, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 16/03/2021, 16:02

Một người quê năm xưa

TRẦN VĂN TUẤN
Với những ngày cuối năm, tôi thường nhớ, nghĩ nhiều hơn về ông, một người nhà quê bình thường nhưng rất nổi tiếng. Ông giống như một nghệ sĩ dân gian mang lại niềm vui cho mọi người, lại cũng giống như một nhà hảo tâm mang đến lợi ích cho mọi người. Người ta bảo ông có thần linh phù hộ, ném xuống sông ngoi lên với vài ba con cá, ném xuống vực sâu lại bò lên với vài ba cục vàng.

Ở thập niên 60 - 70 thế kỷ trước, vùng tả ngạn sông Đáy, từ cán bộ xã, huyện đến người dân bình thường, từ già tới trẻ, thậm chí cả trẻ con đều gọi tên người ấy một cách vui vẻ “Cai Cụt”. Mọi người không ai nhớ tên thật, chỉ gọi theo nghề và hình dáng. Không ai biết Cai Cụt sinh ra ở đâu. Chỉ biết trong nạn đói năm 1945, có một đứa trẻ bò lổm ngổm trên đường, cào cỏ mà ăn. Một bà góa làng Trung thương tình, xót dạ mang về nuôi.

Cai Cụt nhanh nhẹn, tháo vát. Từ nhỏ đã theo mẹ nuôi đi làm thuê ở bên ngoài. Làng Trung đất trũng, nước ngập quanh năm. Dân trong làng xa xưa đã coi “miếng cơm thiên hạ” là chính. Họ đi khắp nơi, làm đủ thứ nghề từ vào rừng xẻ gỗ, buôn bè, buôn củ nâu cho tới nghề thổ, mộc. Cai Cụt mắt tinh, tai thính, bộ nhớ tốt. Chỉ học lỏm, học ké cũng biết đọc, biết viết, biết tính toàn phần trăm “nhanh như gió thổi, chính xác như đồng hồ”. Ở tuổi 13, trong lúc vội vã nhảy tàu ông ta bị gãy chân, phải tháo khớp gối phải.

Trời phú cho Cai Cụt có cái duyên hài hước, từ hình dạng cho tới trí lực. Cai Cụt ở đâu, cười nói râm ran, rôm rả ở đó. Cai Cụt lấy vợ ở quê. Không cưới hỏi gì hết. Cô gái đẹp nhất làng tự đến ở chung với Cai Cụt. Sinh con gái đầu lòng. Năm sau đẻ nữa, vẫn là con gái. Cai Cụt hớn hở bảo: “Tôi phấn đấu, quyết tâm phấn đấu để có ngũ long công chúa”. 

Người làng Trung nhất quyết bầu Cai Cụt làm đội trưởng Đội “Sản xuất ngành nghề” trong Hợp tác xã. Nói cho đúng hơn đấy là Đội đi làm thuê ở bên ngoài. Từ xa xưa, người làng gọi người lo công việc đó là cai. Tên gọi Cai Cụt có từ đó. Xã và hợp tác xã tạo mọi điều kiện cho Cai Cụt đi khắp thiên hạ tìm việc làm.

Cai Cụt dáng cao, gầy. Đầu cá trê, miệng cá ngão. Đi như đảo đồng với chiếc nạng gỗ bịt sắt ở đế. Ai trông thấy cũng phì cười. Cai Cụt có sức hấp dẫn kỳ lạ, nhất là đối với đám trẻ con và đàn bà con gái. Kiến thức văn hóa dân gian cực kỳ phong phú. Cần hát, có hát. Cần hò đối đáp có đối đáp hò vè. Kho câu đố tục thanh và chuyện tiếu lâm trong đầu ông ta tưởng như không bao giờ cạn kiệt.

Gặp đám đàn bà con gái, ông ta đố: “Củ rủ cù rù, nằm trên gác bếp thò cu ra ngoài; thò cu nó chẳng thò không; thò ra cả một chòm lông thâm sì…”Đám đàn bà con gái xô đẩy cấu véo nhau, la lên oai oái. Cai Cụt thản nhiên bảo: “Cái bắp ngô thôi mà có gì lạ đâu…”. Lại đố: “Trên thân thể người ta cái gì di chuyển nhanh nhất.” Người nói cái tay, người nói cái chân… Cai Cụt gõ nạng gỗ, nói như hát: “Trong đầu có nhiều suy nghĩ, phải không? Không có gì nhanh hơn ý nghĩ, phải không? Đầu ở trên vai, nhưng hay tụt xuống phần ngực rồi chạy xuống phía bụng dưới, phải không?” Có bà cười hi hí hỏi lại: “Bụng dưới ở chỗ nào?”. Cai Cụt chúi mũi về phía bà ta như đánh hơi, cười nói nham nhở: “Ở chỗ ai cũng muốn chui vào rút ra!”.

Những năm chiến tranh, ở ngoài Bắc hầu hết nam giới đều có một bộ đồ quân phục để mặc. Các cô gái cũng vậy. Ai cũng có người thân là bộ đội. Việc bộ đội nhường cơm, sẻ áo cho dân là điều tất nhiên. Trên đường đi hay ở chỗ dông người, màu xanh quân phục luôn là màu chủ đạo. Ai cũng thích mặc quần áo bộ đội. Riêng Cai Cụt thì không. Ông ta luôn mặc đồ tây dân sự. Ống quần phải cắt đi. Khi ngồi để lộ khúc xương đùi tròn vo màu đồng thau, nhẫn hín như đít trẻ con. Cai Cụt thuộc lại người không thấy mặt, chỉ thấy răng. Ông ta thích phô trương cái xấu của mình. “Cái gì thừa cần phải cắt đi. Cái gì dễ bị người khác hiểu lầm cũng phải loại bỏ. Tôi là người khuyết tật. Không muốn thiên hạ hiểu lầm là thương binh.” 

Cai Cụt luôn bảo “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Ông ta cao giọng nhấn nhá: “Vì bạn, vì vợ chứ không phải nhờ vợ, nhờ bạn”. Ai đó nói: “Cũng vậy thôi!”. Cai Cụt hăng hái cãi lại: “Vì khác, nhờ khác. Vì có bạn tốt ta mới giàu. Vì có vợ tốt ta mới sang. Vì là của ta. Ta là chính. Nhờ là của người khác. Ta lệ thuộc vào người khác, không ổn, không bền…” Cai Cụt thuận theo cái lý ấy để làm ăn. Gặp bạn tốt, làm ăn tốt. Gặp bạn xấu hoặc kém cỏi, việc làm ăn thất bại.

Thời nào cũng vậy, xã hội nào cũng thế, vấn đề việc làm luôn là vấn đề then chốt trong đời sống người dân. Không có việc làm, đời sống khốn khó về mọi thứ, từ vật chất tới tinh thần. Tìm việc làm cũng khó như tìm vàng. Trong hoàn cảnh chiến tranh, tất cả cho tiền tuyến, trong bối cảnh xã hội miền Bắc tập trung bao cấp hoàn toàn, mọi hoạt động kinh tế đều do nhà nước quản lý, sự chênh lệch giàu nghèo không đáng kể. Việc tìm ra việc làm thêm cho gần 100 người, đa số là phụ nữ, người trên 50 tuổi không thể tòng quân đánh giặc với mức thu nhập đủ nuôi sống một người khác là điều cực kỳ khó khăn. 

Trong chiến tranh, ở các cơ quan, xí nghiệp, nông trường, số nam thanh niên đi bộ đội rất nhiều, nguồn lực lao động thiếu nên một số công trình phụ, một số việc phải cần đến lao động ở ngoài. Cai Cụt bám vào nhu cầu đó để tìm. Rất ít khi Cai Cụt tìm được việc làm chung, cùng địa điểm cho cả đoàn. Ông ta phải phân tán đoàn thành các đội nhỏ. Có đội làm việc đào ao thả cá, đào đất làm đường… Có đội làm việc hái chè, trồng sắn. Lại có đội làm việc xây dựng nhà… Tất cả đều làm cho cơ quan, xí nghiệp hay nông trường quốc doanh. Cai Cụt ký hợp đồng, là cai thầu mọi việc rồi chia đội, cử đội trưởng thực hiện.

Cai Cụt hiếu động, lại có bệnh “ngứa miệng” rất hay nói. Ông ta rất thích la cà nơi nhà ga, bến xe. “Tình yêu chốn nhân gian, trí tuệ cũng ở chốn nhân gian”. Cai Cụt thường mở đầu câu chuyện bằng câu nói đó. Khi ông nói, không một ai có thể “bịt mồm”. Khi tranh cãi, ông chỉ có thắng, không thua. Nhiều năm đã trôi qua. Mỗi lần nhớ tới ông tôi đều nhớ lời khuyên nhủ của ông khi tiễn tôi lên đường vào Nam. “Có ba thứ biết phải nhớ nằm lòng. Một là biết sợ. Hai là biết nghĩ cho người khác. Ba là biết giới hạn của sức chịu đựng.” Nghe nói, lời khuyên nhủ này ông chẳng dành riêng cho tôi. Nhiều người khác cũng biết…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất