, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 22/03/2022, 07:00

Một đời sống khỏe giữa thiên nhiên

MẠNH HÙNG
(Theo Futura-Sciences)
Mối liên kết giữa con người với môi trường xanh là đề tài của nhiều nghiên cứu khoa học chuyên sâu thuộc chuyên ngành Tâm lý học môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
Đắm mình giữa không gian yên bình, nhìn ngắm phong cảnh thiên nhiên hữu tình, là rất tốt cho sức khỏe, là một liệu pháp tinh thần mà đôi khi chúng ta không để ý đến. Trong ảnh: Hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: TƯỜNG NGUYỄN

Vitamin G là một loại vitamin không nằm trong danh sách dược lý học, nhưng nói theo cách gọi của người Anh, Green Vitamin, là một ám chỉ hình tượng nhất cho vai trò thiết yếu của thực vật, cây cối và hoa lá cỏ cây, những lợi ích mà thiên nhiên mang lại cho con người và sinh vật nói chung.

Trong vòng một thế kỷ trở lại đây, con người trên hành tinh đã có thể tự trang bị cho mình một cuộc sống vật chất thỏa mãn hơn từ nhiều thành tựu của khoa học công nghệ. Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta đã có thể “vỗ ngực xưng tên” là mình đã “tự giải thoát” khỏi những ràng buộc của thiên nhiên, đã có thể chế ngự được thiên nhiên. Song, xét về bản chất, suy nghĩ này là khập khiễng bởi nhiều yếu tố tự nhiên vẫn hiện hữu quanh chúng ta và ảnh hưởng không nhỏ lên mọi hành vi, tương tác xã hội, đặc biệt là sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi con người.

Lợi ích khi đi bộ trong rừng

Bunn- Jin Park và cộng sự (2009) đã tiến hành thực nghiệm sau: hai nhóm nam thanh niên 22 tuổi tham gia một bài tập đi bộ trong hai bối cảnh khác nhau. Ngày đầu tiên, nhóm 1 được đưa vào rừng, nhóm 2 thì đi bộ trong một khu đô thị có mật độ giao thông đông đúc gần đó. Tất cả các thành viên phải đi bộ đúng 15 phút. Sau đó, họ được ngồi nghỉ 15 phút trên ghế xếp đặt sẵn tại nơi thực nghiệm.

Ngày hôm sau, cũng cùng bài tập đó nhưng hoán đổi địa điểm: nhóm đi rừng ra phố và nhóm trong phố vào rừng. Lần này, các chàng trai sẽ phải đeo một chiếc ba lô đựng một thiết bị đo hoạt động tim như huyết áp, nhịp tim...

Kết quả cho thấy, trước buổi đi bộ lần hai, huyết áp tâm thu (khi tim co bóp) và nhịp tim của cả hai nhóm đều như nhau. Nhưng sau đó, nhóm đi bộ trong rừng không bị tăng huyết áp tâm thu, nhóm đi bộ trong khu đô thị thì tăng, ngay cả trong lúc họ đã kết thúc bài tập và ngồi nghỉ trên ghế xếp. Còn nhịp tim thì hẳn nhiên là thay đổi tùy theo đối tượng đang nghỉ hay đang đi, song, chỉ số mạch đập của nhóm đi bộ trong khu đô thị lúc nào cũng cao hơn nhóm đi rừng, ngay cả khi nhóm đô thị đang ngồi nghỉ.

Dạo chơi trong rừng có lợi cho sức khỏe tim mạch: giúp cải thiện nhịp tim và ổn định huyết áp tâm thu. Ảnh: TƯỜNG NGUYỄN

Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng sự khác biệt về các chỉ số của hoạt động tim của chúng ta phụ thuộc vào địa điểm chúng ta đi bộ chứ không từ những nỗ lực vật lý của cơ thể khi bước đi. Phân tích sâu hơn, các chuyên gia cho rằng khi đi bộ trong rừng, nồng độ cortisol (một loại hormone kiểm soát căng thẳng trong cơ thể) trong nước bọt thấp hơn khi đi bộ trong khu vực thành thị (Park và cộng sự, 2007). Nguyên do là từ không gian yên ắng và vẻ đẹp nội tại của thiên nhiên trong rừng mà cơ thể của nhóm đi rừng giữ được hoạt động tim ổn định.

Một nghiên cứu của Hug và cộng sự (2009) cũng xác nhận rằng trong các khu liên hợp thể thao, cùng một hoạt động như đạp xe hay chèo thuyền…, vận động viên sẽ duy trì được tần suất hoạt động tốt hơn khi thực hiện bài tập ngoài trời thay vì trong phòng có mái che.

Phong cảnh vùng núi thuộc tỉnh Lai Châu, Tây- Bắc Việt Nam. Ảnh: TƯỜNG NGUYỄN

Không gian xanh và các triệu chứng bệnh

Mass và cộng sự (2009) đã thực hiện một khảo sát tại Hà Lan trên một cỡ mẫu là 400.000 bệnh nhân mà nhóm nghiên cứu được phép tham khảo hồ sơ bệnh án. Tất cả các bệnh lý mà những bệnh nhân này đang được thăm khám hoặc điều trị đều rất phổ biến.

Nhóm nghiên cứu đã dùng phương pháp lưới ô vuông (đặt một bản phim nhựa trong suốt có kẻ ô vuông lên bản đồ để đo đạc diện tích) để tính tỷ lệ diện tích nhà cửa và cây xanh trong một bán kính cố định chung quanh nơi ở của những thành viên tham gia nghiên cứu. Mục đích là để xác định tỷ lệ mắc bệnh của những người sống trong khu dân cư có 10% không gian xanh so với những người sống trong khu vực có 90% không gian xanh có gì khác nhau.

Kết quả trên đây có cân nhắc đến những điều kiện đặc thù trong từng cộng đồng dân cư khác nhau cũng như tính đến những hoàn cảnh kinh tế- xã hội khác biệt của từng vùng mà họ khảo sát. Song, một kết luận chắc chắn rằng những lợi ích về tâm - sinh lý và sinh hoạt xã hội mà thiên nhiên xanh mang lại cho con người là không thể chối cãi.

Lợi ích của cây xanh tại nơi làm việc

Fjeld (2000) đã thực hiện một nghiên cứu tại khoa X quang của một bệnh viện ở Na Uy. Nội dung nghiên cứu được chia làm hai đợt quan sát trong thời điểm 3 tháng mùa xuân của hai năm liên tiếp nhau. Đợt đầu, trong phòng hoàn toàn không có cây xanh. Đợt hai, đặt nhiều loại cây cảnh khác nhau trên các bệ cửa sổ trong phòng làm việc, trong góc phòng và trên các khoảng trống của tủ, kệ trong trong phòng chụp X quang. Cuối cùng, sau hai năm thực nghiệm, đội ngũ nhân sự làm việc trong khoa X quang này trả lời một bảng câu hỏi để cho biết tình trạng sức khỏe của mình. Từ đó, nhóm phân tích đối chiếu mức độ tăng, giảm hay ổn định của các triệu chứng bệnh lý mà đội ngũ nhân viên có thể đã gặp phải trong hai đợt thực nghiệm nói trên. 

Kết quả trên cho thấy khi không gian làm việc có cây xanh, một số triệu chứng bệnh lý đã giảm rõ rệt. Theo các chuyên gia, có thể do khả năng hấp thụ các chất gây ô nhiễm cũng như khả năng điều tiết tốt độ ẩm trong không khí của cây xanh đã làm giảm đáng kể các bệnh tai - mũi - họng và tổn thương da.

Một nghiên cứu khác của Kaplan (1989) cũng chỉ ra rằng khi nhân viên ngồi văn phòng có điều kiện quan sát, nhìn ngắm những quần thể thực vật từ bàn làm việc của mình thì sẽ ít căng thẳng đầu óc hơn so với những nhân viên nhìn qua cửa sổ chỉ thấy những tòa nhà cao tầng hay những khối kiến trúc đô thị khô ráp.

Trang trí cây cảnh tại nơi làm việc giúp tinh thần thư giãn, tăng năng suất công việc. Ảnh: BERGAMOTTE

Tốc độ đô thị hóa phi mã hiện nay cộng với lối sống quá hiện đại và luôn bận rộn, gấp gáp vì mưu sinh đã khiến nhiều người trong chúng ta quên đi môi trường xanh và những lợi ích mà nó mang lại, quên rằng những hoạt động thư giãn đơn giản có khả năng giúp chúng ta vừa bảo vệ sức khỏe vừa bảo vệ thiên nhiên như làm vườn, trồng hoa, dạo chơi trong công viên, trong rừng, đi du lịch miền núi hay dạo mát bên bờ sông…

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất