, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 21/01/2023, 19:00

Một mình đợi đò bên Cống Múc

VŨ QUẦN PHƯƠNG
Sau lễ cầu siêu cho ông nội trên chùa xã Trung, tối ấy, trước bàn thờ chỉ còn bà tôi và tôi.

Bà thắp ba nén hương. Bà ôm tôi vào lòng ngồi khóc. Xung quanh bàn thờ treo nhiều tấm trướng và câu đối viết chữ Nho mà người ta đến viếng ông tôi mới đây và bố tôi dạo nào. Mấy năm tôi ở với bà, bà tôi đã đem nhuộm thâm bằng lá bàng và bùn non những tấm trướng và câu đối ấy, may quần áo cho tôi mặc. Khi chú tôi đón tôi về quê ở cùng bà được vài tuần thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), Pháp chiếm Hà Nội, thì quê nội tôi vẫn là vùng tự do. Chú tôi bảo: không đi Hà Nội được nữa, mà có đi thì mẹ tôi cũng đã tản cư rồi. Không tìm được đâu.

Sau lễ cầu siêu cho ông nội trên chùa xã Trung, tối ấy, trước bàn thờ chỉ còn bà tôi và tôi. Bà thắp ba nén hương. Bà ôm tôi vào lòng ngồi khóc. Xung quanh bàn thờ treo nhiều tấm trướng và câu đối viết chữ Nho mà người ta đến viếng ông tôi mới đây và bố tôi dạo nào. Mấy năm tôi ở với bà, bà tôi đã đem nhuộm thâm bằng lá bàng và bùn non những tấm trướng và câu đối ấy, may quần áo cho tôi mặc. Khi chú tôi đón tôi về quê ở cùng bà được vài tuần thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), Pháp chiếm Hà Nội, thì quê nội tôi vẫn là vùng tự do. Chú tôi bảo: không đi Hà Nội được nữa, mà có đi thì mẹ tôi cũng đã tản cư rồi. Không tìm được đâu.

Tôi chẳng chơi với ai, cũng chẳng có ai mà chơi. Tôi muốn sang chơi với các anh em con chú con bác bằng tuổi tôi ở cạnh nhà thì bà bảo: “Sang làm gì, chúng nó có bố có mẹ, con mồ côi, con ở nhà chơi với bà”. Thế là tôi ở nhà. Mà chuyện với bà thì chán lắm. Tôi hỏi: “Bà ơi! hôm nay ăn cơm với gì?”. Bà trả lời: “Ăn với mồm”. Thế là hết chuyện. Nhưng có đứa nào rủ tôi đi chơi thì bà lại bảo: “Theo chúng nó lêu lổng hư người đi. Bố con ngày xưa không đi chơi đâu thì mới học nên người. Cha mẹ bố thằng giời, ăn ở không cân, con bà tử tế, thì nó bắt con bà chết, bọn bạc ác bất nhân thì nó cho sống”. Thế là bà lại ngồi khóc. Trời tối dần. Tối từ các góc nhà hoang vắng rồi tối ra ngoài sân. Có khi chả cần thắp đèn.

Bà tôi hay lẩm bẩm chửi giời, chửi đất. Ít khi tôi thấy bà cười hay có một câu nói vui. Chưa bao giờ tôi được nghe bà kể chuyện cổ tích. Tôi cứ tha thủi theo bà như cái bóng. Tôi hay sợ, hay khóc và luôn luôn ngơ ngác. Bà bảo tôi như thế là ngoan, là biết nghe lời bà. Buổi tối, ôm tôi đi ngủ bà thường nói: “Con ở đây với bà, con đừng bỏ bà đi đâu con nhé”. Tôi chỉ biết vâng, rồi ngủ thiếp. Sau này lớn lên, nghĩ lại tôi hiểu nỗi lòng bà. Bị nỗi mất mát dồn đến cùng cực, lúc nào cũng tủi thân, giận đời. Có khi thoáng thấy một người mặc Âu phục dắt xe đạp, bà tôi cũng lặng người. Bà bảo trông họ giống bố tôi hồi nào về thăm bà. Rồi bà lại chửi thằng giời, lại khóc. Bà bảo: “Bà thương con côi cút, bà phải sống với con. Bà chết, mẹ con đi lấy chồng, con ở với ai? Mẹ con quần trắng áo dài. Khổ lắm con ơi”. Bà ôm chặt lấy tôi, đặt tôi ngồi vào lòng. Tôi không hiểu gì nhưng thương bà lắm. Có lúc tôi khóc theo bà, có lúc tôi dỗ bà.

Thỉnh thoảng chú và bác tôi ở ngay cạnh cũng sang thăm bà và biếu những món ăn. Có lần chú tôi đi xa về mang theo thứ quả lạ lắm, xếp đầy một đĩa to, mang sang cúng ở bàn thờ bố tôi. Tôi đứng nhìn chú cúng, chờ cho cháy hết hương để chú hạ lễ, chú cho quả tôi. Nhưng cháy hết hương, chú hạ lễ, lại mang cả về. Tôi hỏi bà: “Các thứ cúng trên bàn thờ bố cháu có phải của bố cháu không?”. Bà trả lời: “Hỏi dớ dẩn. Trước cúng sau ăn, chứ bố mày ăn thế nào được mà xí phần”. Tôi đành im, nhưng cứ buồn buồn. Tôi nhìn lên bức hình bố tôi, mong thầm bố nhắc chú tôi đừng quên tôi. Lời mong ứng nghiệm. Tối đó chú tôi mang sang cho tôi một miếng quả đã gọt vỏ.

Tôi ở với bà độ một năm thì có nhiều người tản cư về. Nhà tôi cũng có gia đình một ông giáo Hà Nội đến ở, ông giáo Trì. Những người tản cư làm quê tôi chộn rộn hẳn lên. Vui hơn và văn minh hơn. Các lớp học được mở nhiều hơn. Phong trào xóa nạn mù chữ cũng rầm rộ. Ngày phiên chợ, các anh chị thanh niên đặt bảng đen ở các ngả vào chợ, viết chữ lên, hỏi người đi chợ. Biết chữ đi cổng vinh quang. Ai không biết chữ thì sang cổng mù. Ai đọc được các chữ viết trên bảng thì được đi thẳng vào chợ, gọi là đi cổng vinh quang. Ai không đọc được thì phải chui qua một cái cổng có dây chăng ở trên, gọi là cổng mù.

Tôi được đi theo các anh chị con ông giáo Trì, xem người ta hỏi chữ. Lúc mới về ở với bà, tôi đã biết đọc biết viết. Nhưng ngót một năm qua, tôi chỉ tha thẩn ở nhà chơi với bà chả học hành gì. Ông giáo Trì trở thành thầy dạy học ở trường làng tôi. Ông khuyên bà cho tôi đi học. Bà bảo: “Làm gì có giấy bút”. Thầy giáo Trì đã gấp những tờ giấy một mặt lại, đóng cho tôi một quyển vở. Thầy tìm một ngòi bút cũ, hơ lên lửa và ghè, lại nhỏ nét như ngòi mới, làm thành cái bút cho tôi. Nhờ thầy giáo Trì, tôi được đi học. Từ đó, tôi có bạn chơi. Buổi tối còn được nghe ông giáo Trì dạy các anh các chị ấy ở nhà. Nhiều chuyện hay lắm. Tôi ngồi gian bên cạnh lắng nghe. Tôi dạn dĩ dần. Cái vẻ ngơ ngác buồn buồn mất đi.

Năm tôi lên tám thì bà cho tôi sang ở nhà bác tôi, giúp bác các việc vặt. Cũng chả vất vả gì, lại được chơi với mấy anh chị trạc tuổi tôi. Tôi thích lắm. Nhưng ít lâu sau, tôi lại phải chuyển sang ở nhà chú, cũng kề ngay đấy. Sau rồi tôi biết, bà không đủ tiền nuôi tôi, phải nhờ các bác các chú lần lượt nuôi giúp. Khi biết như thế, tôi nói với bà: “Con thích ở với bà, con ăn ít cơm thôi”. Bà tôi bảo: “Bố mày, ai dạy mày nói thế”. Nhưng rồi bà đón tôi về. Bà lại nuôi tôi.

Một hôm ăn cơm trưa xong, bà hỏi tôi: “Bây giờ con sang Nhang Cát thăm cô Chức được không?”. Tôi trả lời bà: “Con sang được”. Cô Chức là cô ruột tôi, lấy chồng bên kia Cống Múc. Tôi đã theo bà sang thăm cô nhiều lần. Tôi nhớ đường. “Thế thì ngoan, cháu lớn rồi, biết giúp bà rồi”, Bà xoa đầu tôi rồi bà lại khóc: “Bố con chết rồi. Ông bà đã chia cho bố con một bộ nồi hai. Bây giờ nó là của con. Bà muốn hôm nay con mang đi một cái bán cho cô Chức, bà lấy tiền, đong gạo nấu cơm con ăn”. Tôi lặng lẽ gật đầu. Bà úp cái nồi lên đầu tôi, bảo tôi giơ hai tay lên giữ. Đầu tôi chui hẳn vào cái nồi. Bà bảo tôi nhìn xuống chân mà đi. “Đến Cống Múc thì con hạ nồi xuống, nhờ người ta mang lên đò. Xuống bờ, con lại nhờ người ta đặt lên đầu mà đi. Con có dám đi không?”. Năm ấy tôi đã lên tám. Đã đi học. Biết được nhiều thứ. Tôi lại muốn giúp bà để bà nuôi tôi. Tôi nói quả quyết: “Con đi được”.

Rồi tôi đi. Tôi cứ nhìn xuống chân, chậm chậm mà bước. Tôi nghe người bên đường, là bà con trong làng, hỏi tôi mang nồi đi đâu?. Có người khen tôi ngoan, chịu khó. Có người biết tên tôi, biết cả cô Chức, nói tằng Chúc nó đội nồi sang bán cho cô Chức nó. Cô nó giàu. Tôi cũng nghĩ là cô Chức giàu, cô ở nhà Tây. Cô giàu nhưng cô không có quyền tiêu tiền, tiền là của chú làm ra. Tiêu thì phải xin chú. Nghe bà tôi nói thế, tôi thấy thương cô. Được sang nhà cô, tôi vẫn thích. Có bận cô lấy trong ngăn kéo ra một hộp bút chì 12 màu. Cô bảo tôi: “Cháu thích màu nào, cô cho cháu chọn lấy hai cái”. Tôi mang về khoe. Thím tôi nói: “Cho cả hộp thì lấy, chứ hai cái thì lấy làm gì. Bần tiện”. Tôi hơi cụt hứng nhưng vẫn thích.

Tôi đi một chặp, thấy lạnh và nghe có tiếng sóng. Tôi biết đã tới Cống Múc. Tôi được một người nhấc hộ cái nồi khỏi đầu. Trời đã sầm tối. Bến sông lạnh và vắng. Con đò ngang đang lênh đênh sang bờ bên kia. Tôi phải đợi. Bỗng nhiên tôi oà khóc. Có người hỏi: “Sao mày khóc? Nặng à?”. Tôi không thấy nặng. Cái nồi to quá khổ tay ôm nên tôi phải đội chứ nó không nặng.

Tôi không biết tại sao mình khóc. Tôi thấy tôi chỉ còn có một mình ở đây thì tôi khóc. Bà cũng xa rồi. Bố thì chết rồi. Bấy giờ thì tôi đã hiểu thế nào là bố chết. Còn mẹ tôi, các em tôi, cả một gia đình của tôi, thì mấy năm nay chả thấy ai nhắc đến, có người còn bóng gió rằng mẹ tôi chẳng về đây nữa đâu, tôi cứ yên tâm mà ở với bà. Trong đầu óc non nớt của tôi, tôi chỉ biết chịu đựng. Ngay bà tôi cũng không thích tôi hỏi đến mẹ tôi. Nỗi nhớ mẹ, nhớ em như bị tan lẫn trong nỗi buồn côi cút mông lung. Chiều chiều, tôi ngồi trong giường nhìn ra sân chập choạng tối. Bà tôi hà tiện dầu, ít thắp đèn. Nhìn xung quanh nhập nhoạng vắng vẻ. Tôi buồn lắm. Nhưng sợ bà mắng. Tôi không khóc. Cứ ngồi ngây. Chiều nay, khi cái nồi vừa cất khỏi đầu, tôi gặp ngay bến sông vắng cũng nhập nhoạng tối, tiếng sóng ì oạp vỗ vào bờ nghe rõ mà xa thăm thẳm thì cái nỗi buồn “quen thuộc” kia như bất ngờ ập về làm tôi oà khóc.

Nhưng rồi tối hôm ấy tôi cũng vẫn mang nồi đến được nhà cô tôi. Lúc về, cô tôi nhờ người đưa tôi sang sông, rồi mới để tôi tự về nhà. Từ lần ấy tôi không còn sợ đi trong tối một mình, và tôi không bao giờ khóc giữa đường, dù nhiều khi tôi cũng rất buồn, buồn hơn cả cái buổi sẩm tối một mình đợi đò bên Cống Múc.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất