, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 05/02/2023, 16:16

Mồng mười Tết, vía đất hay vía Thần Tài

LÊ ĐẠI ANH KIỆT
Ngày xưa ông bà nói “phú quý sinh lễ nghĩa” bây giờ có lẽ phải sửa lại là “phú quý sinh lễ mễ và mê tín”. Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, nước ta cứ Tết đến lại tưng bừng lễ hội, chùa to ngàn mẫu, tượng Phật to kỷ lục… Nhiều gia đình chi tiền triệu cúng sao, cúng Vu Lan, ông Công, ông Táo với nào lễ vật, nào vàng mã, nào phóng sinh. Gần đây phát sinh cúng vía Thần Tài mồng mười Tết.

Vía đất đã ghi vô Từ Điển trên 100 năm

Trên mạng xã hội tràn ngập thông tin hướng dẫn cách bày cúng, mâm cúng, bài văn khấn, cúng lúc mấy giờ, phải làm những việc gì, mua gì bán gì được lợi. Giới kinh doanh vàng mã, vàng thật, dịch vụ bán tranh tượng trang thờ hốt bạc. Cơn lốc ấy làm giá vàng đảo chiều lên xuống như cơn sốt rét ác tính. Dư luận báo chí, mạng xã hội tranh luận sôi nổi ngày mồng mười tháng Giêng âm lịch là vía đất hay vía Thần Tài?

Một số trí thức, nhà sư tỏ ra thông kim bác cổ lấy chuyện người Việt có thờ Thần Tài chung với Thổ Địa, ông Tào, lấy sự tích ông Táo, Thần Tài bên Tàu ra giải thích rằng mồng mười cúng vía Thần Tài là có thật.

Buồn cười nhất là có chuyên gia phong tục học Miền Nam trích dẫn sách Đại Nam quốc âm tự vị của tác giả Huỳnh Tịnh Paulus Của ấn hành năm 1896: “Không có chữ Thần Tài, nhưng có chữ “Thần Đất” chú thích cho mục “thổ thần”, và được giảng nghĩa là “thần giữ tiền bạc”. Tuy nhiên, bên cạnh đó có mục “tài thần” thì ông Paulus Của không giảng nghĩa mà ghi chú ít dùng”. Đã biết vậy nhưng ông chuyên gia này cố lấy Dịch học của Tàu ra biện luận rất mắc cười cho ngày mồng mười cúng vía Thần Tài là: “Nói một cách triết lý, thì Thổ Địa là lý (đại diện lý thuyết về việc sinh ra của cải), và Thần Tài là sự (đại biểu cho việc ứng dụng hoạt động của tiền bạc, của cải)”.

Thật ra không rõ ông này cố tình cắt bớt hay đọc chưa hết sách. Phần giải nghĩa từ “vía”, Đại Nam quốc âm tự vị đã ghi rõ thành ngữ: “Mồng chín vía trời, mồng mười vía đất: Ngày mồng 9 mồng 10 tháng Giêng thói tục hay cúng trời cúng đất, hiểu là ngày trời đất sinh”. Như vậy khỏi phải bàn cãi, từ hơn thế kỷ trước, việc mồng mười vía đất đã thành phong tục của người Việt ở miền Nam, được ghi thành sách và người Việt miền Nam không có ngày cúng Thần Tài. Chỉ những người Việt gốc Hoa mới cúng Thần Tài theo truyền thống của họ.

Các nhà khoa học, nhà sư ấy nhầm lẫn là do họ giỏi thông sử Tàu mà không rành lịch sử Miền Nam, hoặc lấy những quan điểm, triết lý ngoại nhập để giải thích về Miền Nam.

Vía Đất là để tri ơn!

Với những người khẩn hoang thì đất đai và công lao người khai khẩn mới mang giá trị lớn, phải cúng kiến tạ ơn. Không chỉ cúng trong ngày vía đất mà trong những lần cúng giỗ thông thường hàng năm, người Miền Nam cũng dành một mâm riêng cúng đất đai.

Cũng không thể đồng nhất ông Địa của người Miền Nam với Thổ Địa của người Tàu vốn là quan chức cấp thấp của thiên đình, mang hia đội mão. Hình ảnh ông Địa của người Miền Nam gần gũi với dân gian, áo vải, đầu trần chân đất, vui tính lạc quan, tốt bụng giúp đỡ mọi người. Ai gặp khó việc gì chỉ cầu cúng ông Địa nải chuối là xong. Ông Địa là biểu trưng cho thần đất của người Việt đồng thời cũng thể hiện tính cách con người Việt ở miền Nam.

Cũng hết sức khiên cưỡng khi lấy dịch lý giải thích việc thờ ông Địa, Thần Tài chung một bàn thờ mà đồng nhất hai ông. Ở miền Nam, những vùng đông người Khmer, người dân còn thờ ông Địa chung với ông Tà. Cũng có nơi người ta phân chia lãnh địa rạch ròi “ông Địa giữ nhà, ông Tà giữ ruộng”. Dân gian còn lưu truyền câu chuyện vui về các vụ tranh chấp, thưa kiện giữa ông Địa với ông Tà. Theo trang web di sản Hội An, nơi khởi đầu tiến trình khai hoang, người Hội An đa phần thờ ông Địa tại gia. Có nhà thờ ngài chung với Thần Tài ngay trên nền giữa nhà trong một cái khóm có dáng như cái bàn; người khác, thường là không buôn bán, lại phối thờ ngài chung nơi trang thờ Táo Quân gồm 3 vị: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ.

Thờ cúng cả cộng đồng khẩn hoang!

Bàn thờ thổ địa trong gia đình người Nam Kỳ tuy chỉ hai tượng ông Địa và Thần Tài nhưng cắm đến 5 cây nhang, khi cúng phải dọn 5 cái chén và chỉ có ba đôi đũa. Vì sao lạ vậy? Nếu lấy Bát Tự hay Dịch số ra giải thích thì sẽ lãng quẻ, trớt lớt. Truyền thuyết dân gian giải thích rất căn cơ từ nguồn gốc lịch sử cộng cư là bàn thờ này có năm cây nhang và năm cái chén là do thờ 5 vị gồm: ông Chủ Thổ (đất) có lẽ là bậc công thần mở mang khai khẩn vùng đất phương Nam, hai vợ chồng ông chủ Ngưu (người Khmer) do vùng đất này ngày xưa của Khmer, hai người còn lại là ông Địa của người Việt và và ông Thần Tài của người Hoa. 

Chỉ có ba đôi đũa vì hai vợ chồng ông chủ Ngưu ăn bốc. Quy ước này rất rõ không chỉ trong ngày cúng vía mà trong các lễ giỗ, mâm đất đai cũng có 5 cái chén, năm cây nhang và ba đôi đũa.

Giả thiết về sự hài hòa của văn hóa cộng cư còn thể hiện trong đồ cúng. Theo truyền thống mâm cúng vía đất gồm những món bắt buộc như sau: bình bông, trái cây, 5 chung trà hoặc rượu hay nước lọc, giấy vàng bạc, gạo muối, trầu cau, thuốc xỉa, một điếu thuốc rê to bằng ngón chân cái, bộ tam sên gồm: trứng, thịt luộc và tôm (có thể thay thế bằng cua, cá) biểu trưng cho tam giới thiên thủy địa, dĩa rau luộc, chén mắm nêm, con cá lóc nướng trui.

Dân gian giải thích rằng, trong đồ cúng thì phần mặn với dĩa rau luộc, mắm nêm, là cúng cho vợ chồng ông chủ Ngưu. Trầu cau, thuốc xỉa, thuốc rê, cá nướng trui dành cho người mở đất. Giấy vàng bạc dành cho Thần Tài.

Qua vật phẩm cúng, ta thấy bậc tiền hiền trọng thị người chủ vùng đất xa xưa là vợ chồng ông chủ Ngưu. Mâm cúng dùng thực phẩm mà người bản xứ khi xưa ưa dùng. Người khẩn hoang thì ăn món quen thuộc hoang dã là cá nướng trui. Cứ thử nghĩ, nếu ông Thần Tài cân đai áo mão ngồi bệt dưới đất ăn con cá nướng trui thì còn gì là quan chức thiên đình.

Tri ơn, không vụ lợi

Điều quan trọng nhất là trong nội dung khấn vái không có chuyện cầu tài lộc cũng không vái ông Thần Tài. Người khấn cúng là “đất đai viên trạch, tiền hiền khai khẩn hậu hiền khai cơ” và nội dung cúng là tạ ơn khai phá, cầu xin phò trợ mùa màng.

Mới đây, trong chuyến điền dã tìm tư liệu cho phim tài liệu Hành Trình Cây Lúa, nhà biên kịch Võ Đắc Dự còn phát hiện thêm trong các đình, chùa ở Miền Tây Nam Bộ (phía nam sông Hậu) thường có những cái miếu nhỏ thờ ông Địa, ông Tà. Một vài miếu ông Tà cũng có cất cái miếu nhỏ riêng thờ ông Địa. Mặt khác, có trường hợp tại xóm Cù Là xưa, nay thuộc xã Vĩnh Hoà Hiệp - Châu Thành - Kiên Giang lại có miếu thờ ông Địa qui mô tương đối lớn, không kém một ngôi đình làng và nghi thức thờ phượng, lệ cúng cũng giống như cúng kỳ yên ở các đình thần.

Hiện tượng này càng cho thấy yếu tố tâm linh tích cực, trong trẻo của người Miền Nam với thần Đất - ông Địa. Việc cúng vía đất mồng mười Tết hàng năm với nghi lễ đặc trưng, đơn giản, là phong tục tốt đẹp của đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, lối sống hài hòa thân thiện với thiên nhiên.

Dù xã hội đã chuyển sang kinh tế thị trường, những giá trị truyền thống của vía đất vẫn còn nguyên vẹn. Biến vía đất thành vía Thần Tài với vật cúng linh đình tốn kém, biến lòng tri ân và hài hòa thân thiện thành sự mua chuộc vụ lợi đất trời là đánh mất giá trị văn hóa tốt đẹp do ông cha truyền lại.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất