sử dụng phân bón thông minh thì hơn hẳn”.

Ông Nguyễn Văn Tâm, xã viên HTX Tiến Cường hớn hở khoe: “Sau khi canh tác thử nghiệm 2 công ruộng sử dụng phân bón thông minh thì thấy các tép lúa khỏe mạnh, trổ bông nhiều, hạt to, sáng đẹp, năng suất nhỉnh hơn canh tác truyền thống và chất lượng hạt gạo đảm bảo. Đây thật sự là kết quả bất ngờ, mà bản thân tôi không thể tin được”. Giám đốc HTX Tiến Cường - Lê Thanh Hiệp cho biết, vụ lúa hè thu 2016, HTX và Công ty Rynan khảo nghiệm phân bón thông minh trên diện tích 1ha lúa ở 4 loại đất khác nhau. Kết quả, ruộng sử dụng phân bón thông minh giảm được khoảng 40% lượng phân bón, 4 lần bón phân, 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật… Tính ra, tiết kiệm khoảng 4 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đang yêu cầu ngành nông nghiệp thử nghiệm phân bón thông minh vài vụ nữa, trên nhiều vùng đất khác nhau như đất phèn, đất phù sa, đất pha cát… để có cơ sở giúp Công ty Rynan hoàn thiện qui trình kỹ thuật sản xuất phân bón thông minh; đồng thời có đánh giá chính xác nhằm khuyến khích nhân rộng.

Hướng tới cánh đồng thông minh

TS Nguyễn Thanh Mỹ và những hạt phân bón thông minh, tan chậm của mình.
TS Nguyễn Thanh Mỹ và những hạt phân bón thông minh, tan chậm của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Rynan tâm sự: “Sau nhiều năm làm khoa học ở Canada và các nước khác, mỗi khi về ĐBSCL, tôi thấy nông dân làm lúa vất vả quá nhưng lợi nhuận không bao nhiêu. Qua tìm hiểu, tôi thấy nông dân sử dụng phân thuốc khá nhiều. Phân bón xuống ruộng là tan liền, trong đó khoảng 60% lượng phân đạm bị mất đi do bốc hơi, trôi rửa… lúa chỉ hấp thu 40%. Phân kali, lân… cũng tương tự. Ngoài tỷ lệ hao hụt cao thì bón nhiều phân còn gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính… Khắc phục việc này, phải sử dụng phân bón thông minh”. Hơn 4 năm qua, ông Mỹ lặn lội sang Hoa Kỳ, Israel, Hàn Quốc… để nghiên cứu và thử nghiệm việc sử dụng phân bón thông minh. Kích cỡ hạt phân bón thông minh tương đương phân DAP hay NPK trên thị trường, nhưng có lớp chất dẻo nano bao bọc; bên ngoài cùng có thêm lớp chất dẻo như bao viên thuốc. Những lớp chất dẻo này có tích hợp thuốc diệt cỏ, diệt ốc bươu vàng… vì vậy, nông dân không cần phun thêm thuốc hóa học trong quá trình canh tác.

Ông Mỹ cho biết thêm, nếu thời gian sinh trưởng của cây lúa trung bình khoảng 90- 100 ngày, thì việc sử dụng phân bón thông minh rất ổn do phân sẽ tan chậm theo quá trình phát triển của cây lúa, giúp lúa tươi tốt. GS- TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, thời gian qua các nhà khoa học trên thế giới đã nỗ lực tìm những phương pháp sản xuất lúa hiện đại theo hướng giảm phân bón, giảm chi phí giá thành và giảm phát thải khí nhà kính… Phân bón tan chậm, phân bón thông minh là một thành công mới rất đáng mừng đối với nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường...

Từ hiệu quả này, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ hợp tác cùng Công ty Rynan xây dựng “cánh đồng thông minh”. Mô hình này sẽ khép kín toàn bộ chuỗi giá trị từ đầu vào sản xuất đến thu hoạch, chế biến, xuất khẩu… Cánh đồng thông minh sẽ tập hợp nông dân vào sản xuất lớn, tối thiểu 100ha trở lên, sử dụng máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, áp dụng máy bơm năng lượng mặt trời, dùng phân bón tan chậm… Quản lý dinh dưỡng cây lúa thông qua máy tính bảng, điện thoại di động kết nối mạng internet và điện toán đám mây. Sau khi thu hoạch, hạt gạo sẽ được đóng gói bằng bao bì thông minh nhằm giữ chất lượng ổn định trong nhiều tháng.

Cùng với cánh đồng thông minh, Công ty Rynan còn tính toán xây dựng “vườn cây thông minh”. Theo TS Nguyễn Thanh Mỹ, vào tháng 6-2016, ông đã thử nghiệm thành công bao bì thông minh trên cây ăn trái. Cụ thể, bao bì của Công ty Rynan sản xuất có thể bảo quản trái xoài được 35 ngày mà vẫn còn xanh, màu sắc tươi như mới thu hoạch; còn trên trái nhãn bảo quản được 10 ngày mà trái vẫn tươi, chất lượng không đổi. Với công nghệ bảo quản trái cây được lâu mà không dùng hóa chất, chất lượng trái cây sẽ được nâng cao, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng; tạo niềm tin đối với các nhà nhập khẩu quốc tế...

Phân bón chậm tan có kiểm soát là khái niệm còn mới tại thị trường Việt Nam, trong khi những nơi có nền nông nghiệp tiên tiến như Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…) đã sử dụng rất nhiều. Đây là một loại phân được sản xuất với công nghệ lý- hóa, đặc biệt tạo ra những hạt phân chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng và vi lượng. Tất cả các chất dinh dưỡng này đều được phân giải một cách từ từ, thật khoa học cho tất cả các cây trồng và thời gian phân giải hết một hạt phân từ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng… cho tới 24 tháng/2 năm. Như vậy, bài toán rửa trôi và bay hơi của phân bón hầu như đã được giải quyết tối ưu và triệt để bằng việc sử dụng phân bón chậm tan có kiểm soát.

Cấu tạo của hạt phân bón chậm tan có kiểm soát bao gồm 2 phần: Phần bao bọc bên ngoài là các lớp polymer, lớp này dày hay mỏng tùy theo yêu cầu về thời gian phân giải; phần nhân bên trong là các khoáng chất như N, P, K... Sau khi bón phân bón chậm tan có kiểm soát vào đất, nước sẽ thấm qua lớp bọc polymer đi vào bên trong hạt phân, các nguyên tố khoáng chất sẽ hòa tan vào nước ở bên trong lớp bọc polymer. Nước tiếp tục thẩm thấu qua lớp polymer đi vào bên trong hạt phân, trong thời gian đó các nguyên tố khoáng đã hòa tan sẽ khuyếch tán qua lớp polymer đi ra môi trường xung quanh, các nguyên tố khoáng này là nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Quá trình phân giải của các phần tử khoáng hòa tan bên trong hạt phân tiếp tục cho đến khi các phần tử này khuyếch tán hết ra ngoài môi trường xung quanh 100%, khi đó chỉ còn lớp bọc polymer và nước. Sau một thời gian (1-2 năm), lớp bọc này sẽ tự phân hủy hữu cơ và không ảnh hưởng đến môi trường…

TÂN HƯNG

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất